Thăng trầm Làng nghề Dệt chiếu Long Định

Sản phẩm chiếu của Làng nghề Dệt chiếu Long Định (xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) nổi tiếng có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, từng được xuất khẩu ra nước ngoài. Trải qua bao khó khăn, thăng trầm, không ít người dân làng nghề vẫn bám trụ với nghề, thổi hồn vào từng chiếc chiếu với mong muốn giữ được nét văn hóa truyền thống của người Việt.

LÀNG NGHỀ THỜI HƯNG THỊNH

Làng nghề Dệt chiếu Long Định được hình thành cách đây hơn 50 năm, do các cư dân vùng chiếu nổi tiếng ở Kim Sơn - tỉnh Ninh Bình và các tỉnh phía Bắc di cư vào Nam đem vào. Vì thế, kỹ thuật dệt chiếu ở đây cũng có nhiều nét khác biệt so với kỹ thuật làm chiếu của các làng nghề dệt chiếu trong miền Nam. Chiếu Long Định dày dặn, có màu sắc tươi tắn, hoa văn sắc nét.

Người dân Làng nghề Dệt chiếu Long Định đang dệt chiếu.

Người dân Làng nghề Dệt chiếu Long Định đang dệt chiếu.

Theo nhiều hộ dân có thâm niên ở Làng nghề Dệt chiếu Long Định, vào thời điểm công nhận Làng nghề Dệt chiếu Long Định (năm 2023) phát triển ở 5 ấp, gồm: Ấp Mới, ấp Khu phố Lương Minh Chánh, ấp Kinh 2A, ấp Tây I và ấp Long Hòa B), với 390 hộ và hơn 1.000 lao động chuyên dệt chiếu, cùng hơn 1.000 người làm gia công ở các ấp lân cận trong và ngoài xã giáp ranh.

Sản phẩm của Làng nghề Dệt chiếu Long Định phong phú và đa dạng về hình dáng cũng như mẫu mã. Chiếu Long Định có các loại, gồm chiếu trắng, chiếu hoa, chiếu màu và chiếu cói. Đặc biệt, làng nghề còn có chiếu lác truyền thống nổi tiếng dày, bền, nằm vừa êm lại thoáng mát, giá phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng, nên được nhiều khách hàng ưa chuộng. Nhất là vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm số lượng chiếu lác truyền thống tiêu thụ tăng cao so với ngày thường.

Ngày 5-1-2023, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch 03 về việc bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023 - 2030, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các ngành nghề, làng nghề được bảo tồn và phát triển. Trải qua 50 năm hình thành, nghề dệt chiếu đã trở thành nét đặc trưng riêng của xã Long Định và được UBND tỉnh công nhận Làng nghề Dệt chiếu Long Định từ năm 2003.

Vào thời hưng thịnh, mỗi ngày Làng nghề Dệt chiếu Long Định giao cho thương lái khoảng 5.000 - 6.000 chiếc chiếu. Chiếu Long Định không chỉ được khách hàng nội địa ưa chuộng mà còn được xuất sang các nước khác, nhiều nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhiều hộ trong làng nghề nhờ làm chiếu mà trở nên khá giả.

Để tăng năng suất cũng như đáp ứng nhu cầu các đơn hàng, không ít hộ dân sản xuất chiếu của Làng nghề Dệt chiếu Long Định đã đầu tư, chuyển sang dệt chiếu bằng máy vừa giảm bớt nhân công, vừa cho năng suất cao, chiếu đều đẹp. Tuy nhiên, để có được một chiếc chiếu thành phẩm, người thợ dệt chiếu phải thực hiện rất nhiều công đoạn, cực nhất là khâu chuẩn bị nguyên liệu. Đa số các nguyên liệu làm chiếu được mua từ các tỉnh Long An, Đồng Tháp mang về và chia ra cho nhiều hộ cùng làm.

Người thợ đang tỉ mỉ hoàn thiện thành phẩm.

Người thợ đang tỉ mỉ hoàn thiện thành phẩm.

Chị Trần Thị Lệ Thủy, người làm nghề dệt chiếu lâu năm của Làng nghề Dệt chiếu Long Định chia sẻ: “Nghề dệt chiếu không quá khó, nhưng khá vất vả vì phải trải qua nhiều công đoạn như cắt, phơi, nhuộm, dệt, in hoa văn trang trí... Mỗi ngày, một người thợ lành nghề nếu dệt chiếu bằng máy sẽ làm ra khoảng 10 chiếc chiếu. Sau khi dệt chiếc chiếu hoàn chỉnh, thì chiếu được đem phơi khô, công đoạn tiếp theo là những người thợ gia công sẽ in màu trang trí hoa văn để chiếc chiếu được đẹp mắt, bền màu”.

Nhắc đến Làng nghề Dệt chiếu Long Định không thể không nhắc đến “nghề ăn theo” đó là nghề in chiếu bông. Tại ấp Khu phố Lương Minh Chánh, Làng nghề Dệt chiếu Long Định, hiện chỉ còn vài hộ làm nghề in chiếu bông. Công đoạn in chiếu bông mất khoảng 5 đến 10 phút theo khuôn có sẵn gồm: Rồng, phụng, bông, bướm, chữ song hỷ hoặc logo tên đại lý bán hàng… Việc in chiếu bông còn tùy theo yêu cầu của khách hàng. Công việc đầu tiên để thực hiện in chiếu bông là trộn màu, đây là công đoạn khó nhất; trộn màu xong sẽ quét lên chiếu, sau đó bỏ vào máy hấp khoảng 90 phút màu sẽ nổi lên, với 3 màu chủ đạo gồm xanh, đỏ, vàng.

