Thắng lợi từ quyết định dũng cảm

Chính quyết định dũng cảm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi thay đổi cách đánh vào phút cuối đã quyết định vận mệnh Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đại tướng Lê Trọng Tấn sau này đã nhận xét: 'nếu không có thay đổi trên, cuộc kháng chiến có thể phải chậm mất 10 năm'.

Tôi làm trợ lý cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ năm 1976, khi Đại tướng bắt đầu làm công tác giáo dục sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất. Gần gũi Đại tướng trong khoảng thời gian khá dài, tôi được đọc, nghiên cứu nhiều tài liệu và nghe Đại tướng kể lại, đặc biệt về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Có những câu chuyện, những cân nhắc của Đại tướng không hẳn ai cũng biết.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định mở Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ cuối năm 1953. Ảnh tư liệu

"Nếu đánh theo kế hoạch cũ thì sẽ thất bại"

Khi quyết định mở chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng không nghĩ sẽ tiến hành phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh”, bởi ông hiểu rõ tương quan so sánh lực lượng. Thời điểm ấy, trong kế hoạch của quân đội hai bên đều không hề có tên Điện Biên Phủ.

Sau này, khi Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ, trước khi ra mặt trận Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp được trao cho "toàn quyền", đã phác thảo một kế hoạch dự định tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong vòng 45 ngày (mà thực tế là 56 ngày).

Chiều 12.1.1954, phương án "đánh nhanh, thắng nhanh" được đưa ra tại Hội nghị Đảng ủy mặt trận họp ở hang Thẩm Púa. Dự kiến trận đánh sẽ chỉ diễn ra trong hai ngày, ba đêm. Tuy nhiên, tin tức báo về Sở Chỉ huy cho thấy quân Pháp đang khẩn trương tăng thêm lực lượng và xây thêm nhiều công sự kiên cố, đặc biệt là ở các điểm cao phía đông tập đoàn cứ điểm.

Đại tá Trịnh Nguyên Huân, trợ lý Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ 1976 - 2013. Ảnh: HS

Đại tướng suy xét toàn bộ vấn đề và nói: tôi được biết ở Mường Thanh, quân địch đã có thêm nhiều xe tăng và trên 40 khẩu pháo 105 ly và 155 ly. Ở nhiều cứ điểm, địch đã xây dựng công sự kiên cố. Tôi đặc biệt chú ý hệ thống công sự phụ, những hàng rào dây thép gai và bãi mìn địch không ngừng mở rộng mỗi ngày, có nơi đã rộng tới hơn 100m, thậm chí 200m. Ngày 24.1.1954, Cục 2 báo cáo, trong ngày địch vừa tăng cường cho Điện Biên Phủ thêm một tiểu đoàn, đưa lực lượng lên tới 10 tiểu đoàn (thực tế lúc đó địch đã có 12 tiểu đoàn). Những cứ điểm phía tây, nơi mũi chính Đại đoàn 308 sẽ đột phá, tuy không mạnh như một số cao điểm, nhưng nằm trên cánh đồng trống, bộ đội không có địa hình ẩn náu, địch dễ sử dụng xe tăng, pháo binh, máy bay và lực lượng phản kích đối phó.

Trước những thay đổi quan trọng của tình hình, Đại tướng đã đưa ra quyết định lịch sử: nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới.

Thời điểm đưa ra quyết định, Đại tướng đã thức trắng đêm suy nghĩ. Sáng 26.1.1954, tại Sở Chỉ huy chiến dịch giữa rừng Mường Phăng, các sĩ quan giúp việc cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp ông nghiên cứu bản đồ với một nắm ngải cứu quấn trên đầu. Đại tướng giải thích: mười một ngày qua tôi suy nghĩ rất nhiều, đêm qua tôi không ngủ được. Chiều nay trận đánh sẽ bắt đầu, nhưng những yếu tố chắc thắng thì quân ta chưa hoàn toàn nắm được…

Sau báo cáo của Cục phó Cục Bảo vệ Phạm Kiệt, Đại tướng mời cố vấn Trung Quốc Vi Quốc Thanh sang họp gấp và ra quyết định quan trọng ngay trong buổi sáng hôm đó: theo tôi, nếu đánh theo kế hoạch cũ thì sẽ thất bại… Tôi nhận thấy phải cho các đơn vị rút khỏi trận địa để nghiên cứu một cách đánh khác dù bộ đội có thắc mắc. Phải chuyển từ phương án "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc".

