Thống nhất 'sổ đỏ', 'sổ hồng'

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo thông tư quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính.

Theo dự thảo này, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (giấy chứng nhận) do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành theo một mẫu thống nhất và được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất và tài sản khác gắn liền với đất. Giấy chứng nhận gồm một tờ có hai trang, in nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen, kích thước 210 x 297 mm.

Mẫu giấy chứng nhận mới đang được đề xuất. Ảnh: A.M

Định nghĩa mới về “sổ hồng, sổ đỏ”

Khi Luật Đất đai 2013 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2014, người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất được cấp giấy chứng nhận theo một mẫu thống nhất có tên gọi là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất - mà người dân thường gọi là sổ hồng, theo màu sắc của giấy chứng nhận.

Những mẫu giấy chứng nhận gồm: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã được cấp trước ngày 10/12/2009 vẫn có giá trị pháp lý và không phải đổi sang loại giấy mới.

Luật Đất đai 2024 tiếp tục có sự điều chỉnh về tên gọi của “sổ đỏ”, “sổ hồng”. Cụ thể, người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất sẽ được cấp giấy chứng nhận theo mẫu thống nhất trong cả nước, với loại giấy mang tên mới “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất”.

Cụ thể là đổi từ “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” thành “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất”.

Luật Đất đai 2024 định nghĩa: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Tài sản gắn liền với đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.

Khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực vào năm 2025, sổ đỏ hay sổ hồng cũng sẽ được coi là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, bao gồm cả nhà ở và các công trình gắn liền với đất. Sự khác biệt ở chỗ nhà làm luật không liệt kê thêm quyền sở hữu nhà ở vào tên gọi của giấy chứng nhận mà được gộp chung vào nhóm “tài sản gắn liền với đất”.

Việc đổi tên sổ hồng từ “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” thành “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất” được cho là giúp tên gọi ngắn gọn và hợp lý hơn. Lý do: nhà ở cũng là một loại tài sản gắn liền với đất nên không cần thiết phải ghi tiêu đề “quyền sở hữu nhà ở” trên giấy chứng nhận.

Vì sao tồn tại giấy “đỏ”, giấy “hồng”?

Theo luật sư Trần Văn Toàn (Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội), thực hiện quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng trước ngày 10/12/2009, ở từng giai đoạn khác nhau, ở khu vực sử dụng đất, loại đất khác nhau, Nhà nước đã cấp giấy chứng nhận cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức sử dụng đất, sở hữu nhà ở, công trình xây dựng có đủ điều kiện, theo các mẫu phôi giấy chứng nhận có hình thức, màu sắc, hoa văn, họa tiết, kết cấu nội dung khác nhau, như:

“Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, trang bìa màu đỏ, nội dung ghi nhận quyền sử dụng đất, ở khu vực ngoài đô thị, áp dụng đối với đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, làm muối và đất ở nông thôn... Do mẫu này có trang bìa màu đỏ, nên người dân thường gọi là “sổ đỏ”.

“Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở”, trang bìa màu hồng, nội dung ghi nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, khu vực đô thị, áp dụng với nhà ở, đất ở đô thị. Do mẫu này có trang bìa màu hồng, nên người dân thường gọi là "sổ hồng”.

Ngày 19/10/2009 Chính phủ ban hành Nghị định 88/2009/NĐ-CP về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trong đó có nội dung thống nhất các giấy chứng nhận, thành một loại giấy chứng nhận có tên gọi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Do mẫu này trang bìa màu hồng, nên người dân cũng gọi là "sổ hồng”.

Cả ba loại giấy chứng nhận này đều có giá trị pháp lý như nhau và không phải đổi sang mẫu mới.

A.Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thong-nhat-so-do-so-hong-10278973.html