Anh Vũ Minh Đài, người làm nghề in chiếu bông tại ấp Khu phố Lương Minh Chánh, Làng nghề Dệt chiếu Long Định cho biết: “Cách đây hơn 10 năm, ở làng nghề có gần 20 người in chiếu bông, nhưng hiện nay chỉ còn vài người làm nghề này. Hiện mỗi ngày gia đình tôi in chiếu bông với số lượng khoảng 100 chiếc, so với trước đây là vài trăm chiếc. Công việc in chiếu bông mang lại cho gia đình thu nhập cũng chỉ đủ sống chứ không thể khá giả. Hiện nay, ở Làng nghề Dệt chiếu Long Định, nhiều người cũng đã đổi sang làm chiếu màu, chiếu hai da (nhuộm lác xong dệt thành chiếu) nên việc in chiếu bông cũng giảm đáng kể”.

LÀNG NGHỀ GẶP KHÓ

Nghề dệt chiếu đã từng có thời hưng thịnh, tuy nhiên hiện nay, Làng nghề Dệt chiếu Long Định chỉ còn khoảng 33 hộ theo nghề, với khoảng 100 lao động. Những năm gần đây, làng nghề gặp rất nhiều khó khăn, do không có sẵn nguồn nguyên liệu tại địa phương, người làm nghề phải đi mua lác ở các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp... Đây cũng là nơi cung cấp lác cho nhiều làng nghề khác nên dẫn đến tình trạng nguồn cung không đủ cầu, giá lác tăng cao. Do đó, để tự chủ nguồn nguyên liệu để dệt chiếu, đã có người dân ở Làng nghề Dệt chiếu Long Định từng mua lác về trồng nhưng do khí hậu và thổ nhưỡng không phù hợp nên lác không đạt tiêu chuẩn.

Người thợ đang in chiếu bông.

Người thợ đang in chiếu bông.

Các hộ dân làm nghề dệt chiếu ở Làng nghề Dệt chiếu Long Định cho biết, ngoài khó khăn về việc tìm nguồn nguyên liệu với giá tăng cao thì làng nghề cũng đang gặp khó về nguồn vốn đầu tư trang thiết bị mới, đầu ra không ổn định… làm cho người dệt chiếu ở làng nghề cũng ngày càng ít đi. Ngày càng có nhiều nhân công lao động trẻ của làng nghề bỏ dệt chiếu chuyển sang làm nghề khác để có nguồn thu nhập cao hơn.

Theo chị Trần Thị Lệ Thủy, người gắn bó lâu năm với nghề dệt chiếu ở Làng nghề Dệt chiếu Long Định cho biết: “Khoảng 10 năm trước, gia đình tôi cũng như nhiều gia đình dệt chiếu ở làng nghề sản xuất chiếu bao nhiêu thì thương lái lấy hết bấy nhiêu. Còn bây giờ chiếu được dệt bằng máy đều, mẫu mã đẹp, giá lại rẻ… nhưng tiêu thụ rất chậm, làm cho thu nhập của người làm nghề dệt chiếu cũng giảm đi, từ đó không ít người phải bỏ nghề chuyển sang làm nghề khác”.

Theo Công chức Nông nghiệp - Môi trường xã Long Định Nguyễn Anh Khoa, sản phẩm chiếu dệt thủ công của Làng nghề Dệt chiếu Long Định cũng ngày càng khó cạnh tranh với các sản phẩm chiếu công nghiệp trên thị trường. Hiện các hộ sản xuất chiếu của làng nghề chủ yếu bỏ mối ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang như Cai Lậy, Gò Công, Mỹ Tho, xa hơn là các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long… Số lượng chiếu bán ra cũng rất ít.

So với thời gian trước đây, các cơ sở làm nghề dệt chiếu rất đông, nhưng hiện tại đã giảm đi rất nhiều chỉ còn khoảng 33 hộ sản xuất chiếu, nhưng cũng dệt chiếu cầm chừng để tham gia bảo tồn và duy trì làng nghề. Trong thời gian tới, địa phương kiến nghị huyện, tỉnh hỗ trợ về kinh phí xây dựng nhà kho và sân phơi chiếu cho hộ cơ sở làm nghề dệt chiếu để có điều kiện phơi chiếu; đồng thời, bảo vệ nguồn nguyên liệu làm chiếu được đảm bảo tiêu chuẩn.

Có thể nói, nghề dệt chiếu ở Làng nghề Dệt chiếu Long Định không chỉ là kế sinh nhai của nhiều người, mà còn là làng nghề truyền thống. Làng nghề hiện vẫn còn nhiều thợ bám trụ và giữ được bí quyết dệt chiếu truyền thống, tạo ra những sản phẩm đẹp nức tiếng xa gần. Hy vọng rằng, với sự quan tâm của các cấp, các ngành có liên quan trong việc tập trung đầu tư phát triển các làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới, Làng nghề Dệt chiếu Long Định sẽ được vực dậy đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

S.AN - C.THẮNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202405/thang-tram-lang-nghe-det-chieu-long-dinh-1011053/