Tham Lương - Bến Cát 'hồi sinh' từng ngày

Một năm trước, nếu có dịp đi dọc bờ kênh Tham Lương - Bến Cát, nhất là đoạn chạy qua các quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Tân, có lẽ hình ảnh nổi bật nhất là dòng nước đen đặc, dọc bờ kênh là những bãi rác ô nhiễm.

Một góc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Nhưng sau gần 1 năm khởi công xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát, “dòng kênh đen” ngày nào từng bước hồi sinh tạo nên một sinh khí mới, với hy vọng Tham Lương một ngày không xa sẽ là Nhiêu Lộc - Thị Nghè thứ 2 của TPHCM.

“Lột xác" từng ngày

Cứ mỗi chiều, ông Hồ Văn Bi, 70 tuổi (đường Phan Huy Ích, quận Tân Bình) vẫn hay dẫn cháu nội ra gần khu vực thuộc gói thầu XL-07, do Tổng công ty Xây dựng số 1 đang thi công để “theo dõi” công nhân làm việc. Theo ông Bi, 2 bờ kênh khu vực này trước kia rất ô nhiễm, trên bờ đủ thứ rác từ các nơi chở đến đổ bỏ, dưới kênh nước đen ngòm do ô nhiễm nguồn nước thải ra từ các nhà xưởng ven kênh…

Thế nhưng, từ khi dự án bắt đầu thi công, máy móc, vật tư tập kết về đây, rác thải sinh hoạt được dọn dẹp sạch sẽ, công nhân ra vào làm việc hàng ngày tạo nên sinh khí mới cho dòng kênh “chết” lâu nay.

“Ngày qua ngày dòng kênh từng bước thay đổi, những cọc bê tông hàng chục mét được cắm xuống, tạo nên một bức tường vững chắc cho bờ kênh, nước cũng bắt đầu đỡ ô nhiễm hơn. Tôi cứ theo dõi sự thay đổi hàng ngày như vậy và cảm thấy rất vui”- ông Bi chia sẻ.

Từ cầu Chợ Cầu (đường Quang Trung, quận Gò Vấp) nơi dòng kênh đi qua, nhìn về phía mặt trời mọc, người dân bắt đầu cảm nhận diện mạo hoàn toàn mới của dòng kênh sau hơn 1 năm thi công. Ngay buổi sáng đầu giờ, nhiều công nhân đã cấp tập làm việc trên công trường, những người lớn tuổi đi tập thể dục buổi sáng cũng “tranh thủ” ghé thăm, theo dõi tiến độ của dự án.

Hình ảnh dòng kênh được khơi thông, không còn ô nhiễm, mang hình hài của một công trình hiện đại, văn minh. Một người dân tại đây chia sẻ, bà con 2 bên bờ kênh sống chung với ô nhiễm hàng chục năm, đi lại khó khăn, nhưng từ khi dự án được khởi công và từng ngày chứng kiến sự đổi thay của dự án, người dân như được “hồi sinh” cùng dòng kênh.

Kênh Tham Lương - Bến Cát đang trong quá trình cải tạo.

Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (giai đoạn 2) được chính thức khởi công ngày 23-2-2023, tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng. Đây là dự án trọng điểm thuộc đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2045. Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên cũng là dự án “điểm” về hạ tầng, chỉnh trang đô thị, giảm thiểu ô nhiễm môi trường của TPHCM.

Vượt mọi khó khăn, đưa dự án về đích

Dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có chiều dài tuyến 32,7km đi qua địa bàn 7 quận, huyện của TPHCM. Dự án này được kỳ vọng giải quyết tiêu thoát nước, chống ngập cho 14.900ha đất của TPHCM, giải quyết ô nhiễm, kết nối hạ tầng giao thông các khu dân cư quanh tuyến kênh, tăng năng lực giao thông đường bộ và đường thủy.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM, trong năm 2023, dự án đã được giao 2.039 tỷ đồng và đã giải ngân đạt 100%. Đây là một trong những "điểm sáng" trong công tác giải ngân vốn đầu tư công của TPHCM. Khi dự án hoàn thành, với chiều dài hơn 32km hướng Nam - Bắc, 2 bờ với chiều dài hơn 64km, sẽ góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông khu vực cửa ngõ phía Tây Nam TPHCM.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Trưởng ban Ban Quản lý dự án cho biết, các nhà thầu đang tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công đối với 10/10 gói thầu các hạng mục xây dựng chính như: kè bờ kênh, hạng mục đường, cầu giao thông; các cống cấp 2, hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh công viên... Đến nay hạng mục xây dựng kè bờ kênh đạt hơn 50%, thi công cọc bê tông ly tâm ứng suất trước đạt trên 40%, xử lý nền đất yếu bằng cọc xi măng đạt hơn 50%.

Đại diện chủ đầu tư cho biết thêm, hiện dự án đang triển khai thực hiện theo kế hoạch, nhưng một số nơi vẫn chưa bàn giao mặt bằng. Do đó, Ban Quản lý dự án kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo các đơn vị liên quan tháo gỡ vướng mắc bàn giao mặt bằng, để triển khai thi công trên địa bàn quận Bình Tân, Tân Bình, 12 và huyện Bình Chánh.

Ban Quản lý kiến nghị Sở TN-MT sớm xem xét tham mưu trình UBND TPHCM chấp thuận bãi đổ bùn, đất nạo vét lòng kênh để chủ đầu tư có cơ sở pháp lý triển khai thi công các hạng mục công trình như đào nền đường, hố móng, hào kỹ thuật, hệ thống thoát nước. Đặc biệt, việc thiếu nguồn vật liệu cát san lấp, cát xây dựng nếu không sớm giải quyết, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ. Bên cạnh đó, chủ đầu tư kiến nghị UBND các quận, huyện liên quan hỗ trợ vận động người dân tháo dỡ, bàn giao mặt bằng.

Trong đợt kiểm tra tiến độ dự án mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã có nhiều chỉ đạo: “Về nguồn cát, nhà thầu phải chủ động tìm nguồn rồi TPHCM hỗ trợ, không thể lấy lý do thiếu cát mà làm chậm tiến độ. Trong quá trình thực hiện, nếu xuất hiện khó khăn cần báo cáo UBND TPHCM để giải quyết gấp.

Với bùn thải ô nhiễm đưa về Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh), bùn có thể san lấp lại được thì tổ chức tạm tại chỗ, số còn lại đưa về Công viên Gò Vấp. Chủ tịch các quận, huyện có dự án đi qua không để tình trạng tái lấn chiếm mặt bằng đã bàn giao.

Đây là công trình lớn, quan trọng nên chủ đầu tư và các bên cần nỗ lực, các bên cần phải ngồi lại lên kế hoạch kỹ lưỡng để đảm bảo tiến độ đến 30-4-2025 khánh thành công trình. Tuy nhiên, đó là mốc tiến độ, nhưng không phải vì đó mà làm ẩu, kém chất lượng".

Hơn 12 năm trước, kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè cũng khác gì kênh Tham Lương -Bến Cát. Còn nay như là một biểu tượng, một hình ảnh đẹp uốn lượn như rồng khi nhìn từ trên cao, giải quyết rất lớn về hạng tầng giao thông. Hy vọng một ngày không xa Tham Lương - Bến Cát cũng sẽ là Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

BÌNH MINH

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/tham-luong-ben-cat-hoi-sinh-tung-ngay-post113493.html