Thái Lan lo ngại khủng hoảng kinh tế

Tuần trước, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin khẳng định, nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á đang trong tình trạng 'khủng hoảng', với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm chỉ khoảng 1,9% trong thập niên qua, thua kém các nước trong khu vực.

Người dân bán đồ ăn ở gần một khu chợ ở Bangkok, Thái Lan. Phần lớn người dân Thái Lan tin rằng nền kinh tế đất nước đang khủng hoảng. Ảnh: AFP

Người dân bán đồ ăn ở gần một khu chợ ở Bangkok, Thái Lan. Phần lớn người dân Thái Lan tin rằng nền kinh tế đất nước đang khủng hoảng. Ảnh: AFP

Ngay lập tức, phát biểu trên khơi dậy cuộc tranh luận ở Thái Lan về việc đất nước có thực sự đang khủng hoảng kinh tế hay không. Một số chuyên gia không đồng tình với nhận định của người đứng đầu chính phủ Thái Lan, nhưng hầu hết người dân ở “xứ sở chùa Vàng” tin rằng đất nước đang rơi vào khủng hoảng kinh tế.

Kết quả cuộc khảo sát của Viện Quản lý phát triển quốc gia Thái Lan (NIDA) công bố hôm 28-1 cho thấy, trong số 1.310 người trưởng thành ở Thái Lan được hỏi, có 63,5% nói rằng nền kinh tế đang khủng hoảng và cần các giải pháp khẩn cấp. 20% tin đất nước đang khủng hoảng nhưng nhu cầu giải quyết các vấn đề không quá cấp bách. 10% cho biết họ cảm nhận như đang đối mặt khủng hoảng kinh tế, và chỉ 5,65% nói không nhận thấy bất kỳ cuộc khủng hoảng nào.

Cuộc khảo sát được thực hiện qua điện thoại từ ngày 22 đến ngày 24-1, tập trung vào hai vấn đề, gồm tình trạng nền kinh tế và chương trình của chính phủ phát tiền 10.000 baht (281 đô la Mỹ) cho mỗi người dân trưởng thành thông qua ví kỹ thuật số.

Khoảng 34,7% số người được hỏi trong cuộc khảo sát muốn chính phủ dừng dự án phân phát tiền mặt này, trong khi 33,7% cho rằng nên thực hiện dự án trong năm nay và 18,6% đề xuất chỉ nên phát tiền cho các nhóm yếu thế.

Tuần trước, Thủ tướng Srettha Thavisin nói ông tin rằng nền kinh tế đất nước trong tình trạng “khủng hoảng”, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm trong thập niên qua là khoảng 1,9%, thua kém hầu hết các nước trong khu vực. Vì vậy, ông nhấn mạnh, chính phủ sẽ triển khai nhiều biện pháp kích thích bên cạnh chương trình ví kỹ thuật số. Chính phủ Thái Lan đang đề xuất vay 500 tỉ baht để hỗ trợ chương trình ví kỹ thuật số. Cho rằng mức lãi suất 2,5% hiện nay, cao nhất trong 10 năm, đang gây tổn thương các doanh nghiệp, ông Srettha Thavisin kêu gọi Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) hạ lãi suất.

Sáng kiến ví kỹ thuật của ông Srettha Thavisin ban đầu dự kiến chuyển cho 55 triệu người trưởng thành ở Thái Lan mỗi người 10.000 baht để hỗ trợ họ chi tiêu mua sắm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng chi phí lên đến 16 tỉ đô la Mỹ của sáng kiến khiến các quan chức BoT và các đảng đối lập lo ngại sẽ gây căng thẳng cho ngân sách cũng như thúc đẩy lạm phát. Do vậy, chính phủ Thái Lan thu hẹp quy mô của chương trình xuống còn 50 triệu người bằng cách loại bỏ những cá nhân có thu nhập cao.

Năm ngoái, do ngành sản xuất và xuất khẩu thụt lùi, GDP của Thái Lan chỉ tăng trưởng 1,8%, suy yếu đáng kể so với mức tăng trưởng 2,6% trong năm 2022. Bộ Tài chính Thái Lan dự báo, mức tăng trưởng của đất nước sẽ đạt 2,8% trong năm nay nhờ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng lên.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính từ chối xem Thái Lan đang trong tình trạng “khủng hoảng kinh tế” sau khi tốc độ tăng trưởng rơi xuống dưới 2%. “Không có định nghĩa rõ ràng về ‘khủng hoảng kinh tế’. Thái Lan có dấu hiệu tăng trưởng kém trong một thời gian dài liên tục. Nhưng về mặt kỹ thuật, đó không phải là một cơn suy thoái kinh tế”, Vụ trưởng Vụ Chính sách tài chính của Bộ Tài chính Thái Lan, Pornchai Thiraveja, nói.

