Thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển kinh tế đối với phụ nữ dân tộc thiểu số

Phụ nữ dân tộc thiểu số đảm nhiệm vai trò 'kép', vừa là nhân vật chính trong hoạt động sản xuất, vừa là người nội trợ, chăm sóc gia đình. Tuy nhiên, trong nhà, người đàn ông mới có quyền quyết định hầu hết công việc. Chính vì vậy, việc tăng cường, nâng cao vị thế kinh tế cho phụ nữ chính là giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy bình đẳng giới trong các gia đình dân tộc thiểu số.

Phụ nữ dân tộc thiểu số phải dành rất nhiều thời gian và công sức cho hoạt động sản xuất của hộ gia đình. Ảnh: Phương Liên

Tiến sĩ (TS) Đào Đoan Hùng, Ban Dân vận Trung ương cho rằng, chiếm hơn một nửa trong tổng số lực lượng lao động, phụ nữ dân tộc thiểu số có vai trò then chốt trong kinh tế hộ gia đình, thể hiện qua việc họ tham gia hầu hết các công đoạn của sản xuất, quản lý kinh tế hộ, quản lý chi tiêu. Còn theo Phó Giáo sư (PGS), TS Đặng Thị Hoa, Viện Nghiên cứu gia đình và giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, với đặc điểm làm sản xuất nông nghiệp là chính, các hộ gia đình dân tộc thiểu số phải dành rất nhiều thời gian và công sức cho hoạt động sản xuất của hộ gia đình.

Tuy nhiên, việc làm chính phần nhiều lại do phụ nữ đảm nhiệm, đặc biệt là với dân tộc Mông. Phụ nữ dân tộc thiểu số phải làm những khâu như gieo hạt, chăm sóc nương rẫy, trồng rau, thu hái, bảo quản nông sản... nhưng họ cũng phải chịu trách nhiệm chính trong hoạt động chăn nuôi bởi quan niệm đây là một dạng “việc nhà”, “việc làm thêm”, phải đi hái nấm, hái rau rừng để bổ sung thức ăn cho gia đình... Bên cạnh đó, họ còn làm hầu hết các công việc nội trợ, chăm sóc người già, trẻ em, dạy con học, xay xát ngô gạo... vốn là những công việc không được trả lương trong gia đình.

Trong khi đó, GS, TS Nguyễn Hữu Minh, Viện Nghiên cứu gia đình và giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam công bố số liệu: “Tính trung bình, người phụ nữ ở các gia đình dân tộc thiểu số phải làm việc nhà nhiều hơn so với nam giới gấp gần 1,5 lần, khoảng cách giới về thời gian làm việc nhà khác nhau theo các nhóm dân tộc và khu vực. Chênh lệch giữa thời gian làm việc nhà của nam giới và phụ nữ các dân tộc theo chế độ mẫu hệ là 1,5 lần, trong khi đó, với dân tộc theo chế độ phụ hệ là 0,7 lần”.

Mặc dù có vai trò, đóng góp quan trọng như vậy, nhưng phụ nữ không phải là nhân vật có tiếng nói và đưa ra các quyết định cuối cùng liên quan đến hoạt động sản xuất và nuôi dạy con cái. Trong gia đình, người đàn ông có quyền quyết định hầu hết công việc. Ý kiến của phụ nữ chỉ mang tính chất tham khảo. Vì vậy, để thực hiện được bình đẳng giới cần tiến hành thu hẹp khoảng cách về giới trong mọi khía cạnh của đời sống, trong đó, vấn đề kinh tế có ý nghĩa rất quan trọng.

