Tiền tỷ đổ vào dâng sao, giải hạn đầu năm: Cách nào ngăn chặn lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi?

Dâng sao có giải được hạn hay không? Vì sao đến nay vẫn còn nhiều người làm lễ dâng sao giải hạn? Làm sao để không còn tình trạng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi? Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn TS Bùi Hữu Dược, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ để làm rõ hơn các vấn đề này.

Phóng viên (PV): Dâng sao giải hạn và vấn đề lợi dụng tín ngưỡng tâm linh để trục lợi vẫn là câu chuyện “nóng” trong dịp đầu năm nay. Dưới góc độ của người làm công tác nghiên cứu và có nhiều năm làm công tác quản lý Tôn giáo, theo ông, vì sao lại có tình trạng này? Thực chất dâng sao giải hạn là gì?

TS Bùi Hữu Dược, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ.

TS Bùi Hữu Dược, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ.

TS Bùi Hữu Dược: Dâng sao giải hạn là niềm tin trong quan niệm của một số người chứ không phải của toàn xã hội. Làm lễ dâng sao giải hạn đúng hay sai, làm lễ cúng sao giải được hạn hay không, có hiệu quả hay không? Câu trả lời phải dành cho thực tiễn. Trong xã hội vẫn có người nói dâng sao thì được như ý. Nhưng thực tế nhiều người không biết, không làm lễ dâng sao cũng không ảnh hưởng gì. Nếu xem xét ở khía cạnh khoa học và cuộc sống của con người sẽ thấy quan niệm rằng làm lễ dâng sao mà giải được hạn là không có cơ sở. Chúng ta có khoảng 8 tỷ người, nếu bị chi phối vận mệnh bởi 108 vì sao, có rất nhiều người cùng tuổi, tại sao vận mệnh người này không giống người kia? Tại sao có người sống cả trăm tuổi, trải qua các kỳ vận hạn, sao chiếu, có người vừa sinh ra đã mất khi chưa chịu ảnh ảnh hưởng vì sao nào? Nếu dâng sao mà giải được hạn thì nhà giàu, vua chúa ngày xưa dâng sao giải hạn sẽ đều sống mấy trăm tuổi và sẽ không có vua chúa, người giàu chết trẻ…

Dâng sao giải hạn là quan niệm có từ xa xưa, ngày nay không còn phù hợp khi khoa học phát triển nhưng vẫn tồn tại là vì còn nhiều người chưa hiểu, còn "bán tín bán nghi" với quan niệm "có thờ có thiêng, có kiêng có lành". Trong thực tế còn nhiều những hiện tượng khoa học chưa giải thích được, trong đời sống còn có những trắc trở khó khăn, con người phải tìm tới chỗ dựa tinh thần, niềm tin tâm linh. Nhất là trong phát triển thông xã hội hiện nay, nhiều người lợi dụng tâm lý lo sợ của nhiều người thiếu hiểu biết thấu đáo, đã đưa nhiều thông tin không kiểm chứng, thông tin sai sự thật về cúng sao giải được hạn, người không cúng thì gặp tai ách,.... Đây là vấn nạn xã hội ngàn xưa đến nay, đã nhiều người nói, nhiều người mong xóa bỏ mà chưa được, khi con người rất nhiều mánh lới dẫn dụ đưa người cả tin, người gặp trắc trở nghe, tin vào rất nhiều điều phi lý. Từ thời Đức Phật tại thế đã phủ nhận chi phối của thần thánh với con người. Vậy thần ở đâu, thánh ở đâu, ma quỷ ở đâu mà con người vẫn tin, vẫn đến chùa làm lễ dâng sao giải hạn?

Đốt vàng mã vẫn còn diễn ra tại nhiều điểm di tích dịp đầu năm. Ảnh:Quang Vinh

Đốt vàng mã vẫn còn diễn ra tại nhiều điểm di tích dịp đầu năm. Ảnh:Quang Vinh

PV: Trung ương Giáo hội Phật giáo đã khẳng định, dâng sao giải hạn không phải nghi lễ Phật giáo. Vì sao có chùa vẫn tổ chức và rất nhiều người vẫn đến chùa làm lễ dâng sao giải hạn mỗi dịp đầu xuân?

TS Bùi Hữu Dược: Người có niềm tin tâm linh tìm đến chùa để cầu mong tốt lành, đến với Phật giáo để cầu an, nhất là dịp đầu xuân. Nhà chùa làm lễ cầu an là vì lòng tốt, muốn giúp cho những người đến chùa an ổn tinh thần. Việc này thể hiện sự yêu quý, muốn giúp đỡ con người của Phật giáo, của người tu hành. Mục đích nhà chùa làm lễ không phải là để lôi kéo con người dấn sâu vào niềm tin dâng sao giải hạn mà qua nghi lễ để tạo cơ hội gần người có niềm tin đó, giảng giải, giúp họ hiểu rằng làm việc đó không phải như họ tin. Con người muốn tốt lành phải hướng thiện, tu tâm dưỡng tính, làm việc phúc đức chứ không phải đi cầu cúng, dâng sao giải hạn. Nếu dâng sao giải hạn mà không thể hiện lòng thành, không sống tốt với mọi người cũng vô ích.

PV:Nếu làm đúng như thế thì xét về logic, số lượng người đến làm lễ dâng sao giải hạn phải giảm, nhưng thực tế lại không hẳn như thế. Ông lý giải điều này như thế nào?

