Thời của kinh doanh tái tạo

Để tìm kiếm sự đột phá cho các doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2024 và các năm tới chắc chắn không thể bỏ qua hoạt động kinh doanh tái tạo - điều được xem là không thể thiếu trong xu hướng kinh tế tuần hoàn. Hoạt động này không còn là điều xa vời mà là 'thời đã tới' và đang sớm trở nên quen thuộc với nhiều cơ hội rộng mở cho những người 'đi tắt đón đầu'.

Cầm trên tay một đôi vớ thời trang và chiếc áo thun polo, bà Trần Hoàng Phú Xuân, Tổng giám đốc của một công ty chuyên cung ứng các giải pháp nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, đã làm nhiều người phải ngạc nhiên khi cho biết, nó được tạo ra từ nguồn nguyên liệu là…bã cà phê.

Khi bã cà phê trở thành nguyên liệu đầu vào ngành dệt may

Bà Xuân kể lại, cách đây hơn 3 năm, khi những đôi vớ, chiếc áo thun này lần đầu tiên được tung ra thị trường nội địa đã bán được 3 triệu sản phẩm. Hoặc như chiếc áo sơ-mi cung cấp cho nhãn hàng Owen cũng được công ty sản xuất từ bã cà phê, đã cán đích tiêu thụ 200.000 chiếc từ cách đây 5 năm. Và bây giờ số lượng đầu ra từ đôi vớ, áo thun đến chiếc áo sơ-mi với nguồn nguyên liệu bã cà phê đã tăng lên và được nhiều nhãn hàng sử dụng.

“Niềm vui của chúng tôi là với nguồn nguyên liệu tái sinh như vậy đã và đang mang lại nhiều thành công cho các nhãn hàng. Trong đó, điều quan trọng là rất cần công nghệ, không chỉ đơn thuần như câu chuyện tái sinh thuần túy mà còn bảo toàn nhiều tính năng vượt trội của bã cà phê, đặc biệt là tính năng khử mùi”, bà Xuân chia sẻ.

Bã cà phê thay vì bỏ đi đã được biến thành nguyên liệu sản xuất sợi vải.

Bã cà phê thay vì bỏ đi đã được biến thành nguyên liệu sản xuất sợi vải.

Theo nữ doanh nhân này, trong kinh doanh tái tạo, công nghệ rất quan trọng. Việc tận dụng nguồn bã cà phê là như vậy. Bởi 99% bã cà phê đang bị thải ra môi trường, chỉ 1% được tái sử dụng. Thời gian trước, khi giới thiệu các dòng sản phẩm từ sợi bền vững (như sợi từ bã cà phê) thường nhận được phản ứng kiểu “thế thì đắt lắm”! Khách nghe xong băn khoăn nhiều lắm, cho nên phải kiên trì thuyết phục.

Việc thuyết phục đối tác ít nhất 70% kết quả đạt được phải từ những giá trị thực có, vượt lên trên sản phẩm. Về quy trình sản xuất sợi vải từ bã cà phê, phía nhà máy của bà Xuân sẽ thu gom bã cà phê, làm sạch, sấy khô, rồi tách tinh dầu. Bã cà phê còn lại sau khi ép tinh dầu sẽ trở thành dạng bột trắng. Sau đó, nghiền bột cà phê này ra và trộn với dung dịch nung chảy từ chai nhựa tái chế.

Kết quả thu được là hỗn hợp gọi là cà phê poly. Từ đây, tạo ra những “con chip”, nguyên liệu để kéo thành sợi. Từ những sợi sơ cấp này, nhà máy sẽ ghép lại để tạo thành những sợi lớn hơn tùy vào mục đích là tạo ra sản phẩm ví dụ như chiếc vớ, vải bò, áo thun, hay áo sơ-mi…với chất liệu vải những tính năng vượt trội là thấm hút, chống nắng, và khử mùi rất tốt.

Có thể nói, việc hướng đến mô hình kinh doanh tái tạo như cách làm của bà Xuân là rất đáng trân trọng. Nhất là với tư duy hệ thống để bảo vệ, khôi phục tài nguyên thiên nhiên. Các mô hình này nhằm giảm thiểu và tái sử dụng chất thải, sử dụng nguyên liệu thô có thể tái tạo, khôi phục hệ sinh thái, giảm lượng carbon, giảm bất bình đẳng và đảm bảo phúc lợi.

