'Tết níu con người về với truyền thống'

Xã hội đang chuyển mình mạnh mẽ, nhiều nét văn hóa ngày Tết cũng theo đó mà biến đổi. Nhà nghiên cứu văn hóa, PGS.TS BÙI XUÂN ĐÍNH cho rằng, không thể phủ nhận Tết nay có phần 'nhạt' hơn xưa, nhưng nhìn sâu lắng, giá trị Tết Việt vẫn luôn âm ỉ, níu con người về với truyền thống dân tộc.

Phong vị Tết xưa

- Ông nhìn nhận như thế nào về ý nghĩa của ngày Tết Nguyên đán trong đời sống văn hóa dân tộc Việt Nam?

- Tết Nguyên đán là tết lớn nhất trong năm của người Việt, vì thế còn gọi là Tết Cả. Từ Tết được đọc chệch từ “tiết” là thời điểm đánh dấu sự chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Ngày Tết cổ truyền của Việt Nam gắn với nền nông nghiệp lúa nước, theo chu kỳ mùa vụ. Đây cũng chính là khoảng thời gian nông nhàn, thư thái nhất trong năm. Bởi vậy dân gian mới gọi “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Sau ngày 23 tháng Chạp, khi con cháu đi tảo mộ, thắp hương mời ông bà về ăn Tết, lúc này, Tết như một cầu nối âm - dương, để con cháu và gia tiên sum họp.

- Tết chỉ diễn ra trong 3 ngày nhưng mọi nhà đều tất bật chuẩn bị đón Tết từ rất sớm, chậm nhất cũng rục rịch từ giữa tháng Chạp…

- Tôi cho rằng, Tết có những giá trị mang tính hằng số mà để nhận được trọn vẹn, các gia đình phải có một hành trình chuẩn bị Tết chu đáo, tỉ mỉ, mọi thành viên đồng tâm hiệp lực, lao động tích cực.

Giá trị thứ nhất, Tết là sự lại mới và mới hơn. Trên nền cái cũ là nhà cửa, ngõ xóm, đường làng nhưng tất cả đều được trang hoàng, dọn dẹp sạch sẽ khiến cảnh sắc thay đổi. Đó còn là cái lại mới của việc sắm sửa những bộ áo quần diện Tết, cùng với nét mặt hân hoan của mọi người trong không khí ngày Xuân.

Giá trị thứ hai, Tết là sự đoàn viên. Con cháu đi làm nơi xa đều trở về gia đình; ngày Tết, cha con, anh em, họ hàng, làng xóm quây quần, chúc Tết.

Giá trị thứ ba, Tết là sự no đủ và thể hiện ước vọng no đủ, như các cụ có câu “đói quanh năm, no ba ngày Tết”.

Giá trị thứ tư, Tết là sự tri ân; con cái tri ân bố mẹ, các cháu tri ân ông bà, trò tri ân thầy, người bệnh tri ân thầy thuốc, người được giúp đỡ, cưu mang tri ân người giúp đỡ, cưu mang mình…

Giá trị thứ năm, Tết là sự khoan dung, là chuyện cũ bỏ qua, tay bắt mặt mừng chúc nhau những điều tốt lành năm mới.

- Không biết ký ức Tết xưa trong ông như thế nào?

- Đối với tôi, nhớ Tết xưa là nhớ đến bát cơm không độn. Thế hệ chúng tôi ngày trước lớn lên trong đói nghèo, thiếu thốn cho nên chỉ mong đến ngày Tết để được ăn bát cơm không độn. Ngày thường, một hạt cơm phải cõng rất nhiều ngô, khoai, sắn. Rồi háo hức trong cái mùi hăng hăng đến cay xè khóe mắt của khói củi luộc bánh chưng. Chiều 30 Tết, nhà nhà đều có nồi bánh chưng luộc chín để dâng lên tổ tiên vào phút giao thừa hay sáng sớm mùng 1. Những gia đình có trẻ nhỏ còn gói riêng những chiếc bánh nhỏ, từ chút gạo, đỗ, thịt thừa. Nhưng bánh phải dành thắp hương các cụ trước nên bánh chưng con chín, bố vớt ra cho mấy anh em cầm chơi, chứ chưa được ăn ngay.

Nhìn sâu lắng, giá trị Tết Việt vẫn luôn âm ỉ, níu con người về với truyền thống dân tộc. Nguồn: TNĐ

Nhìn sâu lắng, giá trị Tết Việt vẫn luôn âm ỉ, níu con người về với truyền thống dân tộc. Nguồn: TNĐ

Xưa kia, ở nông thôn không có chuyện mừng tuổi, vì rất ít nhà buôn (tục mừng tuổi xuất phát từ việc nhà buôn dành ra một phần lợi nhuận để biếu người già và cho trẻ nhỏ vào đầu năm mới, chứ không gắn với nông dân). Người lớn đến chúc Tết nhà ai, sau lời chúc gia chủ, thường xoa đầu đứa trẻ, chúc cho chúng năm mới hay ăn chóng lớn, học hành tiến bộ. Vui hơn nữa là ngày Tết, chúng tôi còn được chơi các trò liên quan đến pháo. Ngày xưa, pháo Tết nổ đì đà đì đẹt, không gây ồn, vừa đủ để thoang thoảng mùi thơm của khói thuốc hòa vào tiết Xuân vẫn còn đọng cái se lạnh của tiết Đông.

Những cảm giác đó đến giờ trong chúng tôi vẫn cứ vẹn nguyên là Tết. Cái Tết đầy kỷ niệm mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu được giá trị của Tết xưa, ngẫm về Tết nay.

Biết trân trọng giá trị truyền thống

- Nghĩ về Tết xưa mà ngẫm Tết nay, ông thấy giá trị của Tết đã có những biến đổi như thế nào?

- Tết bây giờ quá đầy đủ. Nhu cầu vật chất trong ngày Tết không quá lớn nữa, bởi những món ăn trước kia chỉ có ngày Tết thì bây giờ ngày nào cũng có. Người ta cũng không phải chờ đến Tết mới được mặc quần áo mới. Quan niệm “ăn Tết” ngày trước đã chuyển thành “chơi Tết”. Bởi vậy, nhiều người nói Tết nay bị “nhạt” đi, theo khía cạnh nào đó cũng có cơ sở.

Xưa kia nồi bánh chưng như trung tâm của các hoạt động ngày Tết. Các gia đình tự chuẩn bị nguyên liệu để gói bánh. Giáp