Đó là lúc 11 giờ ngày 26.1.1954, chỉ vài giờ trước khi bộ đội ta nổ súng theo kế hoạch tác chiến cũ.

Chiến thắng ở cách đánh

Sau khi chuyển phương châm tác chiến, Đại tướng có thêm một quyết định quan trọng gây sửng sốt cho cả Bộ Chỉ huy chiến dịch và đoàn cố vấn Trung Quốc: kéo pháo ra, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm "đánh chắc, tiến chắc". Sau này Đại tướng cho rằng đây là “quyết định khó khăn nhất” trong đời cầm quân của mình. Nhiều ý kiến trong cuộc họp Đảng ủy mặt trận nửa giờ sau đó vẫn nghiêng về quyết tâm đánh nhanh, thắng nhanh. Nhưng lý lẽ của vị Tổng tư lệnh dựa trên nguyên tắc cao nhất đã thuyết phục được những vị tướng khác đi đến nhất trí với phương án mới.

Trên chiến trường mọi diễn biến thay đổi rất nhanh, tài cầm quân phải có cái nhìn toàn cục, không cứng nhắc, linh hoạt và mưu trí và phải có quyết sách ngay lập tức. Đó là cái khó mà Đại tướng gặp phải bấy giờ, song ông vẫn vượt qua được. Vào thời điểm đó, nếu đánh lâu dài, Đại tướng phân tích có 3 hạn chế: Thứ nhất, đây là tập đoàn cứ điểm với 8 trung tâm đề kháng mà lần đầu tiên bộ đội ta phải đối phó, trước đó chỉ đánh trong công sự còn rất khó khăn như trận Nà Sản. Thứ hai, là vấn đề lương thực. Thứ ba là kéo pháo. Hơn nữa, đây cũng là lần đầu tiên chúng ta đánh hợp đồng binh chủng, có pháo, cao xạ, bộ binh; chưa hề có tập dượt.

Bằng phương án mới "đánh chắc, tiến chắc", bằng chiến thuật mới là bao vây đánh lấn từng bước, đánh nghi binh, tiêu diệt từng bộ phận địch, tiến dần từ ngoại vi vào trung tâm tập trung binh lực, hỏa lực tạo nên sức mạnh áp đảo. Chúng ta đã phải làm hầm cho pháo, làm trận địa pháo giả để đánh lừa địch; đào hào để bảo toàn lực lượng; chủ động đánh địch bất cứ lúc nào, đánh bất kỳ điểm nào, phát huy sức mạnh, bộ đội ta đã thắng dứt điểm từng trận.

Sau này Đại tướng kể lại những trăn trở trước khi đưa ra quyết định tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ theo phương án mới: "tôi đã hiểu vì sao mọi người đều lựa chọn phương án đánh nhanh. Vấn đề tiếp tế khó khăn chỉ là một lý do. Chúng ta không phải hoàn toàn không có cách khắc phục khó khăn này. Lý do chính là e thời gian chuẩn bị kéo dài, địch sẽ tăng thêm quân, tập đoàn cứ điểm ngày càng mạnh sẽ làm ta mất cơ hội tiêu diệt địch. Nhiều người cho rằng sự xuất hiện lần đầu của lựu pháo và cao xạ sẽ làm quân địch choáng váng. Nhưng chúng ta chỉ có vài ngàn viên đạn".

Chính quyết định dũng cảm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi thay đổi cách đánh vào phút cuối đã quyết định vận mệnh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đại tướng Lê Trọng Tấn sau này đã nhận xét: "nếu không có thay đổi trên, cuộc kháng chiến có thể phải chậm mất 10 năm".

Nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Mac Donald trong công trình mang tên Giáp, một sự đánh giá (1992) đã viết: "điều làm Điện Biên Phủ nổi tiếng chính là ở cách đánh, ở tiến trình phát triển của cuộc chiến cũng như kết cục và những hệ quả mà nó dẫn đến… Tất cả những điều đó đã khiến Điện Biên Phủ trở thành trận đánh quyết định của thời đại và đưa tên tuổi Võ Nguyên Giáp vào sử sách".

Đại tá Trịnh Nguyên Huân

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/thang-loi-tu-quyet-dinh-dung-cam-i369019/