Thời điểm thử thách

Trung tuần tháng 4, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chính thức đưa ra thông báo sẽ từ chức vào ngày 15-5 sau gần hai thập kỷ nắm quyền và trao lại chiếc ghế Thủ tướng đảo quốc sư tử cho cấp phó là ông Lawrence Wong.

Xác nhận thông tin này, trên trang cá nhân, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong bày tỏ sẵn sàng “chấp nhận trọng trách này với sự khiêm tốn và ý thức sâu sắc về nghĩa vụ”, đồng thời nhấn mạnh cam kết “cống hiến hết mình cho công việc” để phục vụ đất nước và người dân Singapore.

Việc ông Wong được lựa chọn làm Thủ tướng tiếp theo của Singapore không phải là sự kiện bất ngờ, bởi một năm trước, ông đã được bổ nhiệm làm lãnh đạo thế hệ thứ tư (4G) của PAP. Ông cũng sẽ là người dẫn dắt PAP tham gia cuộc tổng tuyển cử ở Singapore vào năm sau.

Chính trị gia 52 tuổi từng có 14 năm làm công chức trước khi đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền Singapore. Ông trúng cử nghị sĩ Quốc hội từ năm 2011, trải qua nhiều cương vị khác nhau như Bộ trưởng Văn hóa, Bộ trưởng Phát triển quốc gia, Bộ trưởng Tài chính kiêm Phó thủ tướng Singapore...

Theo giới quan sát, chính phong cách lãnh đạo kiên định của ông trong thời kỳ đại dịch Covid-19, sự am hiểu về chính sách và khả năng điều hành linh hoạt, hiệu quả trong phòng, chống dịch đã tạo nên uy tín cá nhân, đưa ông vào danh sách lãnh đạo tiếp theo của đất nước.

Ông Lawrence Wong (bên phải) được chọn là người kế nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long. Ảnh minh họa: AFP

The Straits Times nhận định, ông Wong nhậm chức vào thời điểm đầy thử thách đối với cả Singapore và PAP. Ở trong nước, PAP đã chứng kiến sự ủng hộ giảm sút của các cử tri trẻ tuổi. Nguyên nhân được cho là do sự thay đổi thế hệ và cử tri trẻ tuổi dường như đang cảm thấy bất mãn với chi phí sinh hoạt ngày càng cao, càng ngột ngạt ở đảo quốc này.

Ở bên ngoài, Singapore đang phải đối mặt với những cơn gió ngược từ căng thẳng Mỹ-Trung, các cuộc xung đột ở Ukraine và Gaza, cũng như sự rạn nứt của trật tự quốc tế-vốn là nền tảng giúp Singapore tạo ra phép màu kinh tế kể từ khi giành độc lập vào năm 1965. Trong đó, việc điều hướng căng thẳng Mỹ-Trung là thách thức rõ ràng nhất, The Interpreter nhận định. Singapore được hưởng lợi từ mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Bắc Kinh, cũng như từ quan hệ quốc phòng mật thiết với Washington.

Với Trung Quốc, xuất khẩu của Singapore sang đại lục đã tăng theo cấp số nhân, từ mức chỉ 5,3 tỷ USD vào đầu thế kỷ này lên gần 68 tỷ USD vào năm 2021. Tháng 4 năm ngoái, hai bên đã nâng cấp quan hệ lên đối tác toàn diện chất lượng cao hướng tới tương lai.

Với Mỹ, đây vẫn là đối tác an ninh quan trọng của Singapore. Việc huấn luyện và trang bị vũ khí của Mỹ đóng vai trò then chốt trong việc chuyển đổi Lực lượng vũ trang Singapore (SAF) từ phòng thủ sang thiên về tấn công vào cuối thập niên 1970, đồng thời tiếp tục mang lại cho SAF lợi thế quân sự trong khu vực. Việc Mỹ chấp thuận bán máy bay chiến đấu F-35B cho Singapore trong khi từ chối bán cho các quốc gia khác trong khu vực cũng là một chỉ dấu cho thấy mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ giữa hai bên.

Trong bối cảnh đó, nhà lãnh đạo thế hệ thứ tư của Singapore sẽ cần có những chính sách, hành động khôn khéo trong việc điều chỉnh quan hệ với các bên. Lãnh đạo thế hệ thứ nhất của Singapore, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu từng tuyên bố: “Thay đổi chính là bản chất của cuộc sống. Thời điểm chúng ta ngừng thay đổi, không còn khả năng thích ứng, điều chỉnh và phản ứng hiệu quả với những tình huống mới, đó là lúc chúng ta đã bắt đầu “chết”. Đây dường như là một triết lý nền tảng giúp vị tân Thủ tướng cân nhắc, vạch ra chiến lược đưa Singapore vượt qua vùng nước nguy hiểm của sự cạnh tranh giữa các cường quốc.

Theo QĐND

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/thoi-diem-thu-thach-5007840.html