Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

Nằm trong xu thế phát triển chung, vấn đề liên kết vùng, liên kết ngành là định hướng quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là một trong những vấn đề được TP.HCM đặc biệt coi trọng, xem đây là một trong những nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển.

Thúc đẩy liên kết vùng để phát huy vai trò đầu tàu

Liên kết phát triển vùng là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng trong quá trình phát triển đất nước. Riêng với khu vực Đông Nam Bộ, chủ trương này được nêu rõ trong Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Với vai trò đầu tàu kinh tế của Việt Nam, TP.HCM đã xác định rõ mục tiêu định hướng trong phát triển, được nêu rõ tại Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trong đó, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được nhắc tới gồm có việc chủ động thúc đẩy liên kết vùng, phát huy vai trò nòng cốt, đầu tàu của Thành phố trong liên kết phát triển nhằm thực hiện các đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực, không gian phát triển mới cho vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực, địa phương trong cả nước.

Dự án nút giao An Phú là điểm giao giữa các trục giao thông lớn kết nối các vùng kinh tế khu vực Đông Nam Bộ.

Tầm quan trọng và lợi ích từ việc liên kết vùng cũng được nhắc tới tại Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Qua việc liên kết vùng, TP.HCM là địa phương được tiếp nhận và thụ hưởng nhiều từ các kết quả hợp tác, mở ra không gian phát triển mới, với nhiều ý tưởng sáng tạo, kinh nghiệm và mô hình phát triển kinh tế của địa phương.

Phát biểu tại hội nghị này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết: “Để phát triển vùng trong thời gian tới, TP.HCM xác định 7 nội dung cần đẩy mạnh như hợp tác quy hoạch, kết nối cung cầu, giao thông hạ tầng công nghiệp, hạ tầng dịch vụ; thích ứng với biến đổi khí hậu...”.

Nhận định này cho thấy, vấn đề hạ tầng giao thông là yếu tố đang được đặt nhiều tâm sức để thúc đẩy việc phát triển kinh tế vùng. Tại Hội Báo Toàn quốc 2024, vấn đề hạ tầng cũng được Chủ tịch UBND TP.HCM nhắc đến khi nói đến các đột phá chiến lược của Thành phố.

Bước tiến trong việc tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng

Nhưng bên cạnh yếu tố liên kết vùng, hạ tầng cũng là một trong những điểm nghẽn của TP.HCM đang cần được tháo gỡ.

Từ việc xác định rõ điểm nghẽn của việc phát triển hạ tầng, thời gian qua TP.HCM đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm như: Dự án Vành đai 3, Dự án Vành đai 4, Dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, Dự án Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, nút giao An Phú...

Bên cạnh nỗ lực của chính quyền, TP.HCM cũng dự tính áp dụng các cơ chế mới đã được Thủ tướng cho phép để thúc đẩy tiến độ của các dự án. Trong đó có cơ chế triển khai đồng thời một số công việc liên quan bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từ giai đoạn chuẩn bị dự án. Khi áp dụng cho các công trình nhóm A (có dự án thành phần giải phóng mặt bằng) có thể đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn 1 - 1,5 năm so với quy trình cũ.

Dự án đường sắt đô thị Metro số 1 dự kiến đưa vào khai thác thương mại vào tháng 7/2024.

Cùng với đó, Thành phố cũng phối hợp với các địa phương để mở rộng các tuyến cao tốc đang vận hành nhằm thúc đẩy kết nối vùng kinh tế - xã hội. Kết hợp với chiến lược “lột xác” hạ tầng giao thông, TP.HCM còn triển khai các hoạt động liên kết đầu tư, thúc đẩy sản xuất tiêu thụ hàng hóa dịch vụ với các tỉnh thành trong khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên… Qua đó, làm gia tăng mối liên kết vùng để tạo đà phát triển cho Thành phố.

Đánh giá về bức tranh toàn cảnh trong việc phát triển hạ tầng thúc đẩy liên kết vùng tại TP.HCM, TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc đầu tư của Savills Việt Nam nhận định, các dự án giao thông như Vành đai 3, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu được khởi công là một tín hiệu đáng mừng giúp giải quyết những tắc nghẽn trong liên kết vùng giữa TP.HCM và các địa phương vùng kinh tế Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Các dự án này sẽ giúp làm tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm hàng hóa được sản xuất và xuất khẩu trong khu vực.

Ngoài ra, khi nhìn từ câu chuyện sản xuất, thương mại và logistics, chuyên gia Savills cho biết, từ trước đến nay việc kết nối giữa TP.HCM và các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long thuộc các tỉnh Đông Nam Bộ chủ yếu dựa vào những con đường độc đạo, đường quốc lộ truyền thống. Các con đường này thường xuyên trong tình trạng quá tải. Do đó, các dự án Vành đai 3, Vành đai 4 hình thành trong tương lai sẽ giúp việc vận chuyển hàng hóa liên vùng thuận tiện hơn.

“Bên cạnh đó, Sân bay Long Thành sẽ trở thành điểm trung chuyển cho hai tuyến đường vành đai này. Sự kết hợp giữa các công trình giao thông sẽ rút ngắn thời gian cũng như tiết kiệm chi phí, từ đó thúc đẩy vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi các nước trong khu vực” - ông phân tích.

Lê Phong

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-thao-go-diem-nghen-ha-tang-de-thuc-day-lien-ket-vung-post293134.html