THẢO LUẬN TỔ 04: LÀM RÕ SỰ CẦN THIẾT MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG CƠ CHẾ ĐẶC THÙ TRONG KHAI THÁC MỎ KHOÁNG SẢN LÀM VẬT LIỆU XÂY DỰNG

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 27/10, thảo luận tại tổ về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, tại Tổ 04 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế và Bà Rịa – Vũng Tàu, các đại biểu cho rằng, việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết này là đúng thẩm quyền và đáp ứng yêu cầu thực tế; đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát một số nội dung của dự thảo Nghị quyết, báo cáo làm rõ để tăng tính thuyết phục.

Thảo luận tại Tổ 04 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế và Bà Rịa – Vũng Tàu

Thảo luận tại Tổ 04 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế và Bà Rịa – Vũng Tàu

Trước đó, trong phiên làm việc toàn thể tại hội trường, các đại biểu đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung này.

Thảo luận tại Tổ 04, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các nguyên tắc tiêu chí lựa chọn dự án, thẩm quyền thực hiện đầu tư dự dự án quốc lộ, cao tốc đi qua các địa phương, về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương.

Điều hành phiên thảo luận, Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng Lê Tiến Châu cho biết Tờ trình và dự thảo Nghị quyết đề cấp đến các vấn đề cụ thể nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn trong thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng giao thông đường bộ; đồng thời chia sẻ từ thực tiễn triển khai dự án của các địa phương nhận thấy đề xuất như Tờ trình của Chính phủ là phù hợp.

Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng Lê Tiến Châu làm Tổ trưởng điều hành phiên thảo luận

Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng Lê Tiến Châu làm Tổ trưởng điều hành phiên thảo luận

Các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành nghị quyết nhằm tháo gỡ vướng mắc trong các dự án giao thông đường bộ cụ thể, qua đó, góp phần thúc đẩy thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, đổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động, nhất là các nguồn lực ngoài nhà nước.

Cho ý kiến về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Thị Sửu cho biết dự thảo Nghị quyết trình lần này đã mở rộng nhóm đối tượng được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù này ngoài đối tượng là nhà thầu, nay bổ sung thêm đối tượng là nhà đầu tư.

Điều 7 dự thảo Nghị quyết quy định: "Nhà đầu tư, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông đường bộ.".

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Thị Sửu đề nghị phân tích làm rõ việc áp dụng cơ chế này cho hai đối tượng khác nhau, cần làm rõ sự cần thiết cũng như việc áp dụng cơ chế này đối với nhà đầu tư, có gì khác so với các nhà thầu thi công.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Thị Sửu phát biểu tại phiên họp

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Thị Sửu phát biểu tại phiên họp

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết cũng quy định: “Nhà đầu tư, Nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường; chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản; nộp thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật có liên quan về thuế, phí, pháp luật về bảo vệ môi trường.”. Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng quy định này là chưa đầy đủ bởi thực tế việc khai thác khoáng sản cho thấy hậu quả để lại sau khai thác là rất lớn. Do đó khi quy định áp dụng cơ chế đặc thù này cũng cần quy định nghĩa vụ một cách chặt chẽ. Theo đó, cần có chế tài xử lý đối với trường hợp nhà thầu, nhà đầu tư không thực hiện nghĩa vụ để ràng buộc trách nhiệm trong bảo vệ môi trường.

Có chung quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu đề nghị Chính phủ làm rõ sự cần thiết của việc mở rộng đối tượng áp dụng cơ chế này đối với nhà đầu tư và làm rõ cơ sở cho quy định này.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Chu Hồi – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng cho rằng nếu quy định chung chung “khoáng sản làm vật liệu xây dựng” là không chuẩn xác, bởi về mặt khoa học, khoáng sản có nhiều loại, trong đó, những loại quý như vàng, đất đỏ…Nếu quy định tên điều khoản như dự thảo có thể dẫn đến tình trạng khi triển khai thực hiện thì cứ mỏ khoáng sản nào vướng vào dự án đường giao thông đã được cấp phép thì đều sẽ được áp dụng cơ chế đặc thù. Đại biểu đề nghị, phải quy định rõ chỉ có mỏ khoáng sản là vật liệu xây dựng, tức là khoáng sản đã được xếp loại là vật liệu xây dựng thì mới được áp dụng.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Ngoài ra, trong phiên thảo luận các đại biểu đề nghị có báo cáo làm rõ nhiều nội dung của dự thảo Nghị quyết để bảo đảm thuyết phục, đồng thời rà soát để có quy định phù hợp, khả thi.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn đặt vấn đề về năng lực quản lý của địa phương trong quản lý dự án có quy mô lớn nên cần tính toán quy định về nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm. Liên quan đến thẩm quyền đầu tư dự án quốc lộ, cao tốc đi qua các địa phương, đề nghị nghiên cứu đề có quy định về trách nhiệm của người ra quyết định và người thực hiện. Liên quan đến các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương, đại biểu đặt vấn đề dự án qua nhiều địa phương thì ai, cơ quan nào, địa phương nào sẽ làm chủ quản.

Về cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn tăng thu NSTW năm 2022, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có kết luận riêng về việc sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2022 và các nguyên tắc lựa chọn dự án đề xuất thí điểm. Song, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị hết sức cân nhắc khi cho phép sử dụng nguồn tăng thu NSTW năm 2022 cho cả những dự án chưa đủ thủ tục đầu tư. Bởi việc bảm đảm đủ thủ tục đầu tư mới bố trí vốn là một trong những nguyên tắc cốt lõi, căn bản trong xác định chi ngân sách theo Luật Ngân sách nhà nước và các luật liên quan.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu

Nhấn mạnh yêu cầu cần tránh vi phạm các quy định trong quản lý tài chính, sử dụng ngân sách, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị quy định theo hướng cho phép dành nguồn vốn để triển khai các lại dự án có tên trong danh mục, giao Chính phủ hoàn thiện thủ tục đầu tư theo đúng quy định, sau đó sẽ bố trí dự toán chi./.

Bảo Yến - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=81473