Tiếp lửa, trao truyền văn hóa Thái

Tỉnh miền núi Sơn La có 12 dân tộc anh em chung sống, trong đó đồng bào Thái đông nhất, chiếm hơn một nửa dân số của tỉnh. Trải qua quá trình hình thành và phát triển lâu dài trên mảnh đất ở miền Tây Bắc này, đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La đã tạo dựng cho mình một nền văn hóa đặc sắc.

Nhằm lưu giữ, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc ấy, những năm qua, các thế hệ người có uy tín, người am hiểu văn hóa Thái ở Sơn La đã nỗ lực tiếp lửa, trao truyền. Để rồi, khi những giá trị văn hóa ấy được giữ gìn và phát huy không chỉ giúp cho đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng ngày một phong phú, đa dạng, mà còn góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Sắc màu văn hóa đồng bào dân tộc Thái TP Sơn La.

Mỗi ngày cuối tuần, hoặc khi con cháu tụ họp dịp nghỉ hè là ông Quàng Văn Hặc, 75 tuổi, ở bản Bó, phường Chiềng An, TP Sơn La, tỉnh Sơn La lại dạy các cháu học chữ Thái cổ.

Được ông cần mẫn trao truyền, cháu Lù Quỳnh Hương luôn thấy tự hào: Cháu rất vui mình không chỉ nói được tiếng của dân tộc mình mà còn biết chữ Thái cổ nữa. Cháu rất cảm ơn ông Hặc đã truyền dạy cho chúng cháu và các bạn trẻ về các nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Nhất định chúng cháu sẽ cùng nhau bảo tồn để lưu truyền mãi mãi.

Mỗi dịp hè, khi khi nghỉ Tết, lễ, ông Quàng Văn Hặc đều quan tâm truyền dạy chữ Thái cổ cho con, cháu, chắt của mình.

Không chỉ dạy cho con, cháu trong gia đình, suốt nhiều năm qua, ông Hặc còn tận tâm truyền dạy chữ Thái cổ cho nhiều người dân trong bản, trong xã. Ban đầu, lớp học chỉ có vài ba người, sau đến hơn 100 người theo học, nhỏ nhất là 7 tuổi, lớn nhất là ngoài 60, vì thế về sau, ông phải chia thành 2 lớp với 2 nhóm tuổi khác nhau.

"Năm 1988 sau khi về nghỉ hưu, tôi thấy các lớp dạy chữ Thái rất ít duy trì, mai một dần đi, tôi cứ suy nghĩ mãi và muốn khơi dậy lại để các con, các cháu biết đọc, biết viết chữ Thái. Qua tìm hiểu, thấy có nhiều người có nhu cầu học, nên tôi mới đề xuất với cấp ủy chính quyền tự nguyện mở lớp dạy chữ Thái miễn phí. Ngay lúc ban đầu đã có 18 người đăng ký, tôi liền mở lớp ngay" - ông Hặc nói.

Ông Hặc nhiều năm miệt mài dạy chữ Thái cổ miễn phí.

Ông Hặc chia sẻ, tất cả các buổi dạy đều không công; phấn, bút, bảng… ông cũng tự đầu tư, song đau đáu vì tiếng nói, chữ viết của người Thái đang dần bị mai một, ông sẵn sàng bỏ công, bỏ sức để truyền dạy. Niềm vui lớn nhất với ông là khi mỗi lớp học mở ra, có nhiều người đến học.

"Tôi tự biên soạn giáo án để dạy. Giáo án học trong khoảng 3 tháng. Sau khi hết chương trình tôi cũng tổ chức kiểm tra, có thu hoạch, có sơ kết, tổng kết. Việc làm này cũng được cấp ủy chính quyền hoan nghênh và quan tâm động viên. Đến nay, các học viên của tôi rất nhiều người biết đọc, biết viết và tôi cũng đang đề xuất tiếp tục mở lớp nữa".

Ông Lường Văn Chựa (người cầm khèn) vẫn miệt mài sưu tầm, bảo tồn, truyền dạy làn điệu khèn bè và nét đẹp văn hóa của đồng bào Thái.

Ở tuổi “xưa nay hiếm”, ông Lường Văn Chựa ở bản Ngùa, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La hằng ngày vẫn miệt mài sưu tầm, bảo tồn, truyền dạy làn điệu khèn bè và nét đẹp văn hóa khác của đồng bào Thái. Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Yên Châu có bề dày văn hóa, nên tiếng nói, tiếng trống chiêng, tiếng hát, tiếng khèn trong các lễ hội của bản mường dường như đã ngấm vào máu thịt của ông ngay từ nhỏ; lo lắng khi nhiều nét văn hóa dân tộc đang dần bị mai một, nên ông đã bỏ công, dành sức để truyền dạy.

"Dạy khèn bè chỉ nghe làn điệu và mò theo là chính, tự mình phải biết vì trên khèn không quy định nốt nhạc. Nhưng cứ thổi theo, cứ nghe, bản thân mình yêu thích thật sự, quyết tâm thì sẽ được" - ông Chựa nói.

