Thoát ly - quê hương là... nhà dưỡng lão

Đất nước thiên về làm nông. Một số sản phẩm nông nghiệp đứng hàng đầu thế giới về khối lượng xuất khẩu. Làm nông thì đất nước có thể bảo đảm an ninh lương thực, khó xảy ra nạn đói, nhưng chẳng bao giờ giàu. Làm nông mãi có thể là cái nghèo truyền đời.

Nghĩ đến thế là có tâm lý thoát ly. Vượt thoát và rời bỏ. Thoát ra khỏi đồng ruộng con trâu cái cày. Dùi mài kinh sử lều chõng đi thi. Đỗ đạt thì cái được không chỉ là học vấn mà còn lên làm quan làm thầy. Người sáng dạ lên chỗ kinh kỳ đô thị làm thuê làm mướn. Người đi lính có cơm ăn nhà nước, có năng lực thì thành tướng sĩ hoặc ông cai đội.

Vậy là người giỏi người tài người có năng lực thì đi hết. Bỏ lại ruộng vườn cho cánh đàn bà và trẻ nhỏ, cho người già, và cho một đám người… bị coi là thiếu năng lực hoặc không may mắn.

Vấn đề là không chỉ bỏ lại nhà cửa ruộng vườn, mà cả quê hương cũng giao phó hết cho những người không có cơ hội thoát ly. Đám người này lên làm lý trưởng cai tổng, đứng ra quản lý quê hương của người đã thoát ly. Kiến thức có hạn, có khi chức tước không được phân bổ theo năng lực mà do bỏ tiền ra mua, lại thêm bản tính bần tiện tham tàn, cánh hào lý này ra sức đục khoét nhũng nhiễu người dân. Hiểu biết chỉ mấy hột, tầm nhìn không quá lũy tre rặng dừa của làng, khi phải tổ chức quản lý việc công, họ loay hoay chắp vá, lợn lành chữa thành lợn què, cần bơm nước vào thì họ tát nước ra khỏi ao. Khi cần nâng tầm ảnh hưởng cho làng xóm, khuếch trương lòng tự hào quê hương thì họ nhầm tưởng tiếu lâm giai thoại chính là lịch sử.

Thiên hạ bịa chuyện chế giễu thì họ lại vơ vào cho mình, tưởng đó là niềm vinh dự. Thiên hạ giễu cợt họ không có nhà vệ sinh, phải ngồi trên cầu ao rung rinh mặt nước, thế là họ vơ sự tích cái cầu vào cho làng mình để khuếch trương du lịch. Thiên hạ cười cợt tính nghèo hèn bần tiện tinh ranh của họ, thế là họ vơ vào sự tích cá gỗ, coi như đấy là niềm tự hào. Thiên hạ chế giễu chuyện lừa gạt làm bánh chưng đất, họ nhận luôn kỹ nghệ ẩm thực từ đất là của quê mình, ảo tưởng có thể tiếp thị bằng cách đó…

Cũng chính đám hào lý cai tổng tri huyện trọc phú bày đặt mãi mà thành những tín ngưỡng dân gian kỳ quặc. Làng thì thờ cướp thờ điếm thờ thần bói toán, làng thì thờ hòn đất hòn đá hồn cây đa ma cây gạo cú cáo cây đề. Rồi những tập tục lôm côm thô tục bày vẽ ra như một kiểu xả lũ cho thói đời dồn nén ẩn ức.

*

Người đã thoát ly, lâu lâu mỗi lần về nhìn lại quê hương chỉ còn biết chép miệng bất mãn bất bình. Còn biết trách ai nữa. Tinh hoa bỏ làng quê mà đi hết rồi, để mặc quê hương cho một đám hào lý tự tung tự tác, bày đặt ra những chính sách sai lầm, chỉ giỏi đục khoét nhiễu nhương và nhào nặn quê hương theo kiểu của họ.

Đấy là chuyện xưa, nhưng chuyện nay chẳng phải đã phai nhạt, có phần còn tô đậm và biến hóa đa dạng hơn.

Ai cũng thế, chỉ khi không còn làm được gì nữa mới tìm về rưng rưng với kỷ niệm quê hương. Ảnh: Đào Tiến Đạt

Đất không sinh nở, chỉ có người sinh sôi. Nhà có mảnh vườn cái ao và mấy người con. Con cái lớn dần lên, phải dựng vợ gả chồng, phải lấp ao đi, chia nhỏ vườn ra, cho mỗi đứa một mảnh dựng lấy cái nhà riêng. Vườn mất ao lấp, cây cối đã chặt trụi, đường làng đã bê tông hóa. Nhà quê bây giờ nhà có số phố có tên, chẳng khác gì thành phố. Người xa quê lâu ngày trở về thở dài, về quê để ngắm vườn ruộng ao đầm thì chỉ còn biết luyến tiếc hoài niệm. Quê hương vận động theo xu thế đô thị hóa, nhưng vận động theo kiểu cóp nhặt, có khi là mô phỏng một mô hình không phù hợp, thậm chí là sai lầm.

