Tiền Giang: Thực hiện hiệu quả 2 đề án đờn ca tài tử

Tiền Giang là vùng đất có bề dầy về lịch sử văn hóa, là địa phương có nhiều loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể, góp phần hình thành nền 'văn minh miệt vườn' của vùng sông nước Cửu Long; là mảnh đất sinh sôi của phong trào đờn ca tài tử (ĐCTT) hồi đầu thế kỷ XX, là cái nôi của sân khấu cải lương Nam bộ, là quê hương của những tài danh nghệ thuật được công chúng mộ điệu cả nước biết đến, đã góp phần làm rạng rỡ quê hương Tiền Giang, vùng đất 'Địa linh nhân kiệt'.

Trong nhiều năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) của tỉnh Tiền Giang tổ chức rất nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật đa dạng về nội dung, phương thức, thu hút các giới, công chúng đến với các thiết chế văn hóa, tham gia các hoạt động sáng tạo, hưởng thụ các giá trị văn hóa. Qua đó, tạo môi trường sinh hoạt văn hóa vui tươi, lành mạnh trên địa bàn, tạo hiệu quả xã hội tốt, đặc biệt là việc triển khai thực hiện hiệu quả các đề án văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Kết quả này đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, của địa phương, làm tăng thêm sức mạnh văn hóa truyền thống của vùng Nam bộ nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung trong quá trình giao lưu văn hóa với thế giới.

Biểu diễn ĐCTT tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Cái Bè.

Cụ thể hóa nội dung Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, từ năm 2016, Sở VHTT&DL đã tham mưu trình UBND tỉnh ký ban hành Đề án “Bảo tồn, phát huy nghệ thuật ĐCTT tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2016 - 2020, giai đoạn 2021 - 2025”.

Để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của đề án, thời gian qua, Sở VHTT&DL đã phối hợp chặt chẽ với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, trung tâm văn hóa, thể thao và truyền thanh các huyện, thành, thị trong tỉnh tổ chức thường xuyên, liên tục các nội dung hoạt động của đề án như: Tọa đàm nghệ thuật ĐCTT; thi sáng tác lời mới bài bản ĐCTT viết về quê hương Tiền Giang; tập huấn ĐCTT; liên hoan ĐCTT; biểu diễn giao lưu ĐCTT ở trung tâm văn hóa, thể thao và truyền thanh các huyện, thành, thị trong tỉnh; biểu diễn ĐCTT định kỳ hằng tuần tại Rạp hát Thầy Năm Tú (phường 1, TP. Mỹ Tho); biểu diễn ĐCTT phục vụ khách du lịch tại Khu du lịch Thới Sơn (TP. Mỹ Tho); thực hiện đĩa DVD ĐCTT chủ đề “Cung bậc sông Tiền”; xuất bản tập bài hát “Hương sắc Tiền Giang” phát hành về cơ sở để phục vụ cho phong trào ĐCTT và văn nghệ quần chúng ở địa phương.

Qua gần 10 năm triển khai thực hiện các nội dung của 2 Đề án ĐCTT giai đoạn 2016 - 2020, giai đoạn 2021 - 2025 đã quy tụ trên 1.000 lượt nghệ nhân, nghệ sĩ ở khắp các địa phương trong tỉnh tham gia, khơi dậy mạnh mẽ phong trào ĐCTT trong tỉnh, phục vụ có hiệu quả nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân ở khắp các địa phương trong tỉnh, góp phần tích cực vào công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này của tỉnh.

Theo thống kê Sở VHTT&DL, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện có trên 170 câu lạc bộ, đội, nhóm ĐCTT với gần 1.000 người tham gia hoạt động ĐCTT thường xuyên ở khắp các địa phương, các thiết chế văn hóa trong tỉnh. Vì vậy, việc UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt 2 Đề án ĐCTT đã đáp ứng kịp thời phong trào ĐCTT của tỉnh đang trên đà phát triển mạnh.

Đặc biệt, qua 8 lớp tập huấn ĐCTT ở các huyện, thành, thị trong tỉnh đã trang bị cho gần 500 anh, chị, em tài tử trong tỉnh nắm căn cơ bài bản tài tử, ca đúng phong cách truyền thống của nhạc tài tử. Nhiều bài bản tài tử, bài ca vọng cổ viết về quê hương Tiền Giang đã được phổ biến qua các lớp tập huấn ĐCTT.

Đây là phương thức bảo tồn hiệu quả, bởi học viên của các lớp tập huấn này sẽ làm nòng cốt cho phong trào ĐCTT của các địa phương trong tỉnh thời gian tới. Các hoạt động biểu diễn ĐCTT đã thu hút nhiều vạn lượt công chúng dự xem, cổ vũ; quy tụ nhiều tài tử tham gia biểu diễn giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp để phục vụ tốt hơn cho phong trào.

Ngoài các hoạt động ĐCTT theo nội dung 2 Đề án ĐCTT, trong nhiều năm qua, ngành VHTT&DL tổ chức rất nhiều hoạt động biểu diễn ĐCTT phục vụ nhân dân gắn với các ngày lễ, tết, các sự kiện chính trị - văn hóa - xã hội, các lễ hội lớn của tỉnh, của địa phương. Vào tháng 4-2022, Ban ĐCTT tỉnh Tiền Giang tham gia “Liên hoan nghệ thuật ĐCTT cấp quốc gia” tại TP. Cần Thơ, do Bộ VHTT&DL tổ chức. Liên hoan có 21 Ban ĐCTT của 21 tỉnh, thành Nam bộ tham gia. Ban ĐCTT tỉnh Tiền Giang là một trong 7 Ban ĐCTT đạt Huy chương Vàng toàn đoàn tại liên hoan.

Năm 2013, nghệ thuật ĐCTT Nam bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) trao tặng. Dịp này, Bộ VHTT&DL công bố Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và giao nhiệm vụ cho các Sở VHTT&DL có nghệ thuật ĐCTT. Việc ĐCTT Nam bộ được tổ chức UNESCO công nhận đã cho thấy thế giới đánh giá cao loại hình âm nhạc này, nó chứng tỏ sức sống văn hóa truyền thống của Việt Nam trong dòng chảy giao lưu vào văn hóa thế giới.

Với nội lực của phong trào, thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã thực hiện tốt chương trình hành động quốc gia về ĐCTT; đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền giá trị của di sản văn hóa ĐCTT sâu rộng trong cộng đồng; tôn vinh những nghệ nhân ĐCTT có nhiều công lao bảo tồn nghệ thuật ĐCTT tại các địa phương; phát huy loại hình nghệ thuật này của tỉnh phát triển một cách bề vững.

THANH HẢI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202405/tien-giang-thuc-hien-hieu-qua-2-de-an-don-ca-tai-tu-1010274/