Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thực hiện các giải pháp đồng bộ đưa Ninh Thuận phát triển nhanh và bền vững

Sáng 28/4, tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng tỉnh Ninh Thuận (16/4/1975-16/4/2024) và Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận với chủ đề 'Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt'.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Hội nghị.

Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các đối tác, chuyên gia, tổ chức quốc tế, hiệp hội, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1319/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu tổng quát phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, phát triển năng động, nhanh và bền vững với kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực tăng trưởng; phát triển trọng tâm tại khu vực phía nam tỉnh, tạo tiền đề cơ sở hình thành Khu kinh tế ven biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu đặc biệt là nguồn tài nguyên nước cần được bảo đảm nhu cầu sử dụng, điều hòa, phân phối hợp lý đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận.

Về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 10-11%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 200 triệu đồng. Tỷ trọng GRDP của khu vực công nghiệp-xây dựng khoảng 53-54%; khu vực dịch vụ khoảng 34-35%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản khoảng 12-13%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 2-3%. Phấn đấu kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP vào năm 2030. Dân số tăng bình quân khoảng 1,89%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 75-80%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 40%. Chỉ số phát triển con người (HDI) bằng mức trung bình cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 55-56%; bảo đảm 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và các công trình văn hóa cấp đô thị. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (theo chuẩn mới) giảm bình quân 1,5-2%/năm và đến năm 2030 còn dưới 1,5%.

Về phát triển kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Ninh Thuận, đáp ứng các chỉ tiêu đối với từng đô thị trong tỉnh; phát triển hệ thống cảng biển Ninh Thuận, gồm khu bến Cà Ná và khu bến Ninh Chữ là cảng tổng hợp quốc gia, đóng vai trò đầu mối khu vực với chức năng bến cảng tổng hợp, hàng rời, hàng container, hàng lỏng/khí. Theo phương hướng phát triển, phấn đấu đến năm 2030 năng lượng, năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng khoảng 12% GRDP của tỉnh, giải quyết 7,3% nhu cầu việc làm trong toàn tỉnh. Tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên nắng, gió để phát triển điện mặt trời, điện gió ven bờ, điện gió ngoài khơi, điện khí LNG, thủy điện tích năng, nguồn năng lượng mới (hydro, thủy triều, sinh khối,…).

Đến năm 2030, du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững, đóng góp 15% GRDP toàn tỉnh. Du lịch Ninh Thuận trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao so với khu vực và cả nước. Phát triển theo hướng "Bền vững-Chất lượng cao-Độc đáo"; vừa phát triển du lịch truyền thống, vừa tạo dựng các loại hình mới, độc đáo về khí hậu, khám phá sáng tạo là điểm đến hấp dẫn, khác biệt, có sức cạnh tranh cao đối với các khu vực trong nước và quốc tế; khai thác hiệu quả lợi thế tài nguyên du lịch hiện có và biến những hạn chế thành tiềm năng du lịch khác biệt; tập trung nguồn lực đầu tư phát triển khu du lịch Quốc gia Ninh Chữ; đến năm 2030 tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm 40% giá trị GRDP toàn tỉnh; tỷ trọng ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 7-8% GRDP của tỉnh...

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao Quyết định 1319/QĐ-TTg cho lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận. Đại diện các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài phát biểu ý kiến bày tỏ tin tưởng về tiềm năng, cơ hội phát triển của Ninh Thuận; mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành, tỉnh Ninh Thuận tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp làm ăn thuận lợi, thành công, đóng góp vào sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.

Nhân dịp này, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận tổ chức trao Quyết định chủ trương, giấy chứng nhận đầu tư, thỏa thuận hợp tác với các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sự kiện này cho thấy các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang truyền cảm hứng, tạo động lực Ninh Thuận phát triển nhanh và bền vững; bày tỏ ấn tượng Ninh Thuận đang đi lên từ “3K”: “khó, khô, khổ” để thấy được sức sống, năng lực của tỉnh đã “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”; Thủ tướng tin tưởng Ninh Thuận sẽ đi cùng, tiến kịp và vượt lên trong quá trình phát triển.

Thủ tướng nêu rõ, trước đây do điều kiện, hoàn cảnh, lịch sử của đất nước, công tác quy hoạch chưa làm được nhiều. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng tới nay, công tác này đã được các cấp, các ngành, các địa phương tập trung đầu tư, chú trọng chỉ đạo thực hiện. Đặc biệt, việc lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, thành phố trong vùng được đẩy nhanh tiến độ (đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt 110/111 quy hoạch; chỉ còn quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh, phấn đấu sẽ phê duyệt trong thời gian tới). Như vậy, chúng ta sẽ cơ bản hoàn thành quy hoạch quốc gia, vùng, địa phương, tạo động lực mới cho sự phát triển nếu được thực hiện đồng bộ, bài bản, lớp lang, hiệu quả.

