Thành phố Bắc Kạn phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng đô thị văn minh

74 năm đã trôi qua, sự kiện là thị xã đầu tiên trong cả nước được giải phóng vẫn là dấu mốc lịch sử vẻ vang, là hành trang để thành phố Bắc Kạn hôm nay vững bước đi lên trong sự nghiệp đổi mới.

Một góc thành phố Bắc Kạn hôm nay.

Một góc thành phố Bắc Kạn hôm nay.

Lịch sử trăm năm hình thành và phát triển

Ngày 11/4/1900, ngay sau khi thực dân Pháp chiếm được vùng đất Bắc Kạn, toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã ra nghị định thành lập tỉnh Bắc Kạn, tách khỏi tỉnh Thái Nguyên. Khi đó toàn tỉnh chỉ có 5 châu, 20 tổng và 103 xã với dân số 36.000 người. Ngày 22/01/1901, thị xã Bắc Kạn được thành lập, là tỉnh lỵ của tỉnh Bắc Kạn. Các cơ quan đầu não của bộ máy chính quyền thực dân, phong kiến đều đóng tại đây.

Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ thành phố Bắc Kạn, khi ấy, quy mô thị xã rất nhỏ hẹp, từ đầu phố đến cuối phố chỉ gần 1km, rộng khoảng 500m với hơn 100 người sinh sống. Về sau, dân số của 3 khu phố chính nay là các phường Đức Xuân, Phùng Chí Kiên và Sông Cầu cũng chỉ có tổng số dân khoảng 200 người.

Trong suốt những năm 1943 – 1946, thị xã Bắc Kạn nằm dưới tầm kiềm tỏa của thực dân Pháp và quân Nhật. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ cả phía Bắc và phía Nam của tỉnh, góp phần tích cực cho công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa ở thị xã. Sau khi nổ súng hất cẳng Pháp khỏi Bắc Kạn, quân Nhật tiếp tục lùng sục, khủng bố gắt gao hòng tiêu diệt phong trào cách mạng tại địa phương. Quân ta đẩy mạnh chiến tranh du kích, khiến địch co cụm về thị xã Bắc Kạn. Lực lượng vũ trang cách mạng áp sát thị xã. Người dân tại đây đã tích cực quyên góp ủng hộ Việt Minh về lương thực, quần áo… Quân Nhật không còn dám đi lại nghênh ngang như trước…

Đầu tháng 8/1945, Chiến tranh thế giới thứ 2 bước vào giai đoạn kết thúc. Hưởng ứng thư kêu gọi của lãnh tụ Hồ Chí Minh và mệnh lệnh tổng khởi nghĩa của Đảng, quân và dân vùng Việt Bắc sục sôi khí thế. Quân Nhật vô cùng hoang mang sợ hãi, muốn điều đình với ta để rút lui. Sáng 19/8/1945, đại diện Quân giải phóng và đại diện quân Nhật đã gặp nhau tại sân bay thị xã. Theo thỏa thuận, ngày 21/8/1945, các cánh quân giải phóng và quần chúng tiến vào thị xã, tiếp quản các công sở, kho tàng của quân Nhật. Ngày 23/8/1945, quân Nhật chính thức rút khỏi thị xã Bắc Kạn để về Hà Nội. Ngay trong ngày hôm đó, Tỉnh ủy lâm thời triệu tập Hội nghị bầu Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời của huyện Bạch Thông và thị xã Bắc Kạn. Thị xã Bắc Kạn chính thức sạch bóng quân thù, là địa phương đầu tiên của cả nước được giải phóng. Sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn, mở ra một thời kỳ mới cho chính quyền và người dân thị xã trên chặng đường đấu tranh, xây dựng và phát triển.

Sau Cách mạng tháng Tám không lâu, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Đêm 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Ngày 07/10/1947 quân Pháp nhảy dù xuống chiếm thị xã Bắc Kạn. Quân và dân Bắc Kạn tiếp tục hiệp đồng với các đơn vị bộ đội chủ lực để tác chiến với địch trên các mặt trận. Đặc biệt là các trận đánh trên đường số 3; đánh đồn Phủ Thông... Quân Pháp mất dần thế chủ động, co cụm lại cố thủ tại các cứ điểm đã chiếm đóng. Địch thấy ta chuẩn bị vũ khí và lực lượng để áp sát giải phóng thị xã Bắc Kạn nên rất lo lắng. Ngày 09/8/1949 chúng tổ chức một cuộc cướp phá trong thị xã, rồi theo đường số 3 rút lên Cao Bằng. Quân địch ở Phủ Thông và Ngân Sơn cũng tháo chạy, thị xã Bắc Kạn được giải phóng. Ngày 24/8/1949 tại sân bay Cầu Phà diễn ra cuộc mít tinh lớn chào mừng thị xã Bắc Kạn và tỉnh Bắc Kạn được giải phóng.

