Tháo gỡ 'nút thắt' trong chính sách quản lý giá để thị trường tiêu dùng 'dễ thở' hơn

Nhìn từ những khúc mắc trong chính sách quản lý điều hành giá xăng dầu trong nước cho đến những bất cập trong Luật Giá 2023, để từ đó khi xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu hay Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Giá, cần tháo gỡ cho được những nút thắt. Có như vậy mới giúp cho thị trường tiêu dùng được 'dễ thở' hơn, đảm bảo được hài hòa lợi cho người tiêu dùng và cho doanh nghiệp, cũng như tránh ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

Ghi nhận giá bán lẻ xăng dầu thế giới vào ngày 2/4 cho thấy đã chạm mức cao nhất trong 5 tháng trở lại đây (với dầu Brent hướng mốc 88 USD/thùng, dầu WTI tiến sát 84 USD/thùng) và được dự đoán trong thời gian tới hoàn toàn có thể đạt vùng giá 100 USD/thùng. Với diễn biến như vậy, liệu giá bán lẻ xăng dầu trong nước có thể sẽ điều chỉnh tăng hay không, nhất là khi giá xăng thế giới đã bật tăng cao.

Hướng đi nào cho nghị định mới về xăng dầu?

Cần nhắc thêm, từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước đã có 13 lần điều chỉnh, trong đó 8 lần tăng và 5 lần giảm. Đối với cơ chế giá xăng dầu, trả lời báo chí mới đây, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết Bộ Công Thương đang phối hợp Bộ ngành, đơn vị liên quan xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu (để thay thế 3 Nghị định quản lý xăng dầu hiện nay) với dự kiến sẽ tiến dần hơn với cơ chế thị trường.

Cần tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong chính sách khuyến mại, giảm giá, chiết khấuđể giúp thị trường tiêu dùng “dễ thở” hơn.

Trong đó, Nhà nước ban hành nguyên tắc công thức giá để thương nhân kinh doanh xăng dầu chủ động quyết định mức giá bán, nhưng giá không cao hơn mức giá mà công thức giá quy định.

Còn hiện tại, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, việc điều hành giá xăng dầu là trên tinh thần liên Bộ, đưa ra mức giá trần để tham khảo và từ đó các doanh nghiệp (DN) đưa ra mức giá tính toán của mình sao cho phù hợp với tình hình kinh doanh thực tế của họ, nhưng không vượt mức giá trần.

Trong chia sẻ gần đây, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho rằng với nghị định mới đang được xây dựng này, cần được tiếp cận theo hướng đã đến lúc chúng ta cho phép hoạt động kinh doanh xăng dầu tiệm cận thực sự với giá thị trường thế giới hay chưa. Muốn thực sự tiệm cận giá thị trường thế giới thì nghị định kinh doanh xăng dầu sẽ phải sửa rất nhiều.

Trong đó, như lưu ý của ông Bảo, vấn đề đặt ra là tiệm cận với giá thị trường thì công cụ quản lý nhà nước đến mức độ nào vừa đủ đảm bảo thị trường minh bạch, cạnh tranh vừa đảm bảo những yếu tố về an ninh năng lượng.

Thực tế cho thấy vẫn còn đó những bất cập trong chính sách về quản lý giá xăng dầu. Đứng ở góc độ DN, giám đốc một công ty vật tư xăng dầu, đã đưa ra một dẫn chứng cụ thể như việc giá cơ sở cơ bản là chưa cập nhật đủ các chi phí thực tế của các DN trong chuỗi cung ứng xăng dầu. Theo quy định hiện hành, các đầu mối phải dự trữ 20 ngày nhưng trong Nghị định không hề đề cập đến chi phí của việc dự trữ 20 ngày như chi phí thuê kho, hao hụt, lãi vay…

Với nghị định mới về kinh doanh xăng dầu đang được xây dựng, giới chuyên gia bày tỏ mong muốn cơ chế tự quyết định giá của DN sẽ là bước đi mới, hướng đến sự thay đổi mạnh mẽ về mặt quản lý, điều hành giá. Giá xăng nên tiến đến giá thị trường thế giới và có lộ trình, nên giảm bớt sự can thiệp của cơ quan nhà nước. Nhà nước chỉ quản lý khâu chất lượng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và cũng chỉ có khung giá cần thiết khi có biến động đột biến, có cơ chế để kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng đẩy giá.