Trong công tác xây dựng quy hoạch, Thủ tướng lưu ý cần chú trọng “3 tư tưởng chủ đạo”, “5 yêu cầu” và “5 nhiệm vụ trọng tâm”:

“5 tư tưởng chủ đạo” là: quy hoạch phải lấy con người là trung tâm, chủ thể và nguồn lực, động lực, là mục tiêu cho sự phát triển trong đó có người dân, doanh nghiệp; huy động mọi nguồn lực hợp pháp để tổ chức thực hiện quy hoạch “đúng, trúng”, bảo đảm hiệu quả; quy hoạch mang tính tổng thể, thực hiện quy hoạch có tính phân kỳ, phải ưu tiên nguồn lực để thực hiện có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện việc nào dứt việc đó, không dàn trải; phát huy tính tự lực, tự cường, đi lên từ “bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển” với tinh thần “biến không thành có, biến không thể thành có thể, biến khó thành dễ” ; thực hiện quy hoạch phải có tư tưởng chủ động, tích cực

“5 yêu cầu” là: bám sát chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; bám sát quy hoạch của quốc gia, vùng, ngành; bám sát yêu cầu thực tiễn nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân; bám sát quy hoạch để triển khai với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược; thực hiện quy hoạch phải kết hợp hài hòa hợp lý quy hoạch của tỉnh với quy hoạch vùng, quốc gia, ngành.

“5 nhiệm vụ trọng tâm” là: phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, xây dựng các cơ chế chính sách ưu tiên; xây dựng các dự án, chương trình để huy động nguồn lực phát triển; hóa giải được những thách thức, yếu kém, mâu thuẫn, hạn chế để phát triển nhanh và bền vững vì đi đôi thuận lợi luôn đi kèm khó khăn; biết khơi dậy hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp từ nguồn lực của Trung ương, địa phương, nhân dân, phát huy nguồn lực bên trong và bên ngoài; xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện quy hoạch với lớp lang, quản lý quy hoạch thật tốt.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam phát biểu ý kiến tại Hội nghị.

Nhấn mạnh về tiềm năng, lợi thế cũng như các khó khăn của Ninh Thuận, Thủ tướng nêu rõ, đối với những vấn đề đặc thù mà vượt thẩm quyền thì tỉnh cần đề xuất Trung ương giải quyết. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, tỉnh Ninh Thuận cũng như một số tỉnh trong vùng chưa sử dụng hết thẩm quyền của mình, do đó cần tự lực, tự cường, không trông chờ ỷ lại; lưu ý tỉnh cần hết sức quan tâm hạ tầng chiến lược trong đó có hạ tầng giao thông phải được đầu tư trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; coi trọng đầu tư cho con người.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng nhấn mạnh Ninh Thuận phải khẩn trương triển khai hiệu quả Quy hoạch; quan tâm phát triển hạ tầng văn hóa, y tế, giáo dục, thích ứng biến đổi khí hậu…; tích cực cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, đồng thời bổ sung các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; phổ biến Quy hoạch này cho người dân với tinh thần "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Các tỉnh, thành phố trong vùng, các cơ quan Trung ương cần thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng, kết nối quy hoạch các tỉnh trong vùng để tạo sức mạnh tổng hợp; đoàn kết đồng lòng, hỗ trợ lẫn nhau phát triển. Các bộ, ngành tiếp tục cùng Ninh Thuận xây dựng cơ chế, chính sách thực hiện, huy động nguồn lực thực hiện quy hoạch, giám sát việc thực hiện; thường xuyên rút kinh nghiệm.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương đã xác định Ninh Thuận là trung tâm năng lượng tái tạo thì phải khẩn trương phối hợp chặt chẽ với tỉnh để có cơ chế, chính sách phát triển với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; không được lợi ích nhóm, “cài cắm” lợi ích. Về sân bay Thành Sơn ở Ninh Thuận, Thủ tướng bày tỏ trăn trở vì sân bay này vẫn giữ được nguyên diện tích, cơ sở hạ tầng, do đó các bộ, ngành liên quan và tỉnh cần bổ sung quy hoạch phát triển và khai thác sân bay này với tinh thần chủ động, không trông chờ, ỷ lại.

Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận trao Quyết định chủ trương, giấy chứng nhận đầu tư, thỏa thuận hợp tác cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tại Hội nghị.

Đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị cần phát huy sứ mệnh của doanh nghiệp với tinh thần “3 cùng”: cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn, nhận thức và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và phát triển. Thủ tướng lấy ví dụ, Ninh Thuận có lợi thế về năng lượng tái tạo thì vấn đề đặt ra là các nhà đầu tư đến đầu tư với tinh thần cùng có lợi, cùng phát triển; yêu cầu kinh doanh đầu tư theo đúng luật pháp, không được tham nhũng, tiêu cực; thực hiện “3 tiên phong”: tiên phong trong đổi mới sáng tạo, tiên phong trong ứng dụng khoa học công nghệ, tiên phong trong quản trị thông minh; tích cực đóng góp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Ninh Thuận. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các nhà đầu tư đã nói phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã làm phải có kết quả cụ thể "cân, đong, đo, đếm" được, cùng nhau giúp Ninh Thuận hiện thực hóa Quy hoạch bảo đảm khả thi, hiệu quả, phát triển hùng cường, thịnh vượng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân địa phương, tạo động lực, truyền cảm hứng cho cả nước. Ninh Thuận là tỉnh khó khăn mà vươn lên được, phát triển được thì sẽ là điểm sáng để vùng duyên hải miền trung cùng phát triển mạnh mẽ.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải phối hợp chặt chẽ, tích cực, tạo mọi điều kiện để Ninh Thuận phát triển nhanh và bền vững.

* Tại hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Ninh Thuận công bố kết quả vận động Quỹ Hỗ trợ người nghèo của tỉnh với tổng số tiền hơn 7,2 tỷ đồng.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-thuc-hien-cac-giai-phap-dong-bo-dua-ninh-thuan-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-post806981.html