Thảo luận, thông qua các nghị quyết và bế mạc kỳ họp

Hôm nay, 24/6, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh dẫn đầu đã tham gia thảo luận, biểu quyết thông qua các nghị quyết và bế mạc kỳ họp.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua các nghị quyết.

Trong ngày làm việc cuối cùng, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 5 nghị quyết. Buổi sáng, trong phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã thảo luận về dự thảo Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (BVAN,TT ở CS).

Ý kiến đại biểu khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia BVAN,TT ở CS nhằm thể chế hóa yêu cầu tại Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và các nghị quyết khác của Đảng, phù hợp với Điều 46 của Hiến pháp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn về bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.

Đại biểu nhấn mạnh, trong tình hình an ninh, trật tự xã hội phức tạp, tội phạm ngày càng tinh vi, đặc biệt vụ việc xảy ra ở tỉnh Đăk Lắk vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong công tác BVAN,TT ở CS hiện nay, để có được lực lượng quần chúng tham gia cùng với lực lượng chính quy trong bảo vệ an ninh, trật tự là điều cần thiết. Đặc biệt, cần lưu ý đến các địa bàn biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, tiềm ẩn nhiều yếu tố liên quan đến an ninh, trật tự

Bên cạnh đó đại biểu Nguyễn Minh Tâm bày tỏ sự băn khoăn rằng liệu việc thành lập lực lượng này có làm tăng biên chế, tăng ngân sách nhà nước hay không? Đây cũng là trăn trở của nhiều đại biểu và là vấn đề đã được nêu ra tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm thảo luận về dự thảo Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Trích dẫn nội dung Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật lực lượng tham gia BVAN,TT ở CS và phân tích các điểm b, c khoản 1, Điều 13 của Dự thảo luật, ý kiến nhấn mạnh nội dung: Luật phân cấp cho chính quyền địa phương quyết định số lượng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự (BVANTT); số lượng các chức danh Tổ BVANTT; số lượng người tối thiểu để thành lập Tổ BVANTT và số lượng tối đa Tổ viên Tổ BVANTT, tùy vào tình hình của từng địa phương. Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ tạo sự tùy nghi và không thống nhất giữa các địa phương, đồng thời có thể dẫn tới việc tăng biên chế, tăng ngân sách (ở các địa phương quyết định số lượng nhiều hơn số lượng lực lượng này hiện tại).

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo trên cơ sở tổng kết thực tiễn hiện nay, cần cân nhắc nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể về tiêu chí để thành lập Tổ BVANTT; số lượng tối đa thành viên của Tổ BVANTT để áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Trong đó, cần lưu ý, chú trọng đến các địa bàn phức tạp, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa có nhiều nguy cơ xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự.

Đối với Điều 13 của Dự thảo luật về bố trí lực lượng, thẩm tra hồ sơ, bầu tổ viên, chức danh, công nhận chức danh, thành lập Tổ BVANTT, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng việc quy định như dự thảo là không phù hợp với thực tiễn. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nên chăng giao cho Công an cấp xã phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận thẩm tra hồ sơ, tuyển chọn và trình Chủ tịch UBND cấp xã công nhận. Điều này cũng nhằm thống nhất với Điều 2 dự thảo Luật quy định, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là “lực lượng được tuyển chọn...”.

Về tiêu chuẩn chọn lực lượng tham gia BVANTT ở CS, Điều 4 dự thảo Luật quy định độ tuổi tối thiểu là “đủ 18 tuổi trở lên”, ý kiến đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung quy định độ tuổi tối đa của lực lượng tham gia BVANTT ở CS nhằm bảo đảm đủ sức khỏe để thực thi nhiệm vụ.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi khoản 5 Điều 31 dự thảo Luật về sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 5 Luật Phòng cháy và chữa cháy. Cụ thể, dự thảo Luật quy định: “2. Công dân từ 18 tuổi trở lên, đủ sức khỏe tham gia vào đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở được lập ở nơi cư trú hoặc nơi làm việc khi có yêu cầu.”, nay đề nghị sửa lại là: “2. Công dân từ đủ 18 tuổi trở lên, đủ sức khỏe tham gia vào đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở được lập ở nơi cư trú hoặc nơi làm việc khi có yêu cầu.” để bảo đảm thống nhất với Điều 4 của dự thảo đồng thời tương thích với Bộ luật dân sự.

Nội dung ý kiến cũng đề nghị Ban Soạn thảo xem xét, cân nhắc làm rõ tư cách nghĩa vụ của lực lượng này cũng như những việc họ được làm để tránh lạm quyền đồng thời quy định rõ trách nhiệm khi họ vi phạm gây thiệt hại thì ai là người chịu trách nhiệm bồi thường.

Buổi chiều, sau khi biểu quyết thông qua các nghị quyết, Quốc hội đã nghe Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/thoi-su/202306/thao-luan-thong-qua-cac-nghi-quyet-va-be-mac-ky-hop-2210233/