Thi thả diều 'ăn mây' cầu mưa thuận gió hòa ở Bá Dương Nội

Cứ đến rằm tháng 3 âm lịch hàng năm, làng Bá Dương Nội (huyện Đan Phượng, Hà Nội) lại tổ chức lễ hội thi thả diều truyền thống cầu mưa thuận gió hòa.

Hàng năm, cứ đến rằm tháng 3 âm lịch, làng Bá Dương Nội (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) lại tổ chức lễ hội thi thả diều truyền thống để tưởng nhớ tướng Nguyễn Cả đã cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Lễ hội thả diều truyền thống ở Bá Dương Nội mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa.

Ngay từ đầu giờ chiều, người dân làng Bá Dương Nội tất bật đổ về miếu thờ thần Châu Thổ để tham dự lễ hội. Anh Phạm Quang Hưng (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng) đã 16 năm liên tục luôn sắp xếp thời gian và công việc để tham gia lễ hội truyền thống của làng hàng năm.

Tại sân miếu, những con diều dự thi sẽ được kiểm ra và dán mã số, tem niêm phong. Theo quy chế chấm giải hội thi thả diều, Ban Tổ chức cho biết có 4 tiêu chí: Diều có sải cánh không hạn chế độ dài nhưng tối thiểu tối thiểu 2,2 m. Diều mang từ 3 sáo trở lên nhưng sáo bé nhất phải có đường kính từ 3 cm trở lên.

Sáo càng to và diều mang nhiều sáo, tiếng sáo trong và vang xa hơn thì được điểm cộng. Cuối cùng là độ đứng của diều, khi diều lên cao phải đứng yên.

Những con diều được kiểm tra rất khắt khe, những sai số dù chỉ tính bằng cm cũng không được chấp nhận. Do tính toán sai trong quá trình chế tạo, con diều của anh Khuất Duy Hiếu và Lê Thành Đạt (Sơn Tây, Hà Nội) dù chỉ ngắn hơn chưa đến 4 cm cũng đã bị loại. Đầy tiếc nuối, anh Hiếu chia sẻ: "Chắc chắn năm sau chúng tôi sẽ chuẩn bị kĩ lưỡng hơn và tiếp tục quay lại thi đấu tại lễ hội này".

Sau khi đăng ký, diều được trình tại sân miếu tiến hành khai mạc lễ hội. Hội thi thả diều truyền thống làng Bá Dương Nội năm nay có 65 cánh diều đến từ 18 câu lạc bộ thả diều của 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Thái Bình và Bắc Giang. Trong đó 24 cánh diều của các chủ diều làng Bá Dương Nội.

Công việc cất cánh diều năm nay khá khó khăn vì gió nhỏ và hướng gió không thuận lợi.

Thời điểm gần 20 phút sau khi bắt đầu phần thi thả diều, lượng diều có thể bay lên chỉ mới đạt 1/5 trên tổng số lượng.

Rất nhiều diều không đạt đủ độ cao và liên tục bị rơi hoặc gặp sự cố, cuộc thi càng thêm độ khó để thử thách cả những "Diều thủ" lão làng nhất. "So với năm ngoái thì năm nay việc cất cánh và lên được tầng gió cao khó hơn nhiều. Đội chúng tôi đều là những người có kinh nghiệm những vẫn gặp nhiều khó khăn. Hiện tại diều bị rơi xuống nước và đang phải tận dụng cát tại khu vực này để làm khô thân diều". Anh Nguyễn Anh Quyết, thành viên CLB diều sáo truyền thống xã Hồng Hà chia sẻ.

Càng về sau, thời tiết càng thuận lợi khi gió đã đủ mạnh để diều lên cao, lực kéo của dây rất mạnh, người chơi phải dùng găng tay để tránh chấn thương. Thời điểm này cũng là lúc mà sức trẻ của thanh niên và kinh nghiệm của những người cao tuổi được kết hợp để các đội giành lấy kết quả tốt nhất.

Gió càng về chiều càng mạnh, đây cũng là lúc các đội liên tục ra dây, tăng độ cao cho diều để đạt thành tích tốt nhất. Diều càng lên cao, sức nặng và độ ma sát càng lớn, một số đội phải dùng nước để tưới lên cuộn dây.

Diều do những người có kinh nghiệm lâu năm thả có thể đạt độ cao tới 3.000 m. Lúc đó mắt thường không thể nhìn thấy được diều nữa, tiếng địa phương gọi là diều đã “ăn mây”. Với những con diều này, thành viên Ban giám khảo phải sử dụng ống nhòm để quan sát và chấm điểm.

Điều kiện tiên quyết để có thể nhận giải nếu thắng cuộc của các chủ diều là phải thu diều và đưa diều quay về sân miếu. Lúc này Ban giám khảo sẽ kiểm tra xem diều có còn nguyên sáo, nguyên mã số của Ban tổ chức. Thí sinh nào thiếu 1 trong 3 điều kiện trên thì coi như bị loại.

Thế Bằng

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thi-tha-dieu-an-may-cau-mua-o-ba-duong-noi-post1471844.html