Thuốc nào điều trị sốt siêu vi?

Sốt siêu vi thường do nhiễm virus, đặc biệt là trong những mùa hoặc đợt dịch bùng phát nhất định. Vậy khi bị sốt siêu vi có thể dùng thuốc gì điều trị?

Nhiệt độ cơ thể bình thường có thể dao động trong khoảng 36,5°C - 37,8°C. Sự gia tăng nhiệt độ cơ thể được gọi là sốt. Sốt do nhiễm virus được xếp vào loại sốt virus hay sốt siêu vi.

Để giảm các triệu chứng sốt do virus, có thể dùng thuốc hạ sốt và các thuốc điều trị triệu chứng khác. Bệnh nhân được khuyến cáo không nên tự dùng bất kỳ loại thuốc kháng sinh nào để điều trị sốt do virus, vì ngoài việc không mang lại kết quả khả quan, thuốc kháng sinh còn có thể gây ra tác dụng phụ. Ngoài ra, dùng thuốc kháng sinh khi sốt virus không cần thiết có thể làm tăng tình trạng kháng kháng sinh.

Điều trị sốt siêu vi thường tập trung vào việc kiểm soát và phục hồi triệu chứng.

1. Các thuốc có thể dùng điều trị sốt siêu vi

1.1 Thuốc hạ sốt

- Tác dụng: Trong trường hợp sốt nhẹ, không nên vội dùng thuốc hạ sốt. Nếu sốt kéo dài hoặc nhiệt độ tăng cao, kèm theo cảm giác mệt mỏi thì nên dùng thuốc để hạ sốt. Có thể sử dụng các thuốc hạ sốt, giảm đau và chống viêm như ibuprofen, paracetamol… với liều lượng thích hợp.

- Tác dụng phụ: Nếu dùng đúng liều lượng chỉ định, paracetamol được xem là loại thuốc tương đối an toàn. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ngộ độc gan khi dùng liều cao, kéo dài. Ngoài ra thuốc cũng có thể gây dị ứng ở những người có cơ địa mẫn cảm, bao gồm các triệu chứng khó thở, nổi mề đay, sưng môi, lưỡi, mặt hoặc sưng cổ họng…

- Chống chỉ định: Thuốc có chống chỉ định trong những trường hợp quá mẫn với thành phần của thuốc; người suy gan, suy thận nặng…

1.2 Thuốc giảm nghẹt mũi

- Tác dụng: Đối với những người có triệu chứng như nghẹt mũi, sổ mũi, có thể sử dụng thuốc thông mũi có tác dụng co mạch, chống sung huyết như pseudoephedrine, oxymetazoline, phenylephrine, naphazoline... Chỉ nên dùng thuốc từ 3-5 ngày, không dùng kéo dài, khiến mũi có thể bị tắc nghẽn nhiều hơn.

- Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây tác dụng phụ như lo lắng, bồn chồn, tăng huyết áp, mất ngủ, đánh trống ngực, tim đập nhanh, rối loạn nhịp tim, rối loạn chức năng tiết niệu, ảo giác…

- Chống chỉ định: Không nên dùng thuốc cho người bệnh tăng huyết áp, bệnh về tim mạch, đái tháo đường, bệnh tuyến giáp và tăng sản tiền liệt tuyến lành tính… Không sử dụng thuốc cùng với chất ức chế monoamin oxydase vì có thể làm tăng huyết áp gây nguy hiểm.

1.3 Thuốc giảm ho

Nếu có ho nhiều ảnh hưởng đến giấc ngủ có thể dùng thuốc để giảm ho. Trong trường hợp ho có đờm đặc, có thể sử dụng các loại thuốc long đờm như acetylcystein hoặc bromhexin. Tuy nhiên cần lưu ý, không dùng thuốc cho người bệnh hen suyễn, do thuốc có thể khiến bệnh nhân bị co thắt phế quản.

Nếu ho khan có thể sử dụng thuốc dextromethorphan để giảm ho khan do kích ứng. Chỉ dùng thuốc tối đa 7 ngày. Không dùng dextromethorphan cho trẻ em dưới 2 tuổi, người mẫn cảm với các thành phần của thuốc. Thận trọng dùng cho bệnh nhân có tiền sử dị ứng, hen phế quản, suy hô hấp.

1.4 Thuốc khác

Để điều trị hoặc ngăn ngừa nhiễm cúm, đặc biệt là trong thời gian bùng phát dịch bệnh các bác sĩ có thể cân nhắc kê đơn một số loại thuốc kháng virus.

Thuốc không có tác dụng phòng bệnh mà chỉ có tác dụng làm giảm triệu chứng khi bị sốt siêu vi.

2. Lưu ý khi dùng thuốc điều trị sốt siêu vi

Các loại thuốc hạ sốt, thuốc giảm ho, long đờm... kể trên không có tác dụng phòng bệnh mà chỉ có tác dụng làm giảm triệu chứng. Mặc dù nhiều loại thuốc không cần kê đơn (OTC), nhưng việc sử dụng không đúng cách có thể gây ra tác dụng phụ và dễ gây tổn thương chức năng gan, thận.

Vì vậy, khi dùng thuốc phải uống theo đúng hướng dẫn sử dụng thuốc. Các nhóm đặc biệt như trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai và người già nên thận trọng khi sử dụng thuốc. Thuốc hạ sốt thường không nên sử dụng quá 3 ngày. Nếu các triệu chứng không thuyên giảm, nên đến bệnh viện để thăm khám.

Mặc dù điều trị sốt siêu vi thường tập trung vào việc kiểm soát và phục hồi triệu chứng, nhưng phòng ngừa thông qua vệ sinh tốt và tiêm chủng vẫn là cách hiệu quả nhất. Vì vậy cần áp dụng kết hợp các biện pháp để ngăn ngừa sốt siêu vi, bao gồm:

- Vệ sinh: Rửa tay bằng xà phòng và nước thường xuyên, tránh tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, che miệng và mũi khi hắt hơi hoặc ho đều có thể giúp giảm nguy cơ lây truyền virus.

- Tiêm chủng: Hiện có sẵn vaccine phòng nhiều loại virus khác nhau. Tiêm vaccine theo quy định đúng thời hạn có thể giúp bảo vệ chống lại một số bệnh do virus.

- Kiểm soát muỗi: Sử dụng thuốc chống muỗi, mặc quần áo bảo hộ và loại bỏ các nguồn nước tù đọng giúp ngăn ngừa các bệnh do virus lây truyền qua muỗi như sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết có cần bổ sung sắt?

DS. Nguyễn Quốc Hòa

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thuoc-nao-dieu-tri-sot-sieu-vi-169240506120125879.htm