Tiếng cười mỉa mai, chua chát trong 'Quốc âm thi tập'

Chỉ xét riêng chữ 'cười' theo nghĩa đen xuất hiện nhiều lần trong 'Quốc âm thi tập' cũng cho thấy Nguyễn Trãi là một nhà trào phúng: 'Ngày tháng bằng thoi một phút cười' ('Ngôn chí', bài 21); 'Đến đây rằng hết tiếng chê cười' ('Tự thán', bài 6); 'Thế những cười ta rằng đánh thơ' (Tự thán); 'Người cười dại khó ta cam chịu' (Bảo kính cảnh giới 14)…

Nguyễn Trãi cười nhiều nhất cho sự trái ngang của cuộc đời. Nhà hiền triết vĩ đại nhiều lần thốt lên "Ở thế nhiều phen thấy khóc cười" (Tự thuật 9). Là một nhà tư tưởng lớn, cũng là một nghệ sĩ lớn, qua cái nhìn mỹ học nho gia, Nguyễn Trãi khái quát cái "khóc cười" ấy vào một chữ "hiểm", cũng là cách châm biếm đời: "đường hiểm, bể hiểm, người hiểm, lòng người cực hiểm…", "Thế gian đường hiểm há chăng hay/ Càng còn đi ấy thác vay" (Tự thuật 1).

Bìa tác phẩm “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi.

Bìa tác phẩm “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi.

Chữ "vay", từ cổ có nghĩa "hay sao" nên hiểu cả câu là: nếu còn cứ đi trên đường hiểm ấy thì rồi sẽ chẳng gặp nguy mà chết (thác) hay sao. Lời thơ đầy dư ba về sự đắng đót, chua cay: sống tức là đối mặt với sự nguy hiểm của cuộc đời, có thể chết lúc nào không hay. Không ngờ câu nói ấy lại vận vào chính cuộc đời nhà thơ với vụ án oan lịch sử.

Ở một "tự thuật" khác ông viết: "Bể hiểm nhân gian ai kẻ biết?/ Ghê thay thế nước vị qua mềm" (Tự thuật 4). "Bể hiểm" là một ẩn dụ giàu sức liên tưởng, bể thì sâu, nhiều sóng nổi, sóng ngầm, nhiều khi mặt bể êm đềm nhưng sóng dữ đang cuồn cuộn tầng dưới. Hơn nữa "bể hiểm" ấy lại có "nước vị qua mềm". Nguyễn Trãi đã tiếp thu ý của Lão Tử: "Thiên hạ mạc nhu nhược ư thủy, nhi công kiên cường giả mạc chi năng thắng" nghĩa là: không có gì mềm yếu hơn nước, mà chống lại cái cứng mạnh thì cũng không cái gì hơn được nó. Nước ấy lại trong "bể hiểm" thì càng làm cho "bể hiểm" vô cùng khó lường.

"Mựa (chớ) trách thế gian lòng đạm bạc/ Thế gian đạm bạc đấy lòng thường" (Tức sự 3). Ông không trách thế gian "đạm bạc" (lạt lẽo) mà coi đấy là một quy luật thông thường, như tự nhắc mình sống ở đời là phải "gắng gỏi". Đường đời hiểm mà nơi hiểm nhất là chốn "cửa quyền": "Đã biết cửa quyền nhiều hiểm hóc/ Cho hay đường lợi cực quanh co" (Ngôn chí 19). Nơi chốn ấy "nhiều hiểm hóc" vì gắn liền với "đường lợi", mà đường lợi thì bao giờ cũng "quanh co". Không còn là nhật xét suông mà là thực tế trải nghiệm.

Có lần ông cay đắng thốt lên: "Mùi thế đắng cay cùng mặn chát/ Ít nhiều đã vậy một hai phen" (Thuật hứng 1). Nhà thơ thường hay dùng ẩn dụ - một phương thức tu từ mang giá trị biểu cảm cao, với nhiều hình tượng mới lạ làm người đọc phải khám phá, suy nghĩ khi tìm ra ý nghĩa. Được thu nhận một triết lý mới lại càng khâm phục sự thâm thúy trí tuệ của bậc đại Nho: "Dương trường đường hiểm khúc co que" (Tự thán 3). "Dương trường" là ruột dê (có hệ tiêu hóa rất tốt, dê ăn được cả cỏ độc) ẩn dụ cho cái quanh co nhưng bí hiểm của thế gian. "Bành được thương thua, con tạo hóa/ Diều bay cá nhẩy, đạo tự nhiên" (Tự thán 33). "Bành" tức ông Bành Tổ tương truyền sống 800 năm, "thương" có nghĩa là chết non. Một sự chua chát: được thua cũng do tạo hóa cả, như diều bay, như cá nhảy cũng thuộc tự nhiên rồi!

