Thành phố Hồ Chí Minh: Thúc đẩy quyền của đồng bào dân tộc thiểu số

Thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị đa dân tộc, trong thời gian qua, triển khai quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về quyền của đồng bào dân tộc thiểu số, thành phố đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần bảo vệ và thúc đẩy toàn diện quyền của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Ban Dân tộc TP. Hồ Chí Minh tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân tích cực tham gia công tác chăm lo, thực hiện chính sách dân tộc năm 2023. (Nguồn: sggp.org.vn)

Bảo đảm các quyền phát triển

Một trong những quyền được Thành phố quan tâm trong nhiều năm quá đó là quyền được đào tạo, bồi dưỡng, qui hoạch cán bộ người dân tộc thiểu số trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn đẩy mạnh khuyến khích, thu hút cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số tại các địa phương; tổ chức nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức là người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị, trước tiên là đội ngũ lãnh đạo, quản lí các cấp được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn, nghiệp vụ.

Công tác bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số được thực hiện theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan và công khai, minh bạch, tạo động lực để người dân tộc thiểu số có trình độ, năng lực phấn đấu vươn lên.

Ngày 18/7/2022, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Kế hoạch số 136-KH/TU về đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, tạo nguồn và phát huy đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022-2030.

Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số đang từng bước được nâng lên, tính đến tháng 5/2023, Thành phố có 2.249 biên chế là người dân tộc thiểu số trên 96.095 biên chế của Thành phố, chiếm tỷ lệ 2,34%; trong đó, đảng viên có 773 người, cán bộ giữ chức danh lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh có 33 người, cấp huyện có 268 người, cấp xã có 1.948 người.

Để tăng cường năng lực cho người lao động dân tộc thiểu số tiếp cận thị trường lao động, Thành phố đã ban hành nhiều chính sách về dạy nghề, giải quyết việc làm như Quyết định số 3639/QĐ-UBND ngày 16/7/2012 của UBND Thành phố về đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong lĩnh vực phi nông nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2020, Quyết định số 2904/QĐ-UBND ngày 13/7/2019 về phê duyệt Đề án đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020-2024... nhằm khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số yên tâm trong việc chủ động lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng, trình độ văn hóa và phù hợp với tín ngưỡng tôn giáo của dân tộc mình.

Tác động từ những chính sách trên, hằng năm đã có trên 10.000 lao động được giải quyết việc làm, trong đó có gần 1.000 lao động người dân tộc thiểu số, giúp công tác giảm nghèo Thành phố đạt những kết quả quan trọng.

Hiện nay, Thành phố không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo dân tộc thiểu số có thu nhập theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020. tỷ lệ hộ được tiếp cận Internet của đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 88% tổng số hộ dân tộc thiểu số.

Trong số 9 dân tộc thiểu số có dân số trên 1.000 người hiện đang sinh sống tại Thành phố, dân tộc Tày có tỷ lệ hộ sử dụng Internet cao nhất (100%), tiếp đến là dân tộc Thái (98,4%) và thấp nhất trong nhóm này là dân tộc Chăm (82,8%).

Ngoài ra, Thành phố cón đặc biệt chăm lo đến các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo làm phong phú đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Hiện có 14 hội quán, 39 đền thờ Họ; 60 đoàn, đội, nhóm, câu lạc bộ văn hóa-nghệ thuật đồng bào Hoa; 18 thánh đường, tiểu thánh đường Hồi giáo của đồng bào Chăm; 2 chùa Phật giáo Nam Tông của đồng bào Khmer... Hội Dân tộc học Thành phố đặc biệt chú trọng hoạt động văn hóa, giáo dục trong sinh viên dân tộc.

Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Thành phố có nhiều chương trình hoạt động phong phú, xuất bản nhiều ấn phẩm văn hóa dân tộc.

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số đạt được những kết quả nhất định, đời sống về văn hóa của đồng bào đã có bước phát triển, cải thiện rõ rệt; các thiết chế văn hóa được tăng cường; các hoạt động văn hóa, giao lưu được tổ chức hằng năm; lễ hội truyền thống tiêu biểu của đồng bào được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Nguyên tiêu của người Hoa Quận 5, các lễ hội trong vòng đời của người Chăm, Khmer như lễ cưới, lễ Ok Om Bok, đua ghe Ngo, Tết Chol Chnam Thmay... được hỗ trợ đầu tư phục dựng bảo tồn, gắn với phát triển du lịch.

Tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc được bảo tồn thông qua chính sách khuyến khích việc dạy và học ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở địa bàn có đông người dân tộc thiểu số sinh sống như chính sách hỗ trợ giáo viên người dân tộc thiểu số thực hiện nhiệm vụ giảng dạy tiếng dân tộc với mức hỗ trợ bằng 0,5 lần mức lương cơ bản; biên soạn 3 Bộ tài liệu dạy và học tiếng Hoa, Khmer, Chăm cho cán bộ, công chức, viên chức và đồng bào người Hoa, Khmer, Chăm tại Thành phố.

Đại diện quận 5 trao phương tiện sinh kế cho các hộ gia đình người Hoa khó khăn trên địa bàn (Nguồn: sggp.org.vn)

Bảo đảm quyền chăm sóc y tế và giáo dục

Các chương trình y tế cộng đồng, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc thiểu số luôn được ngành y tế quan tâm, đặc biệt là tạo điều kiện cho người dân có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được kiểm tra, chăm sóc sức khỏe, tư vấn giáo dục sức khỏe và theo dõi việc điều trị xuyên suốt, lâu dài, qua đó góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về công tác chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bệnh cho cộng đồng.

Nhiều chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số đã được triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao như hỗ trợ dinh dưỡng cho các cháu nhà trẻ, mẫu giáo và học sinh tiểu học để cải thiện tầm vóc, sức khỏe thanh, thiếu niên các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020 và ban hành cơ chế hỗ trợ từ ngân sách thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018-2020.

Cấp sổ khám bệnh miễn phí cho các hộ nghèo, mua bảo hiểm y tế học đường cho 100% học sinh Khmer, Chăm bậc tiểu học và trung học cơ sở; mua bảo hiểm tai nạn, BHYT cho người già, neo đơn là người Khmer, Chăm; hỗ trợ thêm 30% tiền mua thẻ BHYT cho hộ cận nghèo từ Quỹ kết dư BHYT.

Bên cạnh đó, Thành phố đã triển khai các chương trình giảm nghèo bền vững, các chính sách cho hộ mới thoát mức chuẩn nghèo, trong đó có chính sách hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh BHYT, thực hiện cấp, mua thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2021-2025.

Hằng năm, các sở, ngành cùng UBND Thành phố Thủ Đức và quận, huyện tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn của Thành phố, hộ khó khăn, người già neo đơn, công nhân, sinh viên khó khăn.

Cấp ủy, chính quyền các cấp rất quan tâm đến công tác phổ cập giáo dục, nâng cao trình độ học vấn cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Mạng lưới trường lớp đã được qui hoạch, phát triển đều khắp, tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ổn định hay nhập cư đều được đến trường thuận lợi hơn, tỷ lệ phổ cập mầm non đối với trẻ 05 tuổi và tỷ lệ trẻ em 6 tuổi vào lớp một đạt 100%.

Thành phố đã phê duyệt ban hành nhiều chủ trương, chính sách đặc thù phù hợp với yêu cầu ổn định và phát triển toàn diện cho đồng bào dân tộc thiểu số như: chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho học viên cao học, nghiên cứu sinh là người dân tộc thiểu số; chính sách vay vốn tín dụng đối với học sinh, sinh viên nghèo; chính sách miễn học phí đối với học sinh dân tộc Chăm và Khmer đang học từ mẫu giáo đến Trung học phổ thông; chính sách về hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo và hộ cận nghèo theo qui định của Thành phố tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học...

Cùng với đó, Thành phố thực hiện tốt công tác khuyến học, phát huy nguồn lực xã hội hóa để cấp học bổng, hỗ trợ học phí học đại học và sau đại học trong đồng bào Hoa.

Qua đó, các gia đình dân tộc thiểu số ngày càng có ý thức xem trọng đầu tư giáo dục văn hóa cho con em; trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi đi học đều được đến trường; nhiều học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số vượt khó, vươn lên và đạt thành tích tốt trong học tập, nhiều người có hai bằng đại học, có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

Những thành tựu về bảo đảm và thúc đẩy quyền của đồng bào dân tộc thiểu số trên tất cả các lĩnh vực là động lực, là tiền đề để Đảng bộ, chính quyền Thành phố thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Ban Dân tộc TP. Hồ Chí Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-thuc-day-quyen-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-267099.html