Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chương trình nghiên cứu Mặt Trăng do Trung Quốc, Nga dẫn dắt

Truyền thông Trung Quốc cho biết, Nga mới đây vừa xác nhận việc Thổ Nhĩ Kỳ nộp đơn xin tham gia Trạm nghiên cứu Mặt Trăng Quốc tế (ILRS) do Trung Quốc và Nga dẫn dắt, trở thành quốc gia thứ 10 tham gia dự án này tiếp theo Thái Lan.

Truyền thông Trung Quốc dẫn nguồn tin từ truyền thông Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Giám đốc Viện Nghiên cứu Vũ trụ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAS IKI) Anatoly Petrukovich hôm 8/4 đã đưa ra thông báo trên. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã nộp đơn đăng ký tham gia dự án Trạm nghiên cứu khoa học Mặt Trăng quốc tế do Trung Quốc và Nga dẫn dắt.

Trong khi đó, Giám đốc khoa học của RAS IKI Lev Zeleny tiết lộ, Nga đã mời các nước thành viên Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) khác thảo luận về hợp tác nghiên cứu Mặt Trăng. Phát biểu tại cuộc họp báo trước Ngày Quốc tế con người bay vào vũ trụ 12/4, ông cho biết, Nga có kế hoạch tổ chức hợp tác về thám hiểm Mặt Trăng trong khuôn khổ BRICS và có thể sẽ thảo luận về kế hoạch này trong tương lai gần tại cuộc họp thượng đỉnh của các nước BRICS.

Mô hình thiết kế Trạm nghiên cứu Mặt Trăng quốc tế do Trung Quốc và Nga dẫn dắt. Ảnh: stdaily.com

Ông Zeleny cũng tiết lộ, Nga có ý định tiếp tục khám phá sao Hỏa và đang thảo luận về khả năng hợp tác với Trung Quốc.

Về các kế hoạch tương lai của Trạm nghiên cứu, ông Petrukovich cho biết, Moscow và Bắc Kinh sẽ thành lập một trung tâm dữ liệu trên Mặt Trăng để thu thập tất cả thông tin cần thiết cho việc khám phá Mặt Trăng. Ngoài ra, khả năng đưa lò phản ứng hạt nhân lên Mặt Trăng để đảm bảo cung cấp điện liên tục cũng đang được xem xét.

Các cơ quan vũ trụ của Trung Quốc và Nga đã xác định việc hợp tác liên quan đến Trạm nghiên cứu Mặt trăng quốc tế vào tháng 7/2020. Tháng 3/2021, chính phủ hai nước đã ký “Bản ghi nhớ về hợp tác xây dựng Trạm nghiên cứu khoa học Mặt Trăng quốc tế”. Tháng 4 cùng năm, hai bên ra Tuyên bố chung giữa Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc và Tập đoàn Vũ trụ quốc gia của Nga Roscosmos về hợp tác xây dựng Trạm nghiên cứu Mặt Trăng quốc tế, thể hiện sự tự tin và quyết tâm của hai nước trong hợp tác liên quan đến các lĩnh vực Mặt Trăng và không gian sâu.

Ông Ngô Vĩ Nhân, nhà thiết kế trưởng của Chương trình thám hiểm Mặt Trăng, Chủ nhiệm Phòng thí nghiệm thám hiểm không gian sâu của Trung Quốc, từng tiết lộ trước đó về việc nước này có kế hoạch hợp tác với các đối tác toàn cầu xây dựng phiên bản cơ bản của ILRS trước năm 2028, phiên bản cải tiến trước năm 2040 và phiên bản hoàn chỉnh hơn với các chức năng ứng dụng vào khoảng năm 2050.

Là bước đầu tiên hướng tới việc xây dựng ILRS, Trung Quốc dự kiến sẽ phóng tàu thăm dò Hằng Nga-6 trong năm 2024 lên vùng tối của Mặt Trăng.

Đến nay, ILRS đã thu hút sự quan tâm của các nước, gồm Venezuela, Nam Phi, Azerbaijan, Pakistan, Belarus, Ai Cập và Thái Lan. Một số tổ chức có trụ sở tại Mỹ và châu Âu cũng đã hợp tác với Trung Quốc và Nga trong dự án này, như Hiệp hội Đài quan sát Mặt Trăng Quốc tế có trụ sở tại Hawaii, công ty Nano-SPACE của Thụy Sĩ và Tập đoàn Thales của Pháp.

Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/tho-nhi-ky-tham-gia-chuong-trinh-nghien-cuu-mat-trang-do-trung-quoc-nga-dan-dat-post1088164.vov