"Ngọc lành nào có tơ vết/ Vàng thực âu chi lửa thiêu" (Tự thuật 5). Tục ngữ nói "Ngọc còn có vết" nhưng ở đây là ngọc không tỳ vết. Cũng là vàng thực, không cần thử thách gì. Một nét cười buồn: đừng nghi ngờ, dễ làm đau ngọc đau vàng. "Phượng những tiếc cao, diều hãy liệng/ Hoa thì hay héo, cỏ thường tươi" (Tự thuật 9). Chim phượng bay cao, diều hâu bay thấp. Hoa quý thì hay héo. Cỏ rác hay tươi. Bật ra một quy luật trớ trêu đau đớn đáng mỉa mai của cuộc đời: cái hay cái tốt thì khó tìm và mong manh, cái xấu cái ác thì ngược lại…

"Hùm oai muông mạnh còn nằm cũi/ Khướu hót chim khôn phải ở lồng" (Tự giới). Một ẩn dụ dễ hiểu: mạnh như hùm kia, hót hay như khướu nọ, mà còn chịu kiếp trong lồng cũi. Thế nên người quân tử hãy thận trọng! "Bánh lành trong lá ghê người thấy/ Tiền tốt ngoài biên họa kẻ hay" (Tức sự 35). "Bánh lành" có thể ví như người tốt, người tài thường nằm ẩn trong lá, nhìn bề ngoài khó nhận ra, như tiền (kẽm) không chỉ nhìn cái biên rìa ngoài mà rõ được. "Bằng rồng nọ ai phen kịp/ Mất thế cho nên mặt dại ngơ" (Tức sự 33). Con rồng lúc thường thì oai phong lẫm liệt nhưng khi mất thế thì cũng "mặt dại ngơ". Ý thơ triết lý chua chát về cái được mất của thế thời.

Từng khẳng định mình có một cái khác so với người đời là tấm lòng ngay thẳng trong cõi trần thế đáng cười: "Cưu một lòng ngay khác chúng ngươi/ Ở chưng trần thế mấy phen cười", nhà thơ chua chát nhìn thấy cái đáng cười nơi trần thế qua lối thể hiện cũng chua chát. Ông hay so sánh cái cụ thể với cái trừu tượng để làm bật ra cái trớ trêu không dễ nhìn thấy: "Dễ hay ruột bể sâu cạn/ Khôn biết lòng người vắn dài" (Ngôn chí 5). Có thể đo "ruột bể" nhưng không thể đo được lòng người. Đo được thì biết nó sâu cạn nguy hiểm thế nào, còn không thì không biết hiểm nguy ra sao.

Có trường hợp cái trừu tượng được đặt ở trước trong hai vế so sánh để nhấn mạnh: "Miệng thế nhọn hơn chông mác nhọn/ Lòng người quanh nữa nước non quanh" (Bảo kính cảnh giới 9). Ở câu này thì "miệng thế nhọn" và "lòng người" đều là những phạm trù trừu tượng được đặt ở vế trước để người đọc hình dung ra cái đáng sợ nhất vẫn là "miệng thế" và "lòng người". Lòng người đã hiểm độc lại luôn quanh co như dòng nước nên khó biết khó đoán bội phần. Khi những phạm trù cụ thể được đặt trước thường sẽ đóng vai trò điểm tựa để hiểu rõ hơn phạm trù trừu tượng ở vế sau: "Nuôi con mới biết lòng cha mẹ/ Thấy loạn thì hay đời Thuấn Nghiêu" (Bảo kính cảnh giới 8). Hôm nay nuôi con vất vả mới biết lòng cha mẹ trước đây sâu thẳm ra sao. Muốn hiểu thế nào là "đời Nghiêu Thuấn" hòa bình thì phải từng trải qua đời loạn lạc…

Tranh minh họa Nguyễn Trãi về ẩn ở Côn Sơn.

