Thiết thực chăm lo đời sống nhân dân

Năm 2022, Bình Phước đã đạt những thành tựu nổi bật trong công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Toàn tỉnh giảm được 2.205 hộ nghèo, đạt 110% so với kế hoạch. Trong đó, chương trình giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) đã giảm được 1.013 hộ, đạt 101,3% chỉ tiêu kế hoạch. Các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.

ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG NGƯỜI DÂN VÙNG BIÊN

Năm 2022, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Bộ CHQS tỉnh phối hợp Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã triển khai xây dựng và hoàn thành 3 điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới; 4 điểm dân cư liền kề đồn biên phòng với 51 căn nhà, 1 nhà văn hóa và 2 hệ thống điện trên địa bàn các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập. Tổng kinh phí xây dựng nhà và các công trình trong năm 2022 trên 19 tỷ đồng. Ngoài đất xây dựng nhà ở, mỗi hộ dân còn được cấp từ 360-5.000m2 đất sản xuất, đảm bảo phát triển kinh tế và định cư lâu dài trên địa bàn biên giới.

Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới Thanh Hòa, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp

Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới Thanh Hòa, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp

Gia đình anh Lâm Quốc Hoàng, một trong những hộ dân sinh sống ở điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới Thanh Hòa, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp vui mừng khi có căn nhà mới khang trang. “Ngoài hỗ trợ nhà ở, vợ chồng tôi được Trung đoàn 717, Binh đoàn 16 nhận làm công nhân cạo mủ cao su, thu nhập mỗi tháng khoảng 15 triệu đồng” - anh Hoàng phấn khởi.

Thượng tá Nguyễn Xuân Thụy, Phó Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Ban CHQS huyện Bù Đốp cho biết, trên địa bàn huyện đã triển khai xây dựng 5 điểm dân cư liền kề đồn biên phòng và chốt dân quân biên giới với 131 hộ dân được hỗ trợ xây nhà, tổng diện tích 12 ha. Ngoài nhà ở, người dân còn được Quân khu 7 hỗ trợ 11 con bò giống để nuôi tập trung, UBMTTQVN tỉnh hỗ trợ mỗi gia đình 3 con dê giống để phát triển chăn nuôi. Đến nay, đa số người dân có cuộc sống ổn định, thu nhập bình quân 70 triệu đồng/người/năm, không còn hộ nghèo và cận nghèo.

Mục tiêu chương trình giảm nghèo của tỉnh là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, giảm dần khoảng cách giàu - nghèo giữa các địa phương, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới. Do đó, ngoài thực hiện các biện pháp đồng bộ, đảm bảo vốn vay cho 100% hộ nghèo, cận nghèo, tỉnh còn tập trung các hoạt động hỗ trợ phát triển hạ tầng giao thông, văn hóa, các khu vực kinh tế khó khăn, phát triển các mô hình sản xuất, dự án giảm nghèo bền vững. UBND tỉnh đã kịp thời phân bổ từ nguồn vốn đầu tư công với tổng kinh phí 64 tỷ đồng để các địa phương thực hiện chương trình giảm nghèo, trong đó thực hiện giảm 1.000 hộ nghèo DTTS là 56 tỷ 481 triệu đồng.

Với sự hỗ trợ đồng bộ từ nhà ở, nông cụ sản xuất, phương tiện sinh kế và vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, năm 2022, chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS đã giúp 1.013 hộ vươn lên thoát nghèo. “Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS mang đặc trưng riêng của Bình Phước, chưa có nơi nào làm được. Nguồn lực đầu tư lớn từ chương trình đã giúp tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo DTTS xuống mức thấp nhất so với bình quân chung của cả nước” - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lý Trọng Nhân khẳng định.

ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI

Năm 2022, tuy còn nhiều khó khăn trong việc tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, đề án lao động việc làm và giáo dục nghề nghiệp nhưng với sự nỗ lực quyết tâm cao, ngành lao động - thương binh và xã hội đã giải quyết việc làm cho 43.000 lao động; thu hút lao động ngoài tỉnh hơn 2.500 người. Về triển khai hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, có tổng 168.951 lao động; 2.181 đơn vị sử dụng lao động nhận được hỗ trợ và hưởng gói hỗ trợ theo quy định; 28 lượt người sử dụng lao động đã nhận được vốn vay để giải quyết khó khăn tài chính, với tổng số tiền hỗ trợ hơn 343 tỷ đồng. Triển khai phê duyệt chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho hơn 77.400 người lao động của 520 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, với số tiền hỗ trợ hơn 43 tỷ đồng...

Bà Phạm Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Năm 2022, các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) cho người đang sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn, người DTTS tiếp tục được quan tâm thực hiện. Cụ thể, Bình Phước đã mua và cấp thẻ BHYT cho 11.892 người thuộc hộ nghèo, 8.023 người thuộc hộ cận nghèo, 29.963 người dân sinh sống tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, 15.092 người DTTS, 11.057 người thuộc hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình. Trong năm, Bình Phước đã triển khai và phân bổ kịp thời nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi với 216 tỷ đồng, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng sâu, xa, vùng DTTS.

“Năm 2023, chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS sẽ được triển khai lồng ghép với chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS theo chủ trương của tỉnh. Hy vọng đây sẽ là bước đột phá của Bình Phước trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững trong vùng DTTS” - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lý Trọng Nhân tin tưởng.

PHÁT HUY KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC

Với phương châm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, năm 2022, UBMTTQVN các cấp và các tổ chức thành viên đã tích cực vận động người dân tham gia đóng góp hơn 18 tỷ 172 triệu đồng, hiến 59.558m2 đất, 14.231 ngày công để thực hiện các công trình dân sinh tại địa phương. Phong trào giúp nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo và nhân đạo từ thiện cũng đạt hiệu quả tích cực. Qua đó đã vận động hộ khá giúp 2.775 hộ khó khăn vay không lấy lãi với 5.329 triệu đồng, hỗ trợ 5.012 ngày công lao động, hơn 14.000 cây - con giống…

Anh Điểu SRức ở thôn Đắk Úy, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng sử dụng nông cụ máy cắt cỏ do Nhà nước hỗ trợ để chăm sóc vườn cà phê trồng xen điều của gia đình

Anh Điểu SRức ở thôn Đắk Úy, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng sử dụng nông cụ máy cắt cỏ do Nhà nước hỗ trợ để chăm sóc vườn cà phê trồng xen điều của gia đình

Với phương châm đoàn kết, yêu thương và chia sẻ, không để ai bị bỏ lại phía sau, năm 2022, các tổ chức hội, đoàn thể, câu lạc bộ thiện nguyện, các chức sắc tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã chung tay, góp sức, triển khai thực hiện nhiều hoạt động an sinh xã hội với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Thông qua chương trình thiện nguyện, các hoạt động vì cộng đồng, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã tiếp thêm nghị lực cho hàng trăm mảnh đời bất hạnh, rất nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. “Năm 2022, dù tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng hội đã huy động được hơn 27 tỷ 681 triệu đồng để thực hiện các chính sách an sinh xã hội tại địa phương. Từ đó giúp nhiều mảnh đời vượt qua nghịch cảnh, vươn lên trong cuộc sống” - bà Dương Thị Tuyết, Chủ tịch danh dự Hội Bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh chia sẻ.

Đức Hiến

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/140221/thiet-thuc-cham-lo-doi-song-nhan-dan