Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh trong lĩnh vực giao thông vận tải

Ngày 10/11, tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Cơ quan Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức Hội thảo 'Thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện'.

Với chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện", hội thảo là diễn đàn để các cơ quan chính phủ, chính quyền địa phương, chuyên gia trong nước và quốc tế, doanh nghiệp và các bên có liên quan cùng thảo luận, đưa ra những định hướng, giải pháp cụ thể thúc đẩy việc chuyển đổi năng lượng xanh trong lĩnh vực giao thông vận tải tại Việt Nam.

Ngoài các bài tham luận, hội thảo có hai phiên thảo luận sâu với các chủ đề "Giải pháp thúc đẩy giao thông điện" và "Thị trường xe điện: Góc nhìn từ doanh nghiệp và người tiêu dùng". Các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện các doanh nghiệp đã thảo luận các giải pháp nhằm hỗ trợ chuyển đổi sang sử dụng phương tiện giao thông điện: Làm rõ định hướng và khả năng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi sang xe điện từ phía các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương; doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu phương tiện; đầu tư phát triển hạ tầng trạm sạc cũng như khả năng và nhu cầu chuyển đổi của người dân. Chia sẻ kinh nghiệm, xu thế của quốc tế và đề xuất các giải pháp nhằm phát triển loại hình phương tiện này ở Việt Nam.

Các đại biểu thảo luận, trao đổi tại Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện”.

Các đại biểu thảo luận, trao đổi tại Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện”.

Đáng chú ý, trên góc nhìn từ Hà Nội, ông Đỗ Phan Anh, đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện là địa phương có nhiều loại hình vận tải hành khách công cộng thân thiện với môi trường đang được khai thác nhất trên cả nước, gồm xe buýt CNG và buýt điện; taxi điện; đường sắt đô thị; xe điện hai bánh và xe đạp công cộng.

Hiện tại, Hà Nội có 2.034 xe buýt được trợ giá, với 277 xe sử dụng năng lượng sạch (gồm 139 xe CNG và 138 xe buýt điện, đạt 13,6% toàn mạng). Trong đó, trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên. Tuy nhiên, vẫn có 1.757 xe buýt đang sử dụng nhiên liệu diesel cần có lộ trình thay thế sang sử dụng nhiên liệu năng lượng sạch. Số lượng phương tiện cũ, đạt tiêu chuẩn khí thải thấp đang còn tương đối lớn khi số xe buýt trên 5 năm chiếm tỉ lệ 39% và đạt dưới chuẩn Euro IV chiếm 44,5%.

Đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đề xuất một số chính sách, cơ chế hỗ trợ kế hoạch chuyển đổi phương tiện năng lượng xanh trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Cụ thể, các đề xuất này gồm rà soát và hoàn thiện hệ thống định mức, đơn giá cho các loại hình xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh để tổ chức đấu thầu, đặt hàng cung cấp dịch vụ; tiếp tục xem xét áp dụng đơn giá, định mức tạm thời để thực hiện đặt hàng trong thời gian chờ ban hành định mức, đơn giá chính thức.

Cùng đó, xem xét cơ chế, chính sách kéo dài thời gian sử dụng phương tiện đến hết thời gian thực hiện hợp đồng, thực hiện giảm trừ đơn giá khấu hao từ thời điểm hết hạn khấu hao đến thời điểm hết hạn thực hiện hợp đồng thầu; tham mưu ban hành hạn mức, quy trình vay vốn được hỗ trợ lãi suất để đầu tư phương tiện, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt (trạm sạc điện, trạm nạp năng lượng, depot…).

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thuc-day-chuyen-doi-nang-luong-xanh-trong-linh-vuc-giao-thong-van-tai-162558.html