Thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt

Tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành chi trả an sinh xã hội (ASXH) bằng hình thức không dùng tiền mặt phục vụ chi trả nhanh chóng, thuận tiện, đảm bảo chi trả kịp thời, đúng đối tượng, tránh phát sinh tiêu cực.

Chi trả lương hưu, trợ cấp cho người dân (Ảnh minh họa)

Chi trả lương hưu, trợ cấp cho người dân (Ảnh minh họa)

Ngày 22/3/2024, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an phối hợp với Vụ Tài chính - Kế toán, Ban thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Quy trình phối hợp số 2286/C06-TCKT về triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Căn cứ Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt; Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo, tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành chi trả ASXH bằng hình thức không dùng tiền mặt phục vụ chi trả nhanh chóng, thuận tiện, đảm bảo chi trả kịp thời, đúng đối tượng, tránh phát sinh tiêu cực. Toàn tỉnh đã có 21.609 người có đã có tài khoản, đạt tỷ lệ đạt 8,42% trên tổng số đối tượng hưởng chính sách ASXH; đã thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đến 11.792 người, đạt tỉ lệ 54,57% trên tổng số người có tài khoản.

Việc chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt đảm bảo an ninh, an toàn và hiệu quả hoạt động của các hệ thống thanh quyết toán, các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; tránh tình trạng mất cắp, giảm chi phí in ấn và vận chuyển tiền mặt.

Sử dụng các phương thức thanh toán điện tử giúp tăng tính minh bạch và hiệu quả trong việc quản lý chi trả của Nhà nước; khẳng định quyền an sinh của người dân với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau".

Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, minh bạch hóa các hoạt động thanh toán và thu nhập cá nhân, bảo đảm chi trả đúng đối tượng, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng và tội phạm kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Lê Nguyệt Hằng (SV Học viên Báo chí và Tuyên truyền)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thuc-hien-chi-tra-luong-huu-tro-cap-bhxh-hang-thang-qua-phuong-tien-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-214506.htm