Thường trực Ủy ban Đối ngoại họp mở rộng

Sáng 13.5, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Đối ngoại đã họp mở rộng thẩm tra sơ bộ Tờ trình của Chủ tịch nước về việc phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (Anh). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến chủ trì cuộc họp.

Tham dự cuộc họp có đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Xã hội cùng đại diện một số bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến chủ trì cuộc họp

Theo Tờ trình, đối với Việt Nam và các nước khác đã có Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương có tiêu chuẩn cao với Vương quốc Anh thì việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP càng thuận lợi hơn do quan hệ FTA ở mức độ tương đương CPTPP đã được thiết lập từ trước.

Văn kiện gia nhập CPTPP của Anh gồm hai phần chính: Nghị định thư gia nhập cùng các phụ lục và Thư của Anh cùng các thư song phương giữa Việt Nam - Anh. Trong đó, đáng chú ý là Anh đã ký thư về vấn đề kinh tế phi thị trường gửi Việt Nam, trong đó xác nhận hệ thống quy định về phòng vệ thương mại của Anh không quy định về việc tự động coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường, do đó, không dựa trên giả định rằng Việt Nam có tình trạng kinh tế phi thị trường. Các ngành đang hoạt động tại Việt Nam được coi là hoạt động trong điều kiện của nền kinh tế thị trường. Trên cơ sở đó, Anh xác nhận sẽ không áp dụng Điều 14.1 (b) trong Quy định Phòng vệ thương mại năm 2019 của nước này đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phan Thị Kim Oanh trình bày Tờ trình

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội Phạm Trọng Nghĩa phát biểu

Về tác động chính trị, an ninh quốc gia và chiếc lược đối ngoại, Tờ trình nêu, Anh đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy an ninh khu vực và toàn cầu. Ở góc độ song phương, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Anh thời gian qua có những bước phát triển mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Trong bối cảnh đa số các nước ASEAN chưa có FTA với Anh, việc Anh gia nhập CPTPP sẽ góp phần củng cố vai trò của Việt Nam đối với Anh tại khu vực này, đồng thời cũng góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong hợp tác kinh tế quốc tế và quan hệ hợp tác song phương với Anh. Đặc biệt, việc Anh công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam cũng có ý nghĩa quan trọng tạo thêm cơ sở để ta tiếp tục vận động các nước khác, trong đó có Hoa Kỳ, công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Ở góc độ đa phương, việc Anh gia nhập CPTPP sẽ góp phần kết nối khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Mỹ với châu Á, khẳng định sức hấp dẫn cũng như vai trò của CPTPP trong thúc đẩy liên kết và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Anh Tuấn phát biểu

Về tác động kinh tế, Tờ trình nhấn mạnh, việc Anh gia nhập CPTPP sẽ góp phần quảng bá, thu hút thêm nhiều nền kinh tế khác gia nhập Hiệp định, qua đó, góp phần mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho hàng hóa Việt Nam, góp phần tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với Việt Nam, Anh luôn là một trong những thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới, những kết quả đàm phán ta đã đạt được sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn hoạt động trao đổi thương mại - đầu tư của Việt Nam với Anh, đặc biệt tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận thị trường với quy mô kim ngạch nhập khẩu thường niên lớn. Tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Anh sẽ thay đổi tích cực, kim ngạch xuất khẩu của một số ngành hàng cụ thể sẽ tăng trưởng rõ rệt như: gạo, cá ngừ…

Toàn cảnh cuộc họp

Chính phủ đề xuất phê chuẩn văn kiện tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV để Việt Nam nằm trong nhóm 6 nước CPTPP đầu tiên phê chuẩn Nghị định thư. Việc sớm phê chuẩn và thực thi các cam kết trong Nghị định thư sẽ giúp hiện thực hóa những cơ hội tiếp cận thị trường Anh cho hàng hóa Việt Nam, từ đó góp phần củng cố và tăng cường quan hệ thương mại - đầu tư song phương, đồng thời, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong việc tích cực thúc đẩy hợp tác kinh tế trên bình diện quốc tế.

Tại cuộc họp, các đại biểu cũng đã nghe Tờ trình của Chính phủ, báo cáo tóm tắt của Chính phủ thuyết minh về việc gia nhập CPTPP của Anh; trao đổi, thảo luận về hình thức phê chuẩn, tác động của việc phê chuẩn tới các lĩnh vực thu hút đầu tư vào Việt Nam… Một số ý kiến đề nghị cơ quan trình thông tin thêm về lộ trình thực thi các cam kết pháp lý - thể chế của Anh; báo cáo rõ thêm tác động kinh tế của việc Anh gia nhập CPTPP đối với Việt Nam…

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến đề nghị cơ quan trình, đặc biệt là Bộ Công Thương phối hợp hoàn thiện báo cáo chi tiết về những nội dung được các đại biểu đặt ra; đồng thời nêu rõ, Ủy ban Đối ngoại sẽ khẩn trương tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, hoàn thiện báo cáo, hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Tin và ảnh: Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/thuong-truc-uy-ban-doi-ngoai-hop-mo-rong-i371600/