Năm 2018, được sự nhất trí của UBND huyện Yên Châu, nhóm bảo tồn văn hóa dân tộc Thái Yên Châu đã được thành lập với 11 thành viên, ông Lường Văn Chựa được tín nhiệm bầu làm nhóm trưởng. Đến năm 2021, các thành viên trong nhóm tiếp tục liên kết với những người am hiểu văn hóa dân tộc ở xã Chiềng Đông cùng huyện Yên Châu thành lập Câu lạc bộ liên thế hệ nhóm phát triển tài năng văn hóa dân tộc Thái.

Ông Chựa cùng các thành viên nhóm bảo tồn văn hóa Thái trong 1 buổi sinh hoạt .

Đến nay, Câu lạc bộ có 30 thành viên, sinh hoạt định kỳ vào ngày 15 hằng tháng. Từ khi thành lập đến nay, các thành viên trong Câu lạc bộ đã tổ chức 10 lớp dạy chữ Thái, dạy tiếng Khơ Mú, truyền dạy kỹ thuật thêu khăn piêu, hát Thái, khèn bè miễn phí... thu hút đông đảo bà con ở địa phương tham gia.

Bà Quàng Thị Chung – người dân ở bản Lũng Mé, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu cho biết: Tôi năm nay 62 tuổi, được các thành viên câu lạc bộ dạy cho biết khắp Thái, viết chữ Thái, tôi vui lắm. Mong sẽ có nhiều người theo học để không mất đi bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Tôi cũng sẽ dạy cho con cháu mình để cùng nhau giữ gìn văn hóa Thái.

"Tôi yêu thích điệu múa này nên đi tập rất đều. Các động tác múa rất đẹp, ai cũng có thể tập được. Giai điệu âm nhạc cũng rất quen thuộc, rộn ràng, mang lại cho người xem cảm xúc tươi vui". Đó là cảm nhận của đồng bào các dân tộc ở tỉnh Sơn La về “Vũ điệu kết đoàn” – một tác phẩm nghệ thuật đặc biệt, do bà Tòng Thị Phóng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội sáng tác. Mới ra đời 2 năm, nhưng tác phẩm nghệ thuật này đã mang sức sống mãnh liệt, không thể thiếu trong nhịp sống văn hóa tinh thần với mỗi người dân Sơn La.

Tỉnh Sơn La lan tỏa tác phẩm múa "Vũ điệu kết đoàn" của bà Tòng Thị Phóng.

Nghệ sĩ ưu tú Phạm Hồng Thu Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La chia sẻ: Một tác phẩm gần 5 phút nhưng chứa đựng dung lượng hết sức lớn về ngôn ngữ múa của các dân tộc, tích hợp sự giao thoa về văn hóa nói chung, nghệ thuật múa nói riêng. Ví dụ như điệu Au eo của người Khơ Mú, múa hái bông của người Mường, nghệ thuật chèo của đồng bằng Bắc Bộ... Thậm chí có những động tác múa tích hợp ngôn ngữ múa phương Tây, như trong bước nhảy của Đông Âu, chào xòe tay của văn hóa Pháp, Đức...

Theo tác giả, tự hào về các nét văn hóa độc đáo của quê hương Sơn La tươi đẹp; trăn trở trước những mất, còn của văn hóa trong thời kỳ hội nhập, “Vũ điệu kết đoàn” ra đời gửi gắm thông điệp về tình đoàn kết, cũng như sự cần thiết phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, bởi “văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”.

"Tác phẩm này là tác phẩm mong muốn góp phần hiệu triệu đại đoàn kết, không phân biệt già trẻ, trai gái, tôn giáo và thứ bậc. Thông điệp muốn nói là mọi người hãy cầm tay nhau đoàn kết. Mà đã đoàn kết thì chắc chắn sẽ có niềm tin và sẽ có thành công" - bà Tòng Thị Phóng chia sẻ.

Tháng 11/2021, tác phẩm "Vũ điệu kết đoàn" do bà Tòng Thị Phóng sáng tác đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả. Với mong muốn tác phẩm cùng thông điệp ý nghĩa được lan tỏa sâu rộng, các sở, ngành, địa phương ở Sơn La đã tổ chức nhiều lớp tập huấn truyền dạy, phổ biến tác phẩm cho cán bộ, hạt nhân văn hóa cơ sở và đông đảo người dân trên địa bàn.

Hiện nay có thể khẳng định, tác phẩm múa "Vũ điệu kết đoàn" đã thực sự đi vào lòng người một cách tự nhiên, bằng chính những giá trị mà nó hàm chứa; qua đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc.

Có thể thấy nhiều cá nhân, tổ chức ở Sơn La đã, đang tận tâm, nỗ lực lưu giữ hồn cốt văn hóa dân tộc bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Tuy nhiên, sự cố gắng ấy sẽ chỉ như “muối bỏ bể”, nếu như các cấp, ngành không thực sự có các giải pháp hữu hiệu, hay cơ chế chính sách đặc thù phù hợp để bảo tồn văn hóa các dân tộc trong thời kỳ hội nhập, phát triển.

Nội dung này sẽ có trong bài thứ 3, cũng là bài cuối của loạt bài này. Mời quý vị và các bạn chú ý đón đọc.

Nhóm Phóng viên/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/tiep-lua-trao-truyen-van-hoa-thai-post1067603.vov