Tham mưu triển khai hiệu quả cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7

Theo Bộ Nội vụ, các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế cần có các chính sách hỗ trợ phù hợp, ngoài các chính sách chế độ tiền lương chung của công chức, viên chức.

Từ ngày 1/7/2024 sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Đó là một trong những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác quản lý nhà nước ngành nội vụ từ tháng 3 đến tháng 12/2024, được Bộ Nội vụ nêu trong báo cáo phục vụ thẩm tra tình hình kinh tế, xã hội do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì.

Đánh giá bổ sung năm 2023, Bộ Nội vụ cho biết, trong năm tổng số tinh giản biên chế đạt 7.151 người, trong đó Trung ương là 146 người, địa phương là 7.005 người.

Đã có 20/20 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành; 15/15 bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm viên chức nghiệp vụ chuyên ngành.

Theo báo cáo, năm qua Bộ Nội vụ đã tham mưu nhiều nội dung đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài vào hệ thống cơ quan nhà nước; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Trong năm 2023, tổng số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức bị kỷ luật là 17.808 người; số lượng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 10.880 người.

Năm 2024, Bộ xác định ưu tiên toàn diện và tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực nội vụ, trọng tâm là đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả về tổ chức bộ máy, biên chế; công vụ, công chức; xây dựng chính quyền địa phương, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chính quyền cấp xã.

Bộ Nội vụ cũng đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, cơ bản hoàn thiện mô hình chế độ công vụ theo vị trí việc làm; hoàn thiện tiêu chuẩn, chức danh công chức và tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý các cấp. Đổi mới thực hiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền địa phương và bộ, ngành Trung ương.

Triển khai các quy định về chế độ, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài; khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực, phẩm chất, cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách liên thông đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh nhằm xây dựng chung một chế độ công vụ.

Nhiệm vụ tiếp theo là tham mưu trình cấp có thẩm quyền triển khai đồng bộ, thống nhất, toàn diện, hiệu quả thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024 theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Trong đó xây dựng Nghị định về chế độ tiền lương mới đối với đối tượng thuộc thẩm quyền của Chính phủ; phối hợp Ban Tổ chức Trung ương trình Ban Bí thư ban hành quyết định về chế độ tiền lương mới đối với khu vực Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Phối hợp với Ban công tác đại biểu Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về chế độ tiền lương mới đối với đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo nêu.

Về giải pháp, Bộ Nội vụ sẽ rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong của các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo yêu cầu tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và đáp ứng tiêu chí thành lập tổ chức theo quy định của Chính phủ. Mà, trọng tâm là thu gọn đầu mối hành chính và nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập để giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Hoàn thiện chính sách pháp luật về tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, ngành, trong đó xác định rõ số người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tương ứng với mức độ tự chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh xã hội hóa một số dịch vụ công nhất là trong các lĩnh vực có điều kiện, đổi mới hình thức cấp ngân sách nhà nước theo hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ gắn với sản phẩm, chất lượng dịch vụ sự nghiệp công.

Giải pháp nữa là xây dựng đội ngũ công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng ngang tầm nhiệm vụ và sự phát triển của đất nước. Đổi mới công tác quản lý đội ngũ từ khâu tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt, bố trí cán bộ, công chức, viên chức cho đến khâu đánh giá, nhận xét, xếp loại để xây dựng môi trường làm việc năng động, công bằng, dân chủ, thân thiện, đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại và có cơ chế tạo động lực để công chức, viên chức thể hiện năng lực, trách nhiệm, tận tụy, tâm huyết, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện và cống hiến.

Nâng cao chất lượng đội ngũ gắn với cải cách chính sách tiền lương, tiền thưởng và phúc lợi, tổ chức lao động khoa học để bảo đảm sức khỏe cho người lao động (các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế cần có các chính sách hỗ trợ phù hợp, ngoài các chính sách chế độ tiền lương chung của công chức, viên chức), báo cáo nêu.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tham-muu-trien-khai-hieu-qua-cai-cach-chinh-sach-tien-luong-tu-ngay-17-d214117.html