Ông chỉ ra rằng tình hình kinh tế hiện tại của đất nước vẫn tốt hơn so với thời điểm tăng trưởng kinh tế sụt giảm trong hai quí liên tiếp, như đã xảy ra trong khủng hoảng tài chính năm 1997 hay đại dịch Covid-19 ba năm trước.

Về vấn đề này, tiến sĩ Chartchai Parasuk, nhà nghiên cứu kinh tế độc lập ở Thái Lan, dành riêng một bài viết trên tờ Bangkok Post để tranh luận. Ông cho rằng, theo định nghĩa của giới chuyên môn, khủng hoảng kinh tế xảy ra khi tỷ lệ thất nghiệp vượt quá 10%. Mức thất nghiệp cao này, nếu duy trì trong thời gian dài, sẽ gây bất ổn kinh tế và do đó cần có các gói kích thích từ chính phủ.

Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Thái Lan trong tháng 11-2023 chỉ ở mức là 0,85%, cải thiện so với 1,22% vào tháng 1 -2023. Theo Parasuk, nếu lấy tỷ lệ thất nghiệp làm chuẩn, nền kinh tế Thái Lan không đối mặt với khủng hoảng.

Nhưng chuyên gia kinh tế này nhận định, trong năm nay, có 90% xác suất nền kinh tế Thái Lan sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính giống như năm 1997, dù thực tế là Thái Lan hiện áp dụng chế độ tỷ giá hối đoái linh hoạt và có đủ dự trữ ngoại hối để trang trải chi phí trả nợ cho toàn bộ nợ nước ngoài 190,1 tỉ đô la Mỹ.

Parasuk cho rằng, nền kinh tế được quyết định bởi mức độ đầy đủ thanh khoản chứ không phải các yếu tố cơ bản. Tác động của tình trạng thiếu thanh khoản đối với tăng trưởng kinh tế đã được nhìn thấy vào năm 2023 với tốc độ tăng trưởng 1,8%, dù tiềm năng là 3,6%. Ông dự báo trong năm 2024, tình trạng thiếu thanh khoản sẽ nghiêm trọng đến mức gây ra tình trạng vỡ nợ lớn, đặc biệt là từ khu vực doanh nghiệp.

Ông chỉ ra ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vỡ nợ lớn. Thứ nhất, thu nhập không tăng trong năm năm qua. GDP thực tế của Thái Lan trong quí 3-2023 thấp hơn 0,8% so với quí 3-2019, và có khả năng GDP thực tế của năm 2023 cũng thấp hơn 0,33% so với năm 2019. Thu nhập không tăng trưởng có nghĩa là cả người tiêu dùng và khu vực kinh doanh đều phải dựa vào tiền vay chứ không phải thu nhập hay lợi nhuận để tài trợ cho các hoạt động kinh tế.

Thứ hai, khu vực tư nhân gánh quá nhiều nợ trong năm năm qua. Tỷ lệ nợ trên GDP ở Thái Lan tăng trung bình 8,44%/năm, nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP. Mức độ nợ cao cũng có nghĩa là mức trả nợ cao. Điểm đáng lo ngại nhất là nợ doanh nghiệp vì lịch trả nợ cố định, đặc biệt là trái phiếu và vốn vay nước ngoài. Theo ước tính, doanh nghiệp Thái Lan đã vay thêm 3,2 nghìn tỉ baht (90 tỉ đô la Mỹ) trong năm năm qua để bù đắp thâm hụt tiền mặt dù không mở rộng sản xuất. Mức vay cao như vậy rõ ràng là vượt quá khả năng trả nợ của họ.

Thứ ba, các khoản nợ đáng kể sẽ đến hạn thanh toán vào năm 2024. Có 1,2 nghìn tỉ baht đến hạn trả nợ trong năm nay, gồm trái phiếu doanh nghiệp (890 tỉ baht) và thương phiếu (235 tỉ baht). Parasuk cho rằng chỉ cần 20% trong số nợ này mất khả năng thanh toán hoặc bị hoãn lại, thị trường nợ tư nhân trị giá 4,7 nghìn tỉ baht của Thái Lan sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Theo Bloomberg, Bangkok Post, The Nation

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thai-lan-lo-ngai-khung-hoang-kinh-te/