Thương mại kỹ thuật số thúc đẩy tăng trưởng của châu Á - Thái Bình Dương

Theo một báo cáo mới được công bố trong Tuần lễ Kinh tế số 2023 của UNCTAD (UNCTAD eWeek 2023), thương mại kỹ thuật số mang lại nhiều hứa hẹn cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC), nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để giúp các quốc gia dễ bị tổn thương bắt kịp đà tăng trưởng.

Một khách hàng thực hiện giao dịch thanh toán kỹ thuật số tại một khu chợ ở Indonesia. Ảnh: Shutterstock

Một khách hàng thực hiện giao dịch thanh toán kỹ thuật số tại một khu chợ ở Indonesia. Ảnh: Shutterstock

Báo cáo Đầu tư và Thương mại châu Á - Thái Bình Dương 2023-2024 do UNCTAD, Ủy ban Kinh tế Xã hội của LHQ tại châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) và Tổ chức Phát triển Công nghiệp LHQ (UNIDO) phối hợp thực hiện đã cho thấy hiệu quả hoạt động mạnh mẽ nhưng không đồng đều của khu vực này.

Với tốc độ tăng trưởng 9% trong xuất khẩu sản phẩm kỹ thuật số từ năm 2015 đến năm 2022, châu Á - Thái Bình Dương đã vượt qua mức trung bình toàn cầu là 6,8% để đạt 958 tỷ USD. Tuy nhiên, 85% lượng xuất khẩu kỹ thuật số của khu vực trong năm 2022 được chiếm giữ chỉ bởi 6 nền kinh tế, và thị phần của các nước kém phát triển nhất (LDC) ở APAC là chưa tới 1%.

Theo Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan, “APAC có tiềm năng trở thành khu vực dẫn đầu về thương mại kỹ thuật số, nhưng chỉ khi chúng ta hợp tác cùng nhau để đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau”, từ đó khuyến khích các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp thực hiện cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm.

“Không chỉ là động cơ tăng trưởng”

Dữ liệu từ báo cáo cho thấy giá trị thương mại kỹ thuật số khi tăng 1% sẽ có liên quan đến mức tăng 0,8% trong GDP bình quân đầu người thực tế của một nền kinh tế.

Do lợi ích của thương mại kỹ thuật số gắn liền với việc truy cập internet, việc thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số trong khu vực chính là chìa khóa để đảm bảo lợi ích phát triển trên diện rộng.

Trong khi hơn 90% người dân ở các quốc gia có thu nhập cao ở APAC sử dụng Internet thì tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 20% ở các quốc gia có thu nhập thấp hơn.

“Sự chênh lệch này nhấn mạnh nhu cầu cần hành động khẩn cấp… Điều bắt buộc là chúng ta phải hợp tác cùng nhau để đảm bảo rằng thương mại và đầu tư kỹ thuật số không chỉ là động lực tăng trưởng mà còn là chất xúc tác cho sự phát triển toàn diện và bền vững”, Thư ký điều hành ESCAP Armida Salsiah Alisjahbana nhấn mạnh.

Cách tiếp cận toàn diện của chính phủ

Từ đó, báo cáo kêu gọi thực hiện các chính sách đầu tư và thương mại kỹ thuật số toàn diện hơn, bao gồm các biện pháp nhằm hài hòa hóa chính sách và quy định xuyên biên giới, đồng thời tăng cường năng lực của các nước kém phát triển trong thương mại điện tử và nền kinh tế kỹ thuật số.

UNCTAD cũng nhấn mạnh sự cần thiết của một môi trường pháp lý hỗ trợ, với luật pháp rõ ràng để đảm bảo các giao dịch trực tuyến, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và chống lại tội phạm mạng.

Ngoài ra, việc giải quyết các mối lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu là chìa khóa để xây dựng niềm tin, trong khi thủ tục hải quan lại rất quan trọng trong việc xử lý suôn sẻ hàng hóa kỹ thuật số.

Theo Tổng Giám đốc UNIDO Gerd Müller, việc giải quyết các thách thức xã hội và môi trường phát sinh từ thương mại và đầu tư kỹ thuật số là một vấn đề phức tạp, với những tác động đa dạng mà không một cơ quan nào có thể tự quản lý một cách riêng biệt.

Do đó, để đạt được tiến bộ trong thương mại kỹ thuật số đòi hỏi phải có sự hợp tác giữa các bộ, ngành và cơ quan liên quan, báo cáo nhấn mạnh.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ TBSNews)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/thuong-mai-ky-thuat-so-thuc-day-tang-truong-cua-chau-a-thai-binh-duong-135840.html