Cũng nên nhắc lại, hồi đầu năm nay, Thanh tra Chính phủ nêu rõ tại kết luận thanh tra trong lĩnh vực xăng dầu là vấn đề điều hành giá không phù hợp. việc tính giá cơ sở xăng dầu hiện nay còn nhiều bất cập, tồn tại như: Bộ Tài chính tính toán các chỉ tiêu cấu thành lên giá cơ sở xăng dầu không chính xác, không sát với thị trường. Còn Bộ Công Thương không tính đúng, tính đủ giá xăng dầu trong nước theo giá xăng dầu thế giới và các chi phí khác.

Muốn giảm giá cũng không xong

Không chỉ với kinh doanh xăng dầu, những vướng mắc, bất cập trong chính sách quản lý giá nói chung cho nhiều mặt hàng khác là điều mà người tiêu dùng và phía DN vẫn còn rất băn khoăn và cần được tháo gỡ sao cho hài hòa.

Có một số ý kiến từ phía người tiêu dùng đề nghị Nhà nước cần phải nắm và điều hành giá các mặt hàng thiết yếu của đời sống, gồm: Lương thực, thực phẩm, gia vị cơ bản, xăng dầu, điện, nước. Nếu như thả nổi các mặt hàng này sẽ bất lợi cho đa số người dân, chỉ sinh lợi cho một số người nhất định. Chẳng hạn nếu thả nổi giá xăng dầu chỉ sợ những “ông lớn” bắt tay làm giá thì người dân càng thêm khó.

Nhân chuyện này cũng nên nhắc đến Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Giá 2023. Vào đầu tháng 4/2024, trong góp ý gửi đến Bộ Tài chính về Dự thảo này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có lưu ý đến chính sách khuyến mại, giảm giá, chiết khấu.

Theo đó, Điều 28.3 của Luật Giá quy định: “Nội dung kê khai giá gồm mức giá gắn với tên, chủng loại, xuất xứ (nếu có), chỉ tiêu chất lượng (nếu có) và nguyên nhân điều chỉnh giá bán giữa các lần kê khai.

Tuy nhiên, tại Phụ lục 6 của Dự thảo về Mẫu văn bản kê khai giá đã yêu cầu DN phải kê khai thêm cả nội dung về chính sách khuyến mại, giảm giá, chiết khấu. Cụ thể là “Ghi rõ các chính sách và mức khuyến mại, giảm giá hoặc chiết khấu đối với các đối tượng khách hàng, các điều kiện vận chuyển, giao hàng, bán hàng kèm theo mức giá kê khai (nếu có).

Phía VCCI đã đề nghị cơ quan soạn thảo loại bỏ nội dung này tại Phụ lục. Bởi lẽ, việc Phụ lục yêu cầu thêm nội dung này trái với Điều 28.3 của Luật Giá. Hơn nữa, không phải trường hợp nào DN cũng chuẩn bị chính sách khuyến mại, giảm giá, chiết khấu.

“Nhiều trường hợp, DN có thể đưa ra biện pháp khuyến mại, giảm giá, chiết khấu cho khách hàng ngay trong quá trình đàm phán từng giao dịch với từng khách hàng. Điều này không nhất thiết cần được lập thành chính sách bán hàng chung, mà sẽ được quyết định từng thời điểm, từng trường hợp. Nếu yêu cầu DN phải kê khai sau mỗi giao dịch như vậy sẽ là không cần thiết và không khả thi”, phía VCCI chỉ rõ bất cập.

Không những vậy, quy định như nêu trên có thể sẽ khiến DN ngại khuyến mại, giảm giá, chiết khấu cho khách hàng, và có thể dẫn đến không đạt được thỏa thuận bán hàng, kết quả là làm tăng chi phí và thời gian giao dịch, làm chậm tốc độ lưu thông hàng hóa, dịch vụ, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

Nói chung, nhìn từ những khúc mắc trong chính sách quản lý điều hành giá xăng dầu trong nước cho đến những bất cập trong Luật Giá 2023, để từ đó khi xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu hay Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của luật Giá 2023 thì rất cần tháo gỡ cho được những nút thắt. Có như vậy mới giúp cho thị trường tiêu dùng được “dễ thở” hơn, đảm bảo được hài hòa lợi cho người tiêu dùng và cho DN.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/thao-go-nut-that-trong-chinh-sach-quan-ly-gia-de-thi-truong-tieu-dung-de-tho-hon-1099095.html