Thế nên bảo họ ở lại mà xây dựng quê hương thì… không! Người tài chỉ có thể thành đạt và chỉ có cơ hội đổi đời khi đi khỏi quê hương mình. Quê hương vẫn chỉ làm nông bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Đấy là chưa kể môi trường làm việc. Người tài có thiện chí mà quay về thì cánh hào lý chức sắc bất tài cũng chẳng để yên cho anh làm. Họ sẽ phe nhóm kéo bè kéo cánh, mưu hèn kế bẩn để cho anh vào bẫy hoặc vô hiệu hóa anh.

*

Vậy là càng tô đậm tâm lý thoát ly. Đến mức hoài bão và tham vọng lớn nhất của những thế hệ thanh niên là nỗ lực học hành, tìm lấy một học bổng nước ngoài. Du học xong, được ở lại làm việc là mục tiêu cao nhất. Nếu không được thì quay về cũng phải là làm việc cho công ty nước ngoài, ăn lương nước ngoài. Chỉ người không may mắn mới phải chọn vài ba phương án xếp sau đó.

Đến anh nông dân thoát ly ra thành phố đi làm công nhân thì cũng có khi đặt mục tiêu một ngày nào đó được xuất biên, được đi lao động ở nước ngoài.

Chưa rõ hồi sau thế nào, cứ đi khỏi quê hương mình đã được coi là một chuyển đổi may mắn.

Khi quê hương tạo ra được công ăn việc làm xứng đáng cho người bản địa ngay trên chính xứ sở của họ, thì người ta không phải xa quê, và tâm lý thoát ly cũng dần phai nhạt. Ảnh: Bửu Đấu

Người đi thoát ly tất nhiên được coi là thành đạt hơn người không có cơ hội. Một đời công tác xa quê, khi còn trẻ khỏe bao nhiêu tinh hoa phát tiết cống hiến ở chốn đô thị. Đến tuổi hưu trí, sức khỏe héo mòn năng lực sa sút, chỉ muốn an nhàn điền viên, thì lại tìm về để thương nhớ đồng quê. Ai cũng thế, chỉ khi không còn làm được gì nữa mới tìm về rưng rưng với kỷ niệm quê hương. Quê hương, theo một định nghĩa mới, là cái nhà dưỡng lão. Quê hương thành nhà dưỡng lão của các chức sắc, các bậc trí thức, các văn nghệ sĩ, khi tài sức đã cạn kiệt. Toàn những tinh hoa một đời tung hoành ngang dọc khi quay về chỉ là để an dưỡng.

Các bậc hào lý vốn bị chê trách chẳng dại gì tận dụng các vị dưỡng lão này làm cố vấn. Ốm tha già thải. Không để cho nhúng mũi vào việc của họ. Rồi lặp lại cái vòng tuần hoàn, quê hương cứ bày bừa lộn xộn cứ không mở mang được, cứ không sao trở thành niềm tự hào cho những người con của quê hương.

*

Bài toán mở mang phát triển quê hương vẫn đang chờ người giải là các nhà quản lý. Có tiếp tục thuần nông để duy trì an ninh lương thực, để coi là thu nhập chính, hay là chuyển đổi ngành nghề? Tiếp tục thuần nông nhưng hiện đại hóa nông nghiệp, toàn diện hay một phần? Chuyển đổi thành khu công nghiệp lớn hay chỉ là gia công lấy cần cù bù khả năng? Chuyển đổi thành những trung tâm dịch vụ tài chính hoành tráng thì có đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu của thực tế hay không?

Hay là quản lý vĩ mô vẫn tiếp tục chỉ ở tầm của các vị hào lý chánh tổng tri huyện. Rồi cứ loay hoay truyền đời trong cái nhỏ nhoi bế tắc của mình.

Người thoát ly nào đầy ưu tư, chắc cũng có lúc mơ thấy quê hương trở thành một trung tâm tài chính, thành trung tâm công nông nghiệp, thành điểm đến du lịch, và hơn nữa. Quê hương mở mang khởi sắc, môi trường làm việc thiện chí, tạo ra được công ăn việc làm xứng đáng cho người bản địa ngay trên chính xứ sở của họ. Khi ấy thì người ta không phải xa quê, và tâm lý thoát ly cũng dần phai nhạt.

Khi ấy có thoát ly chăng chỉ là du lịch du ngoạn, đi ra bên ngoài để học hỏi, để nhìn ngắm thế giới, mở rộng tầm nhìn và hưởng thụ thành quả lao động của mình.

Tiểu luận Hồ Anh Thái

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/thoat-ly-que-huong-la-nha-duong-lao-43530.html