Thơ ca là ngọn lửa ký ức trong tôi

Mỗi lần gặp ông, tôi như được truyền thêm chất lính qua sự sôi nổi, hoạt bát của những câu chuyện vui trong cuộc sống hằng ngày, tiếp đó là chuyện thơ, chuyện nhạc. Những bài thơ ông vừa viết xong được các nhạc sĩ yêu thích chọn phổ nhạc, ông đọc, hát say sưa yêu đời như một người lính trẻ. Đó là cựu chiến binh (CCB), nhà thơ Nguyễn Hồng Dũng (ảnh).

Ký ức thời hoa lửa

Tuy đã ở tuổi ngoài thất thập và phải mang một cánh tay giả nhưng CCB Nguyễn Hồng Dũng vẫn tự lo công việc cả về cuộc sống lẫn hoạt động cộng đồng. Hằng ngày, ông vừa chăm sóc trang trại khá lớn của gia đình vừa tích cực tham gia hoạt động xã hội. Ông là Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB thành phố Đồng Xoài, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Bình Phước, hội viên Chi hội Văn học Bình Phước.

Nhà thơ Hồng Dũng (SN 1948), quê ở tỉnh Nghệ An, hiện trú phường Tân Thiện, TP. Đồng Xoài. Thời thanh xuân, ông viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, mong được vào chiến trường miền Nam cầm súng ra trận. CCB Hồng Dũng nhớ lại, lúc ấy tại chiến trường Thừa Thiên Huế vào sinh ra tử, nhưng tâm hồn lúc nào cũng phơi phới yêu đời, không hề nghĩ đến sự mất mát hy sinh. Chính vì vậy, những lúc chiến trường tạm lắng, Hồng Dũng rất yêu thích đọc thơ, đặc biệt là mong được nghe ngâm thơ trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Trực tiếp cầm súng nơi chiến trường, sống chết bên đồng đội, mỗi ngày trôi qua với biết bao cảm xúc, Hồng Dũng muốn viết nên những điều xung quanh mình, giữa chiến trường đạn réo bom rơi, nhưng rồi những cuộc hành quân cứ nối tiếp mà chưa kịp ghi lại điều gì. Những vần thơ chưa viết thành lời, những câu chuyện đong đầy tâm tư của người lính trẻ, ông chỉ biết dồn nén vào ký ức mình.

Tháng 11-1970, trong một trận đánh, ông bị thương và cụt cánh tay phải nên được chuyển ra miền Bắc điều dưỡng và tiếp tục học văn hóa, thi vào Trường đại học Nông nghiệp 2 Hà Bắc. Sau 2 năm học, gia đình gặp chuyện không may nên Hồng Dũng tạm dừng việc học, về quê.

Giấc mơ xanh trên miền đất mới

Năm 1990, ông đưa vợ và 4 con nhỏ vào Đồng Xoài lập nghiệp. Bằng nghị lực và ý chí của người lính, ông luôn ghi nhớ câu nói của Bác: “Thương binh tàn nhưng không phế” để vươn lên trong cuộc sống. Đất không phụ công người, sau một thời gian, gia đình ông đã gặt hái nhiều thành quả từ vườn rẫy. Liên tiếp từ năm 1990-2018, ông vinh dự được 4 lần cử đi dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc về thành tích làm kinh tế giỏi. Ông chia sẻ: Có lẽ tôi trưởng thành từ trong quân đội, tố chất người lính đã cho tôi sự quyết tâm, mạnh mẽ để thích nghi với mọi hoàn cảnh, nên nhờ vậy mà gặt hái được thành công như hôm nay.

Khi kinh tế gia đình đã ổn định, các con trưởng thành, ngoài công việc vườn rẫy, nhà thơ Hồng Dũng còn tham gia tích cực vào hoạt động thiện nguyện như: Hỗ trợ kinh phí làm đường giao thông, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Lòng nhiệt huyết ấy đã được ghi nhận, ông được bầu vào Ban Chấp hành Hội Doanh nhân CCB tỉnh Bình Phước từ năm 2015 đến nay. Cùng thời điểm này, niềm đam mê văn thơ lại trỗi dậy nên ông đã tham gia vào Câu lạc bộ thơ Bình Phước và được bầu làm Chủ nhiệm câu lạc bộ thơ với hơn 100 hội viên.

Từ khi đến với sân chơi của những người yêu thơ, CCB Hồng Dũng say mê viết. Khi đang làm vườn, trên rẫy, khi làm việc nhà, hoặc tình cờ gặp lại người bạn cũ hay những câu chuyện từ trong đời thường, đều được ông ghi nhanh rồi về chỉnh sửa cho hoàn chỉnh. Đặc biệt, ký ức của người lính năm xưa cứ ùa về, thôi thúc ông viết theo dòng cảm xúc dâng trào từ trái tim tuổi 18 năm xưa: “Đêm nay trên đỉnh Trường Sơn/ Trăng sao chung bước cùng con lên đường/ Là là gió đẩy làn sương/ Mát lòng chiến sĩ chiến trường đánh hay/ Đường ta ẩn hiện đêm ngày/ Luồn qua ghềnh thác đường vây bốt đồn”… (trong Huyền thoại đường Trường Sơn).

Đến nay, nhà thơ Hồng Dũng đã cho ra mắt 5 tập thơ: Tập 1: Hương thời gian, tập 2: Hoài niệm lời ru, tập 3: Nước mắt dòng đời, tập 4: Nỗi lòng người xa xứ, tập 5: Đường đời. Trong đó có 12 bài thơ đã được các nhạc sĩ chọn phổ nhạc, một số ca khúc phổ thơ của nhà thơ Hồng Dũng đã nhận được tình cảm của công chúng yêu nhạc như: Lời ru cánh võng Trường Sơn, Nhớ cánh đồng quê, Hành khúc cựu chiến binh Nghệ An, do nhạc sĩ Quang Vượng phổ nhạc, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước ghi hình tác giả - tác phẩm mừng xuân Nhâm Dần 2022. Nhiều bài thơ của CCB Hồng Dũng đã được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Bình Phước và các báo tỉnh bạn.

Nhà thơ Hồng Dũng bày tỏ: Tôi cảm ơn và yêu mến mảnh đất Đồng Xoài. Tôi làm thơ để biết ơn đời, biết ơn Đảng, Bác Hồ và những người đã ngã xuống cho quê hương đất nước được sống trong độc lập, hòa bình, ấm no, hạnh phúc hôm nay.

Đức Hòa

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/253/131405/tho-ca-la-ngon-lua-ky-uc-trong-toi