Thầy giáo mầm non kể chuyện từng bị xì xào khi làm nghề 'chỉ dành cho nữ giới'

Để bám trụ được với nghề dạy trẻ mầm non, thầy Tú từng nhận không ít lời xì xào, ánh mắt soi xét khi mới bước chân vào nghề.

Là nam giáo viên duy nhất tại trường Mầm non Thái Thượng (Thái Thụy, Thái Bình), thầy Đỗ Quang Tú ngày ngày miệt mài chăm chút cho những mầm non tương lai của đất nước. Bén duyên với nghề đến nay đã 12 năm, nhưng mỗi khi được hỏi, thầy Tú vẫn không giấu nổi sự tự hào.

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Âm nhạc, những tưởng sẽ trở thành giáo viên dạy môn Âm nhạc nhưng vì một số lý do, thầy Tú đành lỡ hẹn. Vốn là người yêu trẻ nhỏ lại có thêm năng khiếu ca hát, thầy Tú sau đó quyết tâm theo đuổi sự nghiệp giáo viên mầm non.

Thầy Đỗ Quang Tú dạy học sinh. (Ảnh: NVCC)

Những ngày đầu đến với nghề, người thân và bạn bè xung quanh thầy Tú không khỏi bất ngờ, xì xào. Bỏ qua những hoài nghi, thầy vẫn luôn tâm niệm, không quan trọng là nam hay nữa, đã là giáo viên thì ai cũng giống nhau, điều quan trọng là tình yêu nghề, yêu trẻ.

Hằng ngày tôi được vui chơi, chăm sóc trẻ từng bữa ăn giấc ngủ là niềm vui và hạnh phúc. Qua nhiều năm, các phụ huynh dần bỏ định kiến, tin tưởng, trao gửi con cho tôi. Cũng vì thế tôi càng hiểu rõ trách nhiệm phải nâng niu, yêu thương trẻ như chính con đẻ của mình. Một khi yêu mến thì trẻ cũng sẽ quý lại mình”, thầy Tú nói.

Nam thầy giáo tâm sự, mỗi nghề đều có đặc thù riêng, nhưng nghề giáo viên mầm non vẫn mang chất gì đó rất riêng mà khó nghề nào có được. Khi phải chịu những ánh mắt soi xét, chỉ có lòng yêu nghề, mến trẻ mới giúp họ bám trụ với nghề, định kiến về giới không hoàn toàn có thể xóa bỏ và không quan trọng.

Đến với nghề từ cái duyên, gắn bó với nghề nhờ tình yêu trẻ, thầy Tú chưa bao giờ ân hận về quyết định của mình. Cho rằng mỗi hành động, lời nói, việc làm của thầy cô luôn là tấm gương để trẻ noi theo, nam thầy giáo không ngừng cố gắng rèn luyện bản thân trở thành tấm gương chỉn chu. Với thầy, đó không chỉ là công việc mà còn là sứ mệnh thiêng liêng với con trẻ.

Nam giới làm giáo viên mầm non, tại sao không?

Nhiều năm trong nghề giáo, cô Bùi Minh Diệp, giáo viên trường Mầm non Khương Đình (Hà Nội) nhận định, giáo viên mầm non dù nam hay nữ cũng đều là người cha, người mẹ thứ hai của trẻ.

Từ trước đến nay, nhiều người luôn tự mặc định giáo viên mầm non phải là nữ, nên với những thầy giáo, để bước vào nghề chăm sóc và giáo dục trẻ là cả sự dũng cảm, phải đấu tranh rất nhiều", cô Diệp nói và cho rằng, dù là thầy hay cô, chỉ cần có tình yêu nghề, mến trẻ, xác định tinh thần trách nhiệm cao, không ngừng quyết tâm, học hỏi thì sớm muộn cũng được đồng nghiệp và phụ huynh ghi nhận, quý trọng.