Tuy nhiên, để thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển kinh tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số hiện vẫn là thách thức không nhỏ vì lao động nữ dân tộc thiểu số đang có cơ cấu việc làm “yếu thế” nhất, khi tỷ trọng việc làm trong nông, lâm nghiệp chiếm tới 76,4%, cao hơn gần 6% so với nam dân tộc thiểu số (70,5%) và cao gấp đôi so với nữ cả nước (35,9%). Có tới 44/53 dân tộc thiểu số có tỷ trọng việc làm của lao động nữ trong nông, lâm nghiệp trên 70%, trong đó, 24/53 dân tộc thiểu số có tỷ trọng việc làm của lao động nữ trong nông, lâm nghiệp trên 90%. Tỷ lệ lao động nữ dân tộc thiểu số làm các công việc “lao động gia đình không hưởng lương” là 52%, cao gấp gần 2 lần so với tỷ lệ này của lao động nam dân tộc thiểu số và cao gấp hơn 2,5 lần so với lao động nữ cả nước. Đây là nhóm công việc không ổn định, điều kiện làm việc kém hơn so với việc làm ở các khu vực khác và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế bắt buộc.

Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, để giải quyết vấn đề này, Hội sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động trong Chương trình phối hợp giữa Hội với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong hệ thống Hội nhằm tăng cường hiểu biết của phụ nữ về quản lý tài chính, tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức. Đẩy mạnh lồng ghép thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, khởi nghiệp từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án của Chính phủ nhằm hỗ trợ các thành viên giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế; đóng góp tích cực cho thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.

Mô hình trồng chuối lùn bản địa đã tiếp sức cho khát vọng vươn lên làm giàu của phụ nữ dân tộc thiểu số xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Như Thặng

Điển hình như một nhóm gồm 15 chị em phụ nữ người Vân Kiều ở xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, thấy giống chuối bản địa khi chín rất dẻo, thơm, ruột vàng, vị ngọt đậm, thơm, chắc quả, vỏ dày được người tiêu dùng ưa chuộng trên thị trường hoa quả, quả chuối lùn còn được sử dụng trong công nghệ sản xuất bánh kẹo, mứt tết, đem lại giá trị cao đã mạnh dạn xây dựng ý tưởng “Phục hồi giống chuối lùn bản địa” để tham gia cuộc thi “Chứng minh ý tưởng” lần thứ 3 với chủ đề “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.

Trải qua khóa đào tạo tiền ươm tạo và vòng bảo vệ trước hội đồng, ý tưởng của nhóm phụ nữ Vân Kiều xã Tà Rụt là một trong 35 ý tưởng được Hội đồng lựa chọn trao giải với tổng ngân sách hỗ trợ 150 triệu đồng. Ý tưởng được triển khai tổ chức thực hiện từ tháng 7/2019, bắt đầu từ việc thành lập tổ hợp tác trồng chuối lùn với sự tham gia của 15 thành viên. Từ con số 1.800 cây giống chuối lùn bản địa tại địa phương, đến nay, tổ hợp tác đã phát triển thành 7.500 cây, trong đó, 2/3 cây đã cho thu hoạch. Thu nhập từ việc bán chuối của chị em đạt hơn 500 triệu đồng. Không chỉ mang ý nghĩa tạo việc làm, mang lại thu nhập, mô hình này đã tiếp sức cho khát vọng vươn lên làm chủ kinh tế, làm giàu cho gia đình và quê hương của những người phụ nữ Vân Kiều, đồng thời, tạo động lực cho các chị em khác tự tin tiến bước.

Từ câu chuyện trên cho thấy, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp là nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên tham gia các mô hình; hướng dẫn chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn; tổ chức các khóa dạy nghề, khuyến nông, tư vấn, giải quyết việc làm cho chị em; các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, chế biến, trồng trọt, thu mua nông - lâm - thủy sản, đồ thủ công mỹ nghệ, du lịch cộng đồng; tổ chức các diễn đàn, cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, trao giải thưởng cho các ý tưởng khởi nghiệp, đối thoại chính sách hỗ trợ phụ nữ dân tộc khởi nghiệp..., góp phần phát triển sản xuất, cải thiện việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho phụ nữ dân tộc thiểu số; đồng thời giúp tổ chức Hội tập hợp, thu hút hội viên, xây dựng Hội vững mạnh.

Phương Liên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thu-hep-khoang-cach-gioi-trong-phat-trien-kinh-te-doi-voi-phu-nu-dan-toc-thieu-so-post473695.html