Tham vấn cộng đồng trong quy hoạch và quản lý, sử dụng đất đai

PGS.TS Nguyễn Bá Long, Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và phát triển nông thôn, Trường Đại học Lâm nghiệp cho biết, việc tham vấn (lấy ý kiến) cộng đồng là để tăng cường dân chủ và minh bạch trong quản lý Nhà nước.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):

Cần tham vấn cộng đồng trong quy hoạch và quản lý, sử dụng đất đai. Ảnh: Khánh Huy

Cần tham vấn cộng đồng trong quy hoạch và quản lý, sử dụng đất đai. Ảnh: Khánh Huy

Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS.TS Nguyễn Bá Long, Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và phát triển nông thôn, Trường Đại học Lâm nghiệp cho biết, việc tham vấn (lấy ý kiến) cộng đồng là để tăng cường dân chủ và minh bạch trong quản lý Nhà nước. Việc tham vấn ý kiến cộng đồng trong Luật Thủ đô đã được đề cập ở một số nội dung liên quan tới việc lập quy hoạch, thẩm định quy hoạch phân khu đô thị do nhà đầu tư đề xuất…. Tuy nhiên, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chưa làm rõ được vai trò, địa vị pháp lý của người sử dụng đất, có đất thuộc quy hoạch phải thu hồi đất với ý kiến của cộng đồng dân cư (nói chung).

PGS Nguyễn Bá Long cho biết thêm, tham vấn, lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong quy hoạch, xây dựng, phát triển Thủ đô được nêu trong Điều 21 Luật Thủ đô (sửa đổi) là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, dự thảo mới đề cập tới ý kiến cộng đồng dân cư nói chung mà chưa phân biệt người dân (người sử dụng đất có đất thuộc quy hoạch phải thu hồi đất) với người dân nói chung (người không có đất bị thu hồi). Hai đối tượng này có địa vị pháp lý, quyền lợi liên quan khác nhau. Thực tế, người có đất bị thu hồi sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý, quyền lợi, cuộc sống và sinh kế nếu phải di dời đi nơi khác để triển khai thực hiện công trình, dự án. Trong khi người không có đất bị thu hồi thì không bị ảnh hưởng. Vì vậy, ý kiến đồng thuận của người dân có đất thuộc quy hoạch phải thu hồi rất quan trọng, họ có quyền thể hiện quan điểm đồng ý hay không đồng ý hoặc đưa ra yêu cầu, kiến nghị đối với cơ quan Nhà nước khi lập, thẩm định, phê duyệt, quy hoạch.

Theo PGS Nguyễn Bá Long, căn cứ vào “mục 2 và 4 phần III – Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu” tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rất rõ về việc ưu tiên xây dựng “vành đai xanh”, “không gian xanh”, hướng tới xây dựng “Thủ đô xanh”, trong đó, không gian xanh của rừng Hà Nội có ý nghĩa rất quan trọng và có đặc thù riêng.

Theo kết quả kiểm kê rừng năm 2020, TP Hà Nội có gần 18.850 ha rừng, chỉ chiếm khoảng 5,67% diện tích tự nhiên, trong đó gần 7.600 ha là rừng tự nhiên (chiếm khoảng 40% diện tích rừng, phân bố chủ yếu tại Ba Vì, Mỹ Đức, Sóc Sơn), còn lại là rừng trồng 1. Tuy nhiên, trên 80% diện tích rừng tự nhiên của Hà Nội là rừng nghèo kiệt, phục hồi – rất cần có các biện pháp cải tạo, trồng làm giàu để nâng cao chất lượng rừng.

Rừng ở Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo môi trường cảnh quan, là vành đai, là “lá phổi xanh” bảo vệ môi trường sinh thái cho Thủ đô; Rừng Hà Nội cũng gắn liền với các di tích lịch sử văn hóa quan trọng cần được ưu tiên bảo vệ và là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Nhưng quỹ đất này đang gặp nguy cơ thách thức lớn để giữ được màu xanh như hiện trạng do chuyển đổi mục đích để thực hiện các dự án, homestay trong bối cảnh đất đai Hà Nội được coi là “tấc đất, tấc vàng”.

PGS Nguyễn Bá Long đề xuất bổ sung khoản 1 Điều 21 nội dung “không chuyển đổi mục đích sang mục đích khác, làm giàu rừng, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên nghèo kiệt, rừng tự nhiên phục hồi; chuyển đổi các diện tích rừng trồng Hà Nội thành rừng gần với tự nhiên và gắn với bản sắc văn hóa. Thành phố có chính sách hỗ trợ cho các chủ rừng thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để bảo vệ không gian xanh”.

Các Điều 22, Điều 23, PGS Nguyễn Bá Long đề xuất bổ sung thêm các cụm từ như “cảnh quan rừng và cách trục cảnh quan theo quy hoạch”, “Rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất trên địa bàn Thủ đô”. Từ đó làm căn cứ để bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên, phòng, chống tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Cùng với đó, PGS Nguyễn Bá Long còn góp ý về quy định thời điểm xác định giá đất cụ thể phục vụ bồi thường, công tác quản lý, sử dụng đất đai,…

Kết luận góp ý, PGS Nguyễn Bá Long cho rằng, tham vấn, lấy ý kiến cộng đồng dân cư cần được xem xét, lồng ghép cả trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật nói chung, trong đó có Luật Thủ đô (sửa đổi). Việc tham vấn, lấy ý kiến cộng đồng cần tính tới đặc điểm, địa vị pháp lý, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân có đất thuộc quy hoạch phải chuyển mục đích sử dụng đất và thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, tránh “đánh đồng” vai trò của người sử dụng đất với người dân nói chung trong cộng đồng dân cư.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tham-van-cong-dong-trong-quy-hoach-va-quan-ly-su-dung-dat-dai-347896.html