Nói về triển vọng kinh doanh tái tạo trong ngành dệt may, ông Nguyễn Huy – Tổng giám đốc ngành hàng Đảm bảo kinh doanh của Intertek Việt Nam và Cambodia, cho rằng việc chuyển đổi sang các vật liệu tái tạo ưa thích là một cách hiệu quả để giảm tác động đến khí hậu. “Các nhãn hàng đang sử dụng ảnh hưởng của mình bằng cách đưa ra các cam kết và khuyến khích đổi mới trong việc sử dụng vật liệu bền vững trong toàn bộ chuỗi giá trị của họ”, ông Huy nói.

Hoạt động tái chế rác thải nhựa tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Và hơn thế nữa, người tiêu dùng ngày càng nhận thức được tác động tiêu cực của các lựa chọn mua hàng của họ đối với môi trường và ngày càng có ý thức về tính bền vững hơn thông qua các sản phẩm họ mua.

Lợi ích lớn từ kinh doanh tái tạo?

Không chỉ với lĩnh vực dệt may, ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Viện ESG và Phát triển bền vững (IES), cho rằng có nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp (DN) Việt khi kinh doanh tái tạo. Thứ nhất là lợi ích về mặt tài nguyên khi giảm được nguyên vật liệu thô sơ cấp. Thứ hai là lợi ích về môi trường với việc giảm lượng khí thải carbon dioxide, nâng cao chất lượng và độ an toàn cho đất.

Thứ ba là lợi ích về kinh tế, đó là tăng trưởng kinh tế mà không làm ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên, khuyến khích các ngành công nghiệp “xanh”. Cuối cùng là lợi ích về xã hội khi tạo ra những chuẩn mực, hành vi tiêu dùng bền vững.

Theo ông Kỳ, có năm ngành trọng yếu cho việc kinh doanh tái tạo hay kinh tế tuần hoàn là dệt may, thực phẩm, bao bì nhựa, xây dựng, giao thông. Đơn cử ở lĩnh vực bao bì nhựa trong kinh doanh tái tạo, như chia sẻ của ông Kỳ, cần định hình một ngành công nghiệp bao bì nhựa cạnh tranh hơn, ít ô nhiễm hơn và tập trung vào nhựa được tái chế. Nhất là tạo các mô hình kinh doanh tái sử dụng sáng tạo cho bao bì nhựa. Ngoài ra cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng thu gom, phân loại và tái chế nhựa.

Hạt nhựa được tái chế từ vỏ chai cũ sẽ trở thành nguyên liệu tạo thành vỏ chai mới.

Hạt nhựa được tái chế từ vỏ chai cũ sẽ trở thành nguyên liệu tạo thành vỏ chai mới.

Riêng về việc đảm bảo phúc lợi cho việc sử dụng bao bì tái chế, theo vị chủ tịch Viện IES, việc xử lý sản phẩm tái chế giữ được 20 lần việc làm so với chôn rác, và nhựa tái chế tạo 100 lần việc làm. Mặt khác, việc giảm tăng trưởng sản xuất và tiêu thụ nhựa sẽ tránh 1/3 lượng rác nhựa dự kiến đến năm 2040.

Còn theo Ts. Seng Kiong Kok (Đại học RMIT), thị trường sẽ ngày càng chú trọng vào tính bền vững từ việc kinh doanh tái tạo, chính phủ sẽ mang đến nhiều ưu đãi và hỗ trợ. Các DN của Việt Nam cần thích ứng với yêu cầu mới và cam kết phát triển bền vững lâu dài trong hoạt động này.

Một vấn đề được đặt ra trong kinh doanh tái tạo khi mối quan tâm không chỉ nằm ở tối đa hóa tài chính mà còn là tối ưu hóa lợi nhuận. Ts. Kok cho rằng, việc đầu tư ngắn hạn của các DN Việt trong lĩnh vực này thực sự có thể đặt ra những thách thức. Tuy nhiên, hy vọng rằng về lâu dài, những khoản đầu tư này sẽ dẫn đến tăng lợi nhuận nhờ mức tiêu thụ cao hơn, nhu cầu ngày càng tăng và nâng cao nhận thức về thương hiệu.

Trở lại với chia sẻ của bà Trần Hoàng Phú Xuân, nếu các DN thực hành kinh doanh tái tạo tức là đang góp phần vào việc phát triển kinh tế bền vững. Điều đáng mừng là hoạt động này đang tác động tích cực đến các DN ở Việt Nam với giá trị to lớn về mặt sáng tạo và công nghệ.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/thoi-cua-kinh-doanh-tai-tao-1097844.html