Thừa Thiên Huế: Động lực phát triển mới từ kinh tế cảng biển

Tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp xây dựng phát triển sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Thừa Thiên Huế đẩy mạnh quy hoạch đô thị trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, gắn với phát triển kinh tế biển

Cảng biển Chân Mây được xem là “trái tim” của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Với diện tích mặt nước khoảng 20 km2, cảng biển Chân Mây có cửa biển rộng 7 km hướng ra biển Đông. Cảng Chân Mây nằm giữa Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng. Đây là vị trí thuận lợi trên Hành lang kinh tế Đông Tây, kết nối các nước Myanma, Thái Lan, Lào, nằm giữa con đường biển kết nối Philippines, Singapore và Hong Kong….

20 năm xây dựng và phát triển, đến nay, tại cảng Chân Mây có 3 bến, đủ điều kiện đón được nhiều loại tàu hàng, tàu container, tàu du lịch cỡ lớn… Cảng Chân Mây đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Quảng Trị và khu vực…

Tỉnh Thừa Thiên Huế quy hoạch khu bến Chân Mây từ 8 cầu cảng đến 10 cầu cảng

Tỉnh Thừa Thiên Huế quy hoạch khu bến Chân Mây từ 8 cầu cảng đến 10 cầu cảng

Tàu du lịch quốc tế cập cảng Chân Mây

Tàu du lịch quốc tế cập cảng Chân Mây

Ông Lương Đức Long, đại diện Công ty TNHH Hào Hưng cho rằng, việc vận chuyển hàng hóa qua cảng Chân Mây rất thuận lợi: “Hiện tại, Khu công nghiệp có hạ tầng đang rất phát triển. Khi cảng Chân Mây phát triển thêm các bến thì sẽ đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa qua đường biển và không cần phải thông qua cảng Đà Nẵng

Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều chính sách thu hút đầu tư phát triển kinh tế cảng biển, đặc biệt là phát huy lợi thế và tiềm năng cảng Chân Mây. Địa phương thực hiện tốt thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container, đơn vị có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây. Từ đầu năm đến nay, số lượng tàu và hàng hóa qua cảng tăng vọt. Trung bình mỗi tháng, cảng Chân Mây đón hơn 100 lượt tàu, 300 tấn hàng hóa và khoảng 600 TEU hàng container…

“Chúng tôi tập trung hỗ trợ, đồng hành cùng các nhà đầu tư để tháo gỡ những vướng mắc cho các dự án đã, đang triển khai trên địa bàn khu kinh tế. Đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ các thủ tục liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng,.. để hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư triển khai các dự án tại Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô”-Ông Nguyễn Công Bình, Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay.

Lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây ngày càng tăng

Lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây ngày càng tăng

Thừa Thiên Huế tiếp tục kêu gọi đầu tư các trung tâm logistics, cảng cạn tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô

Thừa Thiên Huế tiếp tục kêu gọi đầu tư các trung tâm logistics, cảng cạn tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô

Theo Quy hoạch, cảng biển Thừa Thiên Huế là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (Loại I), bao gồm các khu bến chức năng: khu bến Chân Mây, Thuận An và bến chuyên dùng tại Điền Lộc, huyện Phong Điền. Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu đến năm 2025 đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa từ 11,6 triệu tấn đến 18,4 triệu tấn; năm 2030 đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa từ hơn 25 triệu tấn đến 30,4 triệu tấn, trong đó hàng container từ 0,2 triệu TEU đến 0,4 triệu TEU… Địa phương đã tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp luồng Chân Mây cho tàu trọng tải đến 70.000 tấn và quy hoạch khu bến Chân Mây từ 8 cầu cảng đến 10 cầu cảng, đáp ứng năng lực thông quan lên hơn 22,9 triệu tấn. Tỉnh Thừa Thiên Huế nỗ lực đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối từ cảng biển đến các đầu mối giao thông chính…

Cảng Chân Mây nằm ở vị trí thuận lợi giao thương với các địa phương và các quốc gia

Cảng Chân Mây nằm ở vị trí thuận lợi giao thương với các địa phương và các quốc gia

Địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp, từ đó tăng năng lực sản xuất, tăng lượng hàng hóa đi, đến cảng Chân Mây. Đồng thời, xúc tiến kêu gọi đầu tư các trung tâm logistics, cảng cạn tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực.

“Tỉnh Thừa thiên Huế đã đề ra các giải pháp cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển cảng Chân Mây trở thành cảng biển loại I theo quy hoạch của Chính phủ. Đó là, phát huy hiệu quả, khai thác các bến số 1,2,3 tại khu bến Chân Mây đã được đầu tư. Trong đó, chú trọng khai thác hàng container, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án tại bến số 4,5 để đưa vào khai thác. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi và triển khai đầu tư xây dựng mới các bến số 6,7,8, bến khách du lịch và các bến phía tây tại khu bến Chân Mây, nhằm góp phần hoàn thiện hạ tầng các cảng biển, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương”- ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết.

Vinh Thông/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/thuong-tru-nhap/thua-thien-hue-dong-luc-phat-trien-moi-tu-kinh-te-cang-bien-post1040220.vov