THÀNH LẬP QUỸ CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH CÓ Ý NGHĨA CHIẾN LƯỢC ĐỂ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH

Thảo luận về Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, đa số các đại biểu tán thành với việc thành lập Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh nhằm hỗ trợ ngân sách nhà nước phục vụ cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, là giải pháp, cơ chế đặc thù, vượt trội, có ý nghĩa chiến lược, nhất là trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có tính cấp bách, nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt, có tính rủi ro cao.

Sáng 27/3, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội Hoạt động chuyên trách lần thứ 5, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận về Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận về Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách về công nghiệp quốc phòng, an ninh, động viên công nghiệp

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ thống nhất với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, đồng thời đánh giá cao trách nhiệm, sự tích cực, chủ động và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Dự thảo Luật đã bám sát, thể chế hóa được đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; tiếp thu nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 và góp ý của các cơ quan hữu quan; đề xuất nhiều cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội trong xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Theo đại biểu Đoàn Thị Hảo – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, so với dự thảo Luật Chính phủ trình đã được tiếp thu đầy đủ, toàn diện các ý kiến đóng góp, chỉnh lý và bổ sung rất nhiều nội dung, đặc biệt là những chính sách đặc thù rất quan trọng và rất cần thiết để đảm bảo yêu cầu về xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại.

Đại biểu Đoàn Thị Hảo – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên.

Các chính sách đặc thù, vượt trội để phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh trong dự thảo luật là cơ hội để tạo điều kiện cho công nghiệp quốc phòng và an ninh phát triển, nâng cao tiềm lực công nghiệp quốc phòng, an ninh cũng như chính sách động viên công nghiệp, phát huy tự lực tự cường trong phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu đã được đề ra trong Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo “công nghiệp quốc phòng là ngành đặc thù phải được chăm lo, xây dựng và phát triển theo một cơ chế đặc thù, ngành đặc thù, cơ chế đặc thù và được ưu tiên trong đầu tư, phát triển và coi trọng phát triển nguồn lực khoa học, công nghệ, huy động tối đa thành tựu của nền công nghiệp quốc gia phục vụ công nghiệp quốc phòng”.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cũng bày tỏ đồng tình, thống nhất cao với nhiều nội dung được bổ sung, chỉnh lý nhằm mở rộng phạm vi, đối tượng, lĩnh vực động viên công nghiệp, trong đó đã mở rộng huy động các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; về lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp; về sản phẩm động viên công nghiệp, về sản xuất vật tư phục vụ quốc phòng, an ninh; mở rộng về đối tượng sử dụng sản phẩm, đồng thời mở rộng chuẩn bị động viên công nghiệp từ thời bình. Đại biểu hoan nghênh các chính sách này trong dự thảo Luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho rằng dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trình các đại biểu tại Hội nghị lần này đã được tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung nhiều nội dung, đặc biệt là các cơ chế, chính sách quan trọng và cần thiết để đảm bảo tính khả thi của dự thảo Luật cũng như yêu cầu ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp.

Thành lập Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh có ý nghĩa chiến lược để phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh

Về việc thành lập Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh, đây là nội dung được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm. Theo dự thảo Luật, Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở trung ương, do Chính phủ quản lý để hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách hoặc nghiên cứu, phát triển sản phẩm quốc phòng, an ninh có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt, có tính mới, rủi ro cao.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh hiện đang đưa ra 2 phương án. Phương án 1: đề xuất hình thành Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh, dự thảo Luật bổ sung 1 Điều (Điều 20 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý) quy định về Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh. Phương án 2: không quy định về Quỹ phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh vì chưa phù hợp với chủ trương hạn chế hình thành các quỹ tài chính ngoài ngân sách.

Đa số các đại biểu tán thành với phương án 1 là thành lập Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh và cho rằng, việc việc hình thành một quỹ tài chính nhằm hỗ trợ ngân sách nhà nước phục vụ cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh là giải pháp, cơ chế đặc thù, vượt trội, có ý nghĩa chiến lược, nhất là trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có tính cấp bách, nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt, có tính rủi ro cao.

Đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng.

Đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, để đáp ứng yêu cầu tăng cường tiềm lực quốc phòng bảo vệ Tổ quốc phải cần có các cơ chế để huy động nguồn lực cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, nhất là các nhiệm vụ cấp bách hoặc nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm mới, công nghệ cao, có tính rủi ro lớn, trong khi đó, nguồn ngân sách quốc phòng, an ninh chủ yếu được sử dụng để đầu tư mua sắm, nâng cấp vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ mà ít được bố trí cho hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm.

Để tiếp cận nhanh với nền khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, tiệm cận với các nước có nền công nghiệp quốc phòng phát triển, đại biểu Nguyễn Tạo thống nhất việc bổ sung quy định về Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, tăng tính chủ động, linh hoạt trong bố trí nguồn lực, để các chuyên gia, nhà khoa học tập trung nghiên cứu phát triển, sản xuất sản phẩm mới, công nghệ cao phục vụ nền công nghiệp quốc phòng, an ninh của nước nhà.

Đại biểu cũng cho rằng Điều 20 dự thảo Luật quy định Chính phủ thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh là cần thiết để đảm bảo việc sử dụng quỹ đúng mục đích, công khai, minh bạch.

Các đại biểu dự Hội nghị.

Đại biểu Đoàn Thị Hảo – Đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho rằng, việc hình thành Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh, là một trong những cơ chế, chính sách đặc thù, nhằm huy động các nguồn lực cho xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đồng thời nguồn hình thành quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh rất cụ thể, rõ ràng và có tính khả thi, nhất là khoản trích lập từ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp và nguồn được cấp có thẩm quyền quyết định.

Đại biểu bày tỏ đồng tình với phương án 1 cần quy định Quỹ này trong dự thảo Luật, tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị cần tiếp tục rà soát các quy định về nguồn vốn hình thành, nhiệm vụ chi để đảm bảo thống nhất với các quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH ngày 22/10/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách Nhà nước./.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Quang cảnh Hội nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận về Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Các đại biểu dự hội nghị.

Đại diện Lãnh đạo Bộ Quốc phòng dự Hội nghị.

Thảo luận tại Hội nghị, đa số các đại biểu tán thành với phương án 1 là thành lập Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế phát biểu tại Hội nghị.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang - ĐBQH tỉnh Đắk Nông.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - ĐBQH thành phố Hà Nội.

Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị.

Đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận.

Trọng Quỳnh - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85681