Sau khi được giải phóng, trong suốt hai cuộc kháng chiến chống đế quốc và thực dân xâm lược, thị xã Bắc Kạn luôn tích cực đóng góp sức người, sức của, vừa tích cực tham gia chiến đấu, vừa là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến. Góp phần cùng cả nước giải phóng miền Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cùng với quá trình nhiều lần chia tách và sáp nhập, ngày 01/01/1997, cùng với việc tỉnh Bắc Kạn tái lập, thị xã Bắc Kạn trở thành thị xã trung tâm tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Bắc Kạn. Đây là mốc son quan trọng đánh dấu sự khởi đầu mới cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã.

Ngày 31/5/1997, Chính phủ ban hành Nghị định số 56-CP theo đó thị xã Bắc Kạn được mở rộng, tiếp nhận thêm 4 xã và 1 thị trấn từ huyện Bạch Thông chuyển sang, đưa số đơn vị hành chính trực thuộc thị xã lên 8 xã, phường với diện tích 12.972ha và hơn 28.000 nhân khẩu.

Tiếp nối chặng đường phát triển

Mặc dù xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng hầu như chưa có gì, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân thị xã Bắc Kạn vẫn đoàn kết, chung tay thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Sau 15 năm tái lập tỉnh, diện mạo đô thị thị xã Bắc Kạn đã được quy hoạch tập trung, khang trang và hiện đại hơn. Với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị… ngày 02/8/2012, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 713/QĐ-BXD công nhận thị xã Bắc Kạn là Đô thị loại III trực thuộc tỉnh Bắc Kạn.

Thương mại, dịch vụ của thành phố Bắc Kạn phát triển mạnh mẽ.

Thương mại, dịch vụ của thành phố Bắc Kạn phát triển mạnh mẽ.

Tiếp đà vươn lên, cán bộ, đảng viên và Nhân dân thị xã Bắc Kạn ra sức thi đua, phát huy lợi thế và tiềm năng, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để kiến thiết đô thị, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống… Ngày 11/3/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 892/NQ-UBTVQH13 về việc thành lập các phường Xuất Hóa, Huyền Tụng thuộc thị xã Bắc Kạn và thành lập thành phố Bắc Kạn trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, nhân khẩu và 08 đơn vị hành chính của thị xã Bắc Kạn.

Cùng với sự phát triển của tỉnh sau 26 năm tái lập, là trung tâm tỉnh lỵ, thành phố Bắc Kạn đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn thử thách, đạt được những thành tựu quan trọng. Diện mạo đô thị ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại.

Thương mại - dịch vụ - du lịch và sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh phát triển về quy mô và nâng cao chất lượng hoạt động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 đạt 3.531 tỷ đồng. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022 đạt 515 tỷ đồng. Nông - lâm nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa và ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đến nay, thành phố Bắc Kạn được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới với 19 thôn/24 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới. Thành phố tiếp tục chỉ đạo xã Dương Quang, Nông Thượng xây dựng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, hướng đến xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã, tổ hợp tác được khuyến khích phát triển. Hiện thành phố có 52 hợp tác xã và 01 chi nhánh HTX. Thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, thành phố có 34 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (trong đó 16 sản phẩm 4 sao, 18 sản phẩm 3 sao). Công tác thu, chi ngân sách được quan tâm, năm 2022 đạt 153,1 tỷ đồng.

Công tác quy hoạch, quản lý đô thị được chú trọng và ngày càng đi vào nền nếp. Thành phố thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư dự án khu đô thị mới. Thương mại dịch vụ phát triển mạnh mẽ, hệ thống nhiều siêu thị, chợ dân sinh, trung tâm thương mại mọc lên, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân. Hệ thống giao thông đô thị tiếp tục được đầu tư hoàn chỉnh khang trang. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, hoạt động văn hóa thể thao được quan tâm. Quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định… Công tác CCHC và chuyển đổi số được tập trung thực hiện theo kế hoạch đề ra. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình cấp thành phố là 61,89%. Công tác xây dựng đảng, củng cố chính quyền được chú trọng. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025 chỉ còn chiếm 2,33%.

Đặc biệt, ngày 25/10/2022 thành phố được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển thành phố Bắc Kạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 29-NQ/TU). Thực hiện hiệu quả Nghị quyết sẽ góp phần tạo động lực giúp xây dựng thành phố trở thành đô thị xanh - sạch - văn minh, hoàn thành các tiêu chí và được công nhận là đô thị loại II, xứng với vị trí trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh./.

Đăng Bách

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/thanh-pho-bac-kan-phat-huy-truyen-thong-cach-mang-xay-dung-do-thi-van-minh-post55046.html