Tranh minh họa Nguyễn Trãi về ẩn ở Côn Sơn.

Tiếng cười Nguyễn Trãi giàu hàm lượng tri thức cổ xưa nhờ hay xuất hiện ngụ ngôn: "Chúa giàn nẻo khỏi tan con nghé/ Hòn đất hầu làm mất cái chim" (Bảo kính cảnh giới 23). Ý thơ rút ra từ tập quán của loài trâu luôn sống theo đàn, "sẩy đàn (giàn) tan nghé". "Chúa giàn" là trâu đầu đàn mà đi khỏi thì cả đàn cũng tan, ý nói vai trò lớn lao của người chủ gia đình. Câu sau lấy ý từ ca dao "Đất Bụt mà ném chim trời/ Chim thì bay mất đất rơi xuống chùa" chỉ việc làm vô ích dễ gây họa. Nhờ mượn ngụ ngôn mà ý thơ sâu và hóm dễ đi vào lòng người. "Than lửa hoài chưng, thương vật nấu/ Củi thiêu tiếng khóc cảm thần linh" (Bảo kính cảnh giới 24). Câu đầu là điển tích trong thơ Tào Thực "Chử đậu nhiên đậu kỷ" (Cành đậu đun hạt đậu) nhắc chuyện anh em ruột thịt mà lại tàn hại nhau. Câu sau cũng là điển tích ngụ ngôn về sự đoàn kết anh em ruột thịt: có ba anh em Điền Chân đời Hán chia gia tài bàn nhau phá cây xanh tổ tiên để lại chia ba phần làm củi. Cây xanh tự nhiên khô đi mà chết. Ba anh em đoàn kết không chia gia tài nữa, cây tự nhiên sống xanh trở lại.

Câu "Chim có miệng kêu, âu lại ngậm/ Cáo khuyên lòng ở, mựa còn ngờ" (Tự thán 38) cũng có từ ngụ ngôn cổ: chim gặp nguy không dám kêu vì sợ lộ. Khi người gặp nguy thì đừng tin lời khuyên của cáo. "Thương cá thác vì câu uốn lưỡi/ Ngẫm ruồi nào chết bát bồ hòn" (Tức sự 35). Con cá chết vì mắc câu. Con ruồi không chết nếu không sa vào bẫy bồ hòn. Người cũng vậy, đừng chết vì lưỡi câu bổng lộc, vì bẫy ngọt phú quý... "Lọ vằn sinh lạ mãi phương Tây/ Phụng sự Như Lai trộm phép thầy/ Hơn chó được ngồi khi mặt bếp/ Tiếc hùm chẳng bảo chước leo cây" (Mèo). Truyện mèo mặt ngọc (ngọc diện miêu) kể có con chuột thành tinh cướp vợ một thầy đồ. Thầy đồ kiện, chuột hóa làm quan xử thầy đồ thua. Bao Công phải sang nước Phật ở phương Tây mượn mèo mặt ngọc vồ chết chuột yêu. Thì ra có yêu ma quỷ quái đến đâu vẫn sẽ bị công lý trừng trị. "Trộm phép thầy" tức khi thầy chùa vắng thì mèo trèo cả lên bàn thờ Phật mà ngủ. "Ngồi mặt bếp" là hình ảnh mèo được ngồi mặt bếp khi chủ làm cơm, hơn chó thường bị đuổi. "Tiếc hùm…" là chuyện mèo dạy hổ đủ chiêu nhưng không dạy cách leo cây. Con mèo được đặc tả qua các ngụ ngôn làm hình tượng sinh động, dí dỏm.

Là tiếng nói của một trí tuệ lớn thấu hiểu quy luật tự nhiên - xã hội, một tâm hồn lớn thấu cảm nỗi đau đời và yêu đời, "Quốc âm thi tập" là cả một thế giới tiếng cười với giọng chủ đạo mỉa mai chua chát. Tiếng cười ấy sẽ còn vọng mãi tới mai sau!

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/tieng-cuoi-mia-mai-chua-chat-trong-quoc-am-thi-tap-i717221/