TS Bùi Hữu Dược: Có nhiều lý do. Thứ nhất, có thể chính nhà chùa, nhiều nhà sư cũng không hiểu được rằng dâng sao giải hạn không nằm làm trong giáo lý nhà Phật. Nhiều nhà sư chưa hiểu đúng đắn triết lý Phật giáo vẫn cho rằng đây là nghi lễ của Phật giáo. Thứ 2, là vì lợi ích kinh tế, nhiều người lợi dụng hoạt động này, tổ chức dâng sao giải hạn trong chùa để thu tiền. Mỗi người đến dâng sao giải hạn là tự nguyện hay theo quy định công khai đều "cúng" một số tiền . Trước đây, người ta đến chùa với lòng thành, nải chuối, gói bánh hay ít đồng lẻ gọi là tiền dầu đèn. Bây giờ, có nơi ghi hẳn trước cổng chùa là 200.000 đồng – 300.000 đồng, đây là việc làm không phù hợp với triết lý và truyền thống Phật giáo. Có người nói ghi như thế để những người đến biết mà không đóng quá nhiều tiền, nói thế nghĩ có lý nhưng thật là ngụy biện cho việc tạo nếp và định giá.

Nếu đã làm để giúp đỡ mọi người thì người ta đến, có đóng góp, có lễ cũng được, mà không có thì nhà chùa cũng giúp. Thứ 3, là chính những người muốn cầu an, cầu điềm lành không biết tìm đến đâu nên họ tìm đến chùa, nghĩ chùa là nơi thanh tịnh nhất, có thể giúp cho mình an lành. Họ có thể biết hoặc không biết rằng chùa không phải là nơi làm lễ dâng sao giải hạn nhưng họ vẫn đến làm lễ vì đã thành nếp quen. Nhà chùa cũng vui hơn khi mỗi năm người đến đông hơn. Làm cho người đến làm lễ dâng sao giải hạn đông hơn như thế không phải lỗi của người tin mà sai từ nhà chùa không tìm cách hạn chế. Nếu thầy không khuyến dụ, người tin cũng khó đến.

Để cầu an dịp đầu xuân, nhiều chùa tổ chức Đàn Dược sư, lễ cầu an đầu năm, lễ cầu quốc thái dân an. Đây là việc làm cần khuyến khích.

PV: Theo ông, để mọi người hiểu đúng về dâng sao giải hạn, không còn trục lợi từ hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, cơ quan quản lý Nhà nước, Giáo hội Phật giáo đã làm gì, hiệu quả ra sao và thời gian tới nên làm gì?

TS Bùi Hữu Dược: Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhận diện vấn đề này từ năm 2017, 2018, 2019 và đã có văn bản, yêu cầu các chùa không thực hiện nghi lễ dâng sao giải hạn.

Thời gian qua, cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các ngành liên quan đã rất tích cực giải quyết vấn đề mê tín ở trong chùa, từ dâng sao giải hạn, đốt vàng mã cho đến đốt hương, đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam có văn bản từ trên xuống dưới quy định các chùa không được đốt vàng mã, không được tổ chức dâng sao giải hạn. Đây là kết quả từ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giám sát từ cơ quan quản lý Nhà nước.

Sau khi Luật Tín ngưỡng tôn giáo được ban hành, qua báo cáo của các địa phương, tỉnh, thành, Ban Tôn giáo Chính phủ cho thấy nhiều chùa đã thực hiện tốt song cũng còn những người nhận thức chưa đầy đủ, thực hiện chưa tốt. Tuy nhiên, mặt trái của xã hội lúc nào có. Đương nhiên, cái xấu cần phải điều chỉnh. Trước một vấn đề xã hội, hãy nhìn, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, khoa học. Mỗi hiện tượng, sự vật tồn tại đều có lý do của nó.

Tôi cho cho rằng, vấn đề chỉ có thể giải quyết được khi đời sống kinh tế phát triển, văn hóa phát triển, con người có nhận thức đúng. Đối với nhà sư cũng cần tiếp tục làm tốt công tác quản lý, tuyên truyền, vận động để họ làm tròn vai trò trách nhiệm của họ. Tôi có lần đã nói, sư không phải là một nghề, không phải là người làm kinh tế mà là người đi tu giúp đời, thực hiện hạnh nguyện “dứt ái ly gia”, là những người chấp nhận hy sinh rất lớn để gây dựng đạo đức " nhân quả" nhằm mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Hiện nay, một số nhà sư không giữ giới hạnh, lạm dụng Phật giáo làm một số việc chưa đúng. Số này không nhiều nhưng " con sâu làm rầu nồi canh". Giáo hội Phật giáo cần nghiêm khắc chấn chỉnh, các cơ quan quản lý cần có xử lý phù hợp đủ sức ngăn cấm.

Đối với nhà chùa, khi tổ chức lễ cầu an đầu năm hoặc tổ chức lễ dâng sao giải hạn, nhà sư phải giải thích việc dâng sao giải hạn là theo phương tiện để giúp cho mọi người nhận thức đúng và đỡ lo trong năm, không phải nhà chùa dâng sao mà mọi người tránh được nghiệp xấu của mình, của xã hội. Giải pháp cho vấn đề nêu ra vẫn là tích cực tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Lâu nay chúng ta vẫn tuyên truyền nhưng theo tôi, tuyên truyền hiệu quả nhất là làm gương, nói đi đôi với làm, thực hiện đúng đường lối, đúng pháp luật và công khai, minh bạch.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hoa Nguyễn (thực hiện)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/tien-ty-do-vao-dang-sao-giai-han-dau-nam-cach-nao-ngan-chan-loi-dung-tin-nguong-de-truc-loi--i683340/