Từng được tiếp xúc, làm việc, tập huấn với các thầy giáo mầm non, cô Diệp nhận thấy, các thầy không chỉ dạy múa hát mà còn có những cách dỗ trẻ rất đáng yêu, đôi khi chính giáo viên nữ lại phải học tập, lắng nghe họ chia sẻ kinh nghiệm.

Đồng quan điểm, cô Quách Thị Bích Nụ, Hiệu trưởng trường Mầm non Yên Hòa (Đà Bắc, Hòa Bình) cho rằng, cần thay đổi định kiến nam giới làm giáo viên mầm non sẽ không nuôi dạy trẻ tốt. Không có bất cứ ngành nghề nào được quyết định bởi giới tính, chỉ cần có đam mê và dốc lòng theo đuổi thì thành công sẽ đến.

Hiệu trưởng trường Mầm non Yên Hòa đánh giá, việc trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng quyết định thưởng 5 triệu đồng cho nam sinh viên đăng ký học ngành giáo dục mầm non được xem là tín hiệu tích cực.

“Ở các đơn vị trường mầm non nên có giáo viên nam để san sẻ công việc với các giáo viên nữ. Do đó xã hội cần cái nhìn cởi mở, thấu hiểu và khuyến khích nhiều hơn để nam giới có thể mạnh dạn theo đuổi ngành này nếu họ thực sự yêu thích”, cô Nụ bày tỏ và cho rằng, dù là nam giới nhưng việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ, các thầy làm rất khéo và không thua kém các cô. Điểm mạnh của các thầy là giỏi công nghệ, luôn sáng tạo ra những cái mới để dạy cho học trò.

Giáo viên mầm non dù là nam hay nữ cũng đều là người cha, người mẹ thứ hai của học sinh. (Ảnh minh họa).

TS An Biên Thùy, Phó trưởng khoa Giáo dục mầm non, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cùng nhận định, nhiều giáo viên nam có năng khiếu sư phạm giỏi hơn, thậm chí mức độ kiên nhẫn còn cao hơn nữ giới. Những lớp các thầy dậy, các con đều ngoan ngoãn và học tốt.

Các giáo viên nam một khi đã vào nghề sẽ rất gắn bó với nghề. Không có công việc nào của riêng nam giới hay nữ. Chỉ cần các bạn yêu thích và cố gắng, thì ngành nghề đó hoàn toàn phù hợp với bạn”, TS An Biên Thùy bày tỏ.

Trả lời báo chí, bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT TP.HCM thông tin, hiện trên địa bàn thành phố có 21 thầy giáo mầm non, 8 thầy trong số đó là cán bộ quản lý, đó là tỷ lệ rất cao.

Bà cho rằng, điểm mạnh của các thầy là giỏi công nghệ, sáng tạo, luôn suy nghĩ ra những cái mới để dạy cho học trò, chịu khó chăm chút cho công việc, hồ sơ sổ sách rất chỉn chu, có những bước nhảy vọt trong sự nghiệp.

"Nếu được học thầy giáo mầm non, các bé sẽ phát triển rất tốt về nhiều mặt. Trong số các giáo viên đang trực tiếp giảng dạy, chăm sóc cho trẻ tại các trường mầm non, tôi biết 3 thầy giáo trẻ, trình độ tốt, đạt dạy giỏi cấp thành phố, không thu kém bất kỳ cô giáo nào", bà Điệp nhận xét.

Để phát huy hơn nữa, cần thay đổi định kiến rằng nam giới làm giáo viên mầm non thì sẽ không nuôi dạy trẻ tốt. Xã hội cần những cái nhìn cởi mở, thấu hiểu và khuyến khích nhiều hơn để nam giới có thể mạnh dạn theo đuổi ngành này nếu họ thực sự yêu thích.

Kim Nhung

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/thay-giao-mam-non-ke-chuyen-tung-bi-xi-xao-khi-lam-nghe-chi-danh-cho-nu-gioi-ar868490.html