Thông điệp từ những bài du ký 100 năm trước

Tại tọa đàm khoa học 'Du ký Việt Nam trên Nam Phong tạp chí', các học giả đã đặt ra một câu hỏi về giá trị của các cuốn sách sưu tầm.

 Bộ sách Du ký Việt Nam trên Nam Phong tạp chí được NXB Trẻ tái bản năm 2024. Ảnh: NXB Trẻ.

Bộ sách Du ký Việt Nam trên Nam Phong tạp chí được NXB Trẻ tái bản năm 2024. Ảnh: NXB Trẻ.

Trong bối cảnh hiện đại, khả năng tiếp cận văn bản gốc dễ dàng hơn nhờ các công nghệ lưu trữ mới. Không chỉ giới hạn trong các kho tài liệu trong nước, sinh viên, nghiên cứu sinh có thể tiếp cận cả những thư viện nước ngoài.

Đối mặt với bối cảnh đó, các cuốn sách sưu tầm như bộ sách Du ký Việt Nam trên Nam Phong tạp chí của PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn còn có ý nghĩa thực tiễn như nào.

Sáng ngày 16/5, tại tọa đàm khoa học Du ký Việt Nam trên Nam Phong tạp chí, các nhà nghiên cứu và học giả đã đưa ra câu chuyện về giá trị của những cuốn sách sưu tầm.

Sách sưu tầm trong bối cảnh mới

Sách sưu tầm có thể được định nghĩa là tập hợp các tác phẩm như tranh ảnh, bài viết về một chủ đề nhất định. Thông qua khối lượng dữ liệu đồ sộ đó, tác giả sẽ đem tới cho người đọc một thông điệp cụ thể. Các cuốn sách sưu tầm thường có một giá trị lớn đối với học giả, nhà nghiên cứu. Đặc biệt, trong giai đoạn trước đó, khả năng tiếp cận tài liệu gốc còn hạn chế.

PGS.TS Phạm Xuân Thạch (Trưởng khoa Văn học, Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN) chia sẻ rằng, khoảng 30 năm trước, bạn đọc chỉ có thể tìm thấy các phiên bản của Nam Phong tạp chí hay một số tư liệu khác tại thư viện Thông tin KHXH và thư viện Hà Nội. Cho đến nay, khoảng 80% các văn bản gốc có thể tiếp cận được. Thậm chí, một số sinh viên còn liên lạc với cả những thư viện ở nước ngoài để xin cung cấp tài liệu. Những thay đổi về xã hội dẫn đến việc các cuốn sách sưu tầm có thể gặp phải một số thách thức nhất định.

“Sinh viên trực tiếp lên thư viện quốc gia Pháp đọc và tải về nhiều tư liệu. Số lượng sách Đông Dương đã được scan khoảng 70-80%. Tuy nhiên, việc in lại di sản của Nam Phong nói chung và du ký nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng đối với người nghiên cứu văn học nói riêng và nghiên cứu lịch sử nói riêng. Cuốn sách cho thấy một sự tâm huyết của PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn trong việc tìm kiếm các thư tịch cũ”, PGS.TS Phạm Xuân Thạch phát biểu tại sự kiện.

 PGS.TS Trần Văn Toàn chia sẻ tại tọa đàm.

PGS.TS Trần Văn Toàn chia sẻ tại tọa đàm.

Bên cạnh ý kiến trên, PGS.TS Trần Văn Toàn, phó trưởng Khoa Ngữ Văn, ĐHSP Hà Nội nhận định việc tiếp cận tài liệu gốc trong nghiên cứu rất quan trọng. Dù vậy các cuốn sách sưu tầm vẫn có giá trị riêng. Nhiều công trình sưu tầm được tái bản phản ánh tinh thần chung của cả cộng đồng.

“Dù tư liệu lịch sử đã được số hóa, không phải ai cũng tiếp cận được. Sự hình thành một cuốn sách có tính chất cung cấp cái nhìn tổng quan có ý nghĩa. Foucalt từng nói: Sự in ấn, xuất bản cũng là một trong những dòng chảy, sức sống của diễn ngôn duy trì trong đời sống học thuật”, PGS.TS Trần Văn Toàn cho biết.

22 bài du ký đã được bổ sung

Kể từ lần đầu xuất bản năm 2007, bộ sách Du ký Việt Nam trên Nam Phong tạp chí của PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn đã được bổ sung thêm 22 tác phẩm. Quá trình sưu tầm đặt ra cho nhà nghiên cứu nhiều thách thức khó khăn. Trước đó, những tác phẩm này chỉ có thể tìm thấy ở các cơ sở lưu trữ lớn như thư viện công. Nhiều ấn phẩm không còn nguyện vẹn cản trở việc hoàn thành nội dung cho cuốn sách.

“Cuốn sách được tái bản lần này rất đặc biệt. Tôi đã bổ sung thêm nhều tác phẩm mới nâng tổng số bài du ký trên Nam Phong lên 79 bài. Trước đó, tôi đã gặp phải nhiều khó khăn khi sưu tầm lại, mặc dù tạp chí có tuổi đời hơn 15 năm nhưng không phải số nào cũng có những bài du ký, những số có nhưng nhiều bản in không nguyên vẹn”, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn chia sẻ với Znews.

 PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn khai mạc tọa đàm.

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn khai mạc tọa đàm.

Theo nhận định của PGS.TS Trần Khánh Thành, trong thời kỳ giao lưu Đông Tây, cùng sự phát triển của báo chí, in ấn, thể loại du ký có điều kiện được phát triển. Trong đó, những tác phẩm trên Nam Phong tạp chí (1917-1934) cho thấy nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Các nhà nghiên cứu đánh giá du ký là một thể tài quan trọng. Nhà văn phải hiểu các đề tài, đối diện trực tiếp với hiện thực khách quan. Du ký rất gần với thể truyện, vừa miêu tả, khảo cứu cảm xúc cá nhân, triết luận nhà văn trong đó. Du ký dung hợp nhiều thể. Về mặt thực tiễn, du ký có thể coi như lò thí nghiệm để chuẩn bị cho các thể văn trần thuật bùng nổ. Nhờ thời kỳ nở rộ của du ký, truyện ngắn, tiểu thuyết có tiền đề để phát triển và trở thành mảng chính trong văn học Việt nam sau này.

“Trong văn chương của Khái Hưng cũng thấy một phần dấu ấn của Nam Phong. Điều này thể hiện văn hóa không phải sự lật đổ, văn hóa là sự kế thừa”, PGS. TS Phạm Xuân Thạch chia sẻ.

Những bài du ký trên Nam Phong tạp chí được đánh giá là có sự kế thừa của văn học trung đại với những tác phẩm tiêu biểu như Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ… Chúng được các nhà nghiên cứu đánh giá rằng không chỉ có giá trị về mặ văn học mà còn đem lại giá trị về địa lý, lịch sử, văn hóa… Các bài viết này dù được xuất bản từ những năm đầu thế kỷ 20 nhưng cho đến nay, trải qua hơn 100 năm, thông điệp rút ra từ chúng vẫn có thể lay động lớp độc giả trẻ.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-cuon-sach-suu-tam-con-gia-tri-nhu-nao-post1475818.html