Thói đời 'lộng giả thành chân'

Việc ba cha con ông Trần Quí Thanh (chủ thương hiệu Tân Hiệp Phát) hầu tòa trong vụ án 'Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản', với giá trị tài sản lên tới 1.048 tỉ đồng được sự quan tâm của dư luận. Bởi lẽ cha con ông Trần Quí Thanh được biết đến là một trong những 'đại gia tiền mặt' tại Việt Nam.

Tuy nhiên, dư luận giật mình cha con ông Thanh dùng một cách thức để chiếm đoạt tài sản của bị hại. Những hợp đồng trăm tỉ được ký kết cho vay, với thế chấp là những mảnh “đất vàng”, và bằng hợp đồng giả cách chuyển nhượng, hứa hẹn cho “chuộc”. Nhưng khi bị hại mang tiền đến trả, thì cha con ông Thanh lại lật kèo, không nhận tiền, không trả đất.

“Lộng giả thành chân”

Năm 2020, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại hình ảnh bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch Công ty bất động sản Kim Oanh (Bình Dương) dẫn theo 4 đứa con đến trụ sở Tân Hiệp Phát, quỳ lạy, khóc lóc van xin dưới chân bà Trần Uyên Phương, con gái của ông Trần Quí Thanh (cựu Giám đốc Công ty TNHH TMDV Tân Hiệp Phát). Vụ việc ngay lập tức được dư luận quan tâm, bởi cả bà Kim Oanh và bà Uyên Phương đều là những người đứng đầu nhiều dự án “đất vàng” tại khu vực Bình Dương.

Hội đồng xét xử.

Sau đó là loạt đơn tố cáo của bà Oanh có nội dung về việc, do cần tiền đầu tư vào các dự án bất động sản của Công ty, bà vay tiền của cha con ông Trần Quí Thanh, bà Oanh bị bắt phải viết hợp đồng giả cách về việc chuyển nhượng cổ phần Công ty, sở hữu các dự án bất động sản. Nhưng, khi đến thời hạn trả nợ, chuộc lại tài sản, cha con ông Trần Quí Thanh không trả lại tài sản cho Kim Oanh. Vụ việc sau đó được Bộ Công an xác minh, có thêm nhiều bị hại. Khi ông Trần Quí Thanh và 2 con gái là Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích bị khởi tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, lúc này dư luận mới bàng hoàng về cách thức “thâu tóm” những dự án đất vàng của cha con ông này.

Từ năm 2019 đến 2020, thông qua một số người môi giới, ông Trần Quí Thanh và hai con đã cho một số doanh nghiệp, cá nhân vay tiền. Trong đó có 4 bị hại là các ông, bà Lâm Sơn Hoàng, Nguyễn Huy Đông, Nguyễn Văn Chung, Đặng Thị Kim Oanh với lãi suất 3%/tháng, lãi phạt chậm trả là 4,5%/ tháng. Cha con ông Trần Quí Thanh và các bên vay không làm hợp đồng vay tiền có cầm cố tài sản mà buộc các doanh nghiệp, cá nhân vay tiền phải làm hợp đồng chuyển nhượng dự án, cổ phần trong dự án, bất động sản, có giá trị thấp hơn rất nhiều lần so với giá trị thực tế của tài sản. Để hợp thức việc cho vay tiền, cha con ông Trần Quí Thanh đã ký các “cam kết bán lại”, tiền lãi vay hợp thức bằng biên nhận tiền đặt cọc mua lại dự án, bất động sản, hứa hẹn thanh toán đầy đủ tiền gốc, lãi sẽ trả lại tài sản…

Theo chỉ đạo của ông Thanh, hai con gái là Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích đứng tên nhận chuyển nhượng tài sản. Sau đó, nhóm của ông Thanh nhanh chóng làm các thủ tục sang tên để nắm quyền kiểm soát, định đoạt tài sản. Khi bên vay thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ gốc, tiền lãi theo thỏa thuận thì cha con ông Trần Quí Thanh nại ra lý do bất hợp lý để từ chối việc thanh toán, không trả lại tài sản, cho rằng chủ tài sản vi phạm các điều khoản hợp đồng nên bị mất quyền mua lại... hoặc tạo ra các lý do khác như: Buộc chủ tài sản phải trả thêm tiền, không cho trả lẻ từng khoản mà bắt trả toàn bộ tiền gốc... Cuối cùng mục đích của nhóm ông Trần Quí Thanh là cố tình chiếm đoạt tài sản của bị hại. Bằng cách thức này, theo cáo buộc, từ tháng 1/2019 đến tháng 11/2020, ông Trần Quí Thanh và đồng phạm đã thực hiện 4 hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của 4 bị hại tổng giá trị hơn 1.048 tỉ.

Bị cáo Trần Quí Thanh.

