Thổi hồn vào hiện vật lịch sử

Trong số 12.000 hiện vật, tư liệu, hình ảnh được trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng Quân khu 2, nhiều hiện vật mang lại cho Thiếu tá, Quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Đinh Thị Thu...

PTĐT - Trong số 12.000 hiện vật, tư liệu, hình ảnh được trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng Quân khu 2, nhiều hiện vật mang lại cho Thiếu tá, Quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Đinh Thị Thu những ấn tượng và xúc cảm mạnh mẽ. 11 năm gắn bó với công việc trưng bày, tuyên truyền, chị Thu đã thổi hồn cho rất nhiều hiện vật để từ đó truyền tải những thông điệp về lịch sử cho biết bao thế hệ khách tham quan.

Thiếu tá, QNCN Đinh Thị Thu sinh năm 1985 tại xã Đức Long, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Sau khi tốt nghiệp Đại học Văn hóa, chuyên ngành Quản lý văn hóa các dân tộc thiểu số, cô gái người Tày về công tác tại Bảo tàng Quân khu 2. Mang trong mình tình yêu với lịch sử và sự tâm huyết, tận tụy với công việc, chị cùng các đồng nghiệp đã sắp xếp những hiện vật, tư liệu lịch sử theo từng giai đoạn để đạt hiệu quả cao khi thuyết minh cho khách tham quan. Không chỉ vậy, việc nghiên cứu, tìm hiểu về xuất xứ, lai lịch của hiện vật cũng như tư liệu lịch sử là thử thách không nhỏ đối với những người làm công tác trưng bày, tuyên truyền như chị.

Thiếu tá, QNCN Đinh Thị Thu bên những hiện vật lịch sử được trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng Quân khu 2.

Là Bảo tàng lớn, có những ngày, Bảo tàng Quân khu 2 đón hàng nghìn lượt khách tham quan. Dù mệt mỏi nhưng trên môi người cán bộ thuyết minh Đinh Thị Thu luôn nở nụ cười tươi, giọng nói luôn trầm ấm hướng dẫn khách tham quan với sự nhiệt tình, chu đáo nhất. Khi nhắc về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quãng thời gian làm việc tại đây, chị xúc động: “Trong một lần đón đoàn thăm quan là các mẹ Việt Nam Anh hùng, khi tôi đang thuyết minh về hình ảnh bà mẹ dân tộc Thái dặn dò con trai trước lúc lên đường đánh giặc, một mẹ đã ôm lấy tôi và khóc, miệng luôn nói: “Con ơi, mẹ thương con quá”. Không kìm được cảm xúc, tôi cũng ôm lấy mẹ. Hai mẹ con cứ thế ôm nhau nức nở. Sau đó, tôi mới biết bài thuyết minh của tôi đã gợi lại hình ảnh người con đã hy sinh của mẹ”. Những lúc đó, chị mới thấu hiểu thuyết minh về hiện vật không chỉ là truyền tải lai lịch, xuất xứ của hiện vật ấy mà còn làm sao để lời nói có sức lay động, chạm đến trái tim của người nghe.

Thiếu tá Thu tuyên truyền về truyền thống đấu tranh của nhân dân các dân tộc Tây Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

… và tuyên truyền về thành tích của quân và dân Tây Bắc trong kháng chiến chống Mỹ.

Những hiện vật, tư liệu lịch sử thô cứng nhưng đã được chị thổi hồn vào đó bằng cả tâm huyết, niềm đam mê để đánh thức giá trị gắn với cả một giai đoạn lịch sử và con người thời kỳ đó. Như khi nói về lá cờ được viết bằng máu của 22 thanh niên xã Liên Hòa, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc xin được vào Nam chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ. Các bạn học sinh, sinh viên có mặt tại buổi tham quan hôm đó đều xúc động và cảm phục trước tấm gương xả thân của thế hệ thanh niên một thời vì độc lập, tự do của Tổ quốc. “Khi tuyên truyền cho các em học sinh, sinh viên, mình phải gắn với giáo dục tình yêu quê hương, đất nước và truyền thống cách mạng vẻ vang qua cách nói truyền cảm và dễ hiểu nhất.” - chị Thu chia sẻ.

Các bạn học sinh xúc động trước hiện vật là lá cờ viết bằng máu của thanh niên xã Liên Hòa, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.

Nhờ những cống hiến trong suốt thời gian công tác, chị Thu được nhận Bằng khen của Chính ủy Quân khu 2 vì đã có thành tích xuất sắc thực hiện đợt thi đua cao điểm chào mừng Đại hội Đảng bộ Quân khu lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Giấy khen chiến sĩ tiên tiến nhiều năm liền. Trong cuộc sống hiện đại, những con người tâm huyết với công việc lưu giữ, tuyên truyền hiện vật, tư liệu lịch sử như Thiếu tá, QNCN Đinh Thị Thu đã góp phần không nhỏ để thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi khắc ghi công lao của lớp cha anh đi trước, giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc.

Thùy Trang

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202011/thoi-hon-vao-hien-vat-lich-su-173755