Thắp sáng ước mơ hoàn lương

Với những thanh niên trót 'nhúng chàm' phải trả giá sau song sắt, ước mơ lớn nhất chính là được hoàn lương, trở về với gia đình. Chương trình 'Thắp sáng ước mơ thanh niên' vừa tổ chức tại Trại giam Gia Trung (Bộ Công an) mới đây đã tiếp thêm động lực cho những người trẻ từng lầm đường lỡ bước.

Đây là một trong những hoạt động nằm trong chương trình phối hợp của 3 đơn vị: Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh, Công an tỉnh và Trại giam Gia Trung với nội dung “Giáo dục, cải tạo phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2022-2025”. Chương trình có sự tham gia của 100 phạm nhân trong lứa tuổi thanh niên đang chấp hành án phạt tù tại Trại giam Gia Trung.

Tại chương trình, Ban tổ chức đã trao quà cho 50 phạm nhân chấp hành tốt nội quy của trại. Đặc biệt, các phạm nhân đã được nghe Tiến sĩ Huỳnh Anh Bình-Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP. Hồ Chí Minh tư vấn về con đường hoàn lương.

Tiến sỹ Huỳnh Anh Bình chia sẻ nhiều câu chuyện thực tế cảm động. Ảnh: Văn Ngọc

Theo Tiến sĩ Huỳnh Anh Bình: “Chúng ta không thể thay đổi quá khứ nhưng sẽ thay đổi được tương lai. Thông qua những câu chuyện có thật, các phạm nhân sẽ thấy được nghị lực, quyết tâm vượt khó để hòa nhập cộng đồng của những người một thời lầm lỡ. Từ đó, các phạm nhân sẽ có thêm niềm tin để thay đổi chính mình theo hướng tốt đẹp hơn. Tại buổi nói chuyện, hầu hết phạm nhân đều chăm chú lắng nghe và không giấu được nỗi niềm khao khát muốn hoàn lương”.

Được diễn giả mời lên sân khấu để trình bày một bài hát trước hàng trăm người, Rơ Mah Thời (SN 2005, trú tại xã Ia Vê, huyện Chư Prông) không khỏi lúng túng. Khi hát xong, Thời còn nhận được những tràng pháo tay và bó hoa của một phạm nhân nữ. Có lẽ đã rất lâu rồi Thời mới được cảm nhận bầu không khí vui vẻ ấy. Nó khiến Thời nhớ lại những tháng ngày tự do ở quê nhà.

Ngày ấy, Thời bỏ học sớm vì ham chơi, suốt ngày lêu lổng cùng nhóm bạn trong làng. Thế rồi, trong một lần bù khú cùng nhóm bạn bên ly rượu, Thời đã cầm dao đi cướp đàn gà của người dân trong vùng để có tiền mua rượu. Thời cùng nhóm bạn bị bắt; riêng Thời lãnh mức án 5 năm tù. “Cha mẹ em già rồi, thỉnh thoảng mới lên thăm. Khi em gây án, cha mẹ phải bán đất để đền cho người ta. Khi nghe diễn giả nói chuyện, em càng thương cha mẹ hơn và sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để trở về đỡ đần cha mẹ”-Thời bộc bạch.

Gần 4 năm ở sau song sắt của trại giam, Hồ Ngọc Thiên (SN 1999, trú tại phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa) thấu hiểu như thế nào là giá trị của tự do. Năm 2019, khi đang làm nhân viên quán karaoke tại thị xã Ayun Pa, chỉ vì một vài câu nói khích nhau, Thiên đã lao vào ẩu đả; kết cục lãnh án 5 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”.

Thiên chia sẻ: “Ngày đó, em có rất nhiều dự định. Em tính kiếm ít vốn sẽ đi học nghề gì đó rồi mở cửa hàng chứ không thể làm nhân viên phục vụ mãi. Em từ nhỏ không có cha, mẹ thì đi làm ăn xa, phải ở với bà ngoại nên em rất muốn phụ giúp bà. Nhưng em đã không kìm được sự nóng giận nên phải vào trại giam. Em chỉ mong nhanh trở về và sẽ không bao giờ tham gia vào những cuộc ẩu đả như vậy nữa, cố gắng sống thật tốt, kiếm một cái nghề và phấn đấu thêm cho tương lai”.

Rơ Mah Thời (bìa trái) khao khát được sớm trở về với gia đình. Ảnh: V.N

Trao đổi với P.V, Đại tá Đào Ngọc Sỹ-Giám thị Trại giam Gia Trung-cho hay: “Chúng tôi rất quan tâm để các hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý, giáo dục công dân kỹ năng sống, giá trị sống và chăm sóc sức khỏe cho phạm nhân ở lứa tuổi thanh niên nhằm giúp họ tự tin hơn khi trở về hòa nhập cộng đồng. Cùng với đó, giúp các phạm nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn, hỗ trợ phạm nhân trong quá trình học tập, cải tạo cơ hội sớm hòa nhập cộng đồng, xóa mặc cảm. Trại đã xây dựng được Quỹ tái hòa nhập cộng đồng. Riêng trong năm vừa qua đã chi hơn 400 triệu đồng giúp đỡ các phạm nhân và hiện còn hơn 1,5 tỷ đồng”.

LÊ VĂN NGỌC

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/thap-sang-uoc-mo-hoan-luong-post244639.html