Trong các ngày từ 23-25/4/2024, tại phiên tòa xét xử vụ án Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của cha con ông Trần Quí Thanh diễn ra, các nội dung của vụ án đã được làm rõ. Trả lời câu hỏi của HĐXX xung quanh giao dịch vay mượn tiền với bị cáo Trần Quí Thanh, các bị hại trong đó có ông Nguyễn Huy Đông khẳng định, giao dịch với bị cáo Thanh là giao dịch vay tiền, thế chấp bằng bất động sản.

Theo ông Đông, do có nhu cầu vay 90 tỉ đồng nên thông qua người môi giới là bà Đoàn Nguyễn Minh Hoàng, ông Đông tới gặp bị cáo Thanh đặt vấn đề vay mượn tiền. Sau khi thẩm định thửa đất tại 643 và 643A Kinh Dương Vương, bị cáo Thanh đồng ý cho ông Đông vay 80 tỉ đồng với yêu cầu phải ký chuyển nhượng cho bị cáo Trần Uyên Phương 2 thửa đất này. Ông Đông được bà Hoàng thông báo, sẽ phải trả lãi hàng tháng cho khoản vay là 3%, thanh toán lãi 3 tháng/lần. Đồng ý với yêu cầu này, ông Đông đã ra công chứng ký chuyển nhượng 2 thửa đất. Ký xong, ông được bị cáo Trần Uyên Phương chuyển vào tài khoản 67 tỉ đồng để ông tất toán khoản vay tại ngân hàng. Số còn lại dùng để trả lãi 3 tháng, phí môi giới, thuế thu nhập cá nhân, thuế trước bạ.

Còn với bị hại Đặng Thị Kim Oanh, (Chủ tịch HĐQT Công ty Kim Oanh) bà Oanh vay 500 tỉ đồng của cha con ông Thanh bằng việc ký hợp đồng giả cách chuyển nhượng cổ phần Công ty Minh Thành, thỏa thuận hứa chuyển nhượng dự án Nhơn Thành cho Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích và phía Công ty TCS với lãi suất 3%/tháng; lãi phạt chậm trả 4,5%/tháng, che đậy bằng cam kết bán lại. Đến khi phía bà Kim Oanh chuẩn bị đủ số tiền 500 tỉ đồng thì phía ông Trần Quí Thanh nại ra các lý do vi phạm các điều khoản trong hợp đồng nên mất quyền mua lại.

Trước lời khai của các bị hại, cha con ông Thanh xác nhận có việc vay mượn tiền, nhưng các bị cáo đều cho rằng, các giao dịch giữa bị cáo và bị hại đều là giao dịch mua bán đất chứ không phải là vay mượn. Về nguồn tiền mua bất động sản của các bị hại, ông Trần Quí Thanh nói, có giao dịch của cá nhân bị cáo và có giao dịch của các thành viên trong gia đình. Về nguồn tiền mua bất động sản, bị cáo Phương cho hay, có giao dịch là tiền của bị cáo còn những hợp đồng ký theo chỉ đạo của ông Thanh là tiền của ông Thanh. Bị cáo nhận thức được hành vi của mình là cho vay lãi hay không, hay bị cáo vẫn xác định đây là giao dịch mua bán?", đại diện VKS đặt câu hỏi. Bị cáo Trần Quí Thanh trả lời: “Sau khi VKS phân tích, bị cáo thấy mình sai, bị cáo đồng ý với quan điểm của VKS”. Cùng câu hỏi này, bị cáo Trần Uyên Phương thừa nhận quy kết của cáo trạng.

Hội đồng xét xử ghi nhận sự thỏa thuận giữa các bên liên quan đến phần dân sự và tuyên buộc ông Lâm Sơn Hoàng hoàn trả số tiền 115 tỉ đã vay ông Thanh, để nhận lại tài sản gồm 4 thửa đất ở phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức). Đối với việc bà Đặng Thị Kim Oanh vay của Trần Quí Thanh số tiền 500 tỉ đồng, tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận về số tiền vốn đã vay, số tiền lãi đã trả. Buộc bà Đặng Thị Kim Oanh hoàn trả cho bị cáo Trần Quí Thanh số tiền còn nợ lại là 235 tỉ đồng, đồng thời hủy tất cả các hợp đồng, văn bản được giao kết giữa phía bà Kim Oanh với ông Trần Quí Thanh. Tòa cũng ghi nhận sự tự nguyện của ông Nguyễn Văn Chung hoàn trả cho ông Trần Quí Thanh số tiền vốn còn thiếu là 34,7 tỉ đồng sau khi đã trừ vào số tiền thuế, phí và hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Nguyễn Văn Chung với Trần Uyên Phương đối với 2 thửa đất ở quận Bình Tân. Đồng thời, tòa tuyên, buộc những người môi giới trả lại tiền môi giới.

Nước mắt nhà giàu

Theo Hội đồng xét xử, về bản chất vụ án, theo hội đồng xét xử, có đủ căn cứ kết luận các bị cáo đã có hành vi bằng các giao dịch dân sự với các bị hại là không trái pháp luật. Nhưng để đảm bảo việc vay tiền và tiền lãi phát sinh, các bị cáo đã cùng bị hại làm hợp đồng chuyển nhượng tài sản. Các hợp đồng chuyển nhượng này là giả tạo, trái pháp luật. Sau khi nhận tài sản từ các bị hại là những người vay tiền thì các bị cáo nảy sinh ý định chiếm đoạt, gây khó khăn, nại ra các lý do, không cho trả tiền gốc... để bên vay không thể trả được, từ đó chiếm đoạt tài sản là số tiền chênh lệch sau khi trừ đi khoản tiền các bị hại đã vay.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Trong vụ án này, bị cáo Trần Quí Thanh là người phải chịu trách nhiệm chính và phải chịu trách nhiệm về toàn bộ giá trị tài sản chiếm đoạt. Bị cáo Trần Uyên Phương với vai trò giúp sức và phải chịu trách nhiệm với giá trị tài sản chiếm đoạt là 350 tỉ và Trần Ngọc Bích đồng phạm giúp sức với vai trò làm theo chỉ đạo của bố và phải chịu trách nhiệm với giá trị tài sản chiếm đoạt là 600 tỉ. Hội đồng xét xử nhận định thực tế ông Trần Quí Thanh và hai con chỉ mới chiếm quyền sở hữu tài sản, góp vốn... trên giấy tờ nhưng chưa trực tiếp quản lý, sử dụng, mà các tài sản này vẫn do các bị hại quản lý cho đến nay.

Trong lời nói sau cùng nghẹn ngào nước mắt, ông Trần Quí Thanh ngậm ngùi: Bị cáo trưởng thành từ cô nhi viện, trải qua cuộc sống nhiều thăng trầm, nhiều biến cố và đã phải trả giá. Nhưng bị cáo vẫn luôn học hỏi, vượt qua để làm gương cho các con cũng như những cộng sự của mình. Bị cáo ân hận về những gì đã xảy ra trong vụ án này và sẵn sàng chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Gia đình bị cáo có chung sứ mệnh là mong muốn xây dựng được một tập đoàn của Việt Nam vươn ra thế giới. Do vậy, các nhu cầu của từng thành viên đều duy trì ở mức tối giản, không tiêu dùng phung phí, xa hoa. Lợi nhuận thu được đều được tiếp tục tái đầu tư, để tiếp tục lao động, đóng góp. Ai rồi cũng chết và không mang theo gì. Dù đã 70 tuổi, nhưng bị cáo vẫn làm việc vì muốn đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp. Bị cáo có nguyện vọng để lại cho xã hội sự tự hào về những sản phẩm mang thương hiệu Việt và doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới. Vụ việc này không làm thay đổi quyết tâm thực hiện nguyện vọng của bị cáo. Ông Thanh khẳng định bản thân thẳng thắn nhìn nhận sai lầm để vượt qua, thực hiện mong muốn và sẽ không bỏ cuộc. Bị cáo cũng xót xa, người vợ đã 70 tuổi, tai biến chưa phục hồi nhưng vẫn phải nhận trách nhiệm điều hành doanh nghiệp trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Các con của bị cáo luôn lao động chăm chỉ hết mình, góp phần quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp, chỉ vì bị cáo nên đã phải đứng tại đây ngày hôm nay.

Bị cáo Trần Ngọc Bích: Cả bị cáo và chị Trần Uyên Phương đều mời chuyên gia nước ngoài về để xây dựng doanh nghiệp Việt Nam vững mạnh. Bị cáo nuối tiếc cho sai phạm của mình... Uyên Phương cũng nhắc tới việc mình là tác giả, doanh nghiệp đầu tiên kể câu chuyện thương hiệu Việt tại nước ngoài, để truyền cảm hứng cho doanh nghiệp Việt. 12 tháng tạm giam, bị cáo có nhiều bài học trong cuộc sống, đã trải qua các giai đoạn thăng trầm của cảm xúc, chất vấn bản thân rất nhiều.

Vụ án khép lại, bản án được tuyên, nhưng gia đình “đại gia tiền mặt” li tán, tù tội... là cái giá của việc “lộng giả thành chân”, lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản.

Hội đồng xét xử tuyên án, bị cáo Trần Quí Thanh bị tuyên mức án 8 năm tù; bị cáo Trần Uyên Phương mức án 4 năm tù; bị cáo Trần Ngọc Bích 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Ngoài các hình phạt trên, các bị cáo còn phải nộp mỗi người 100 triệu đồng để sung công quỹ nhà nước.

Kim Sa

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/vu-an-noi-tieng/thoi-doi-long-gia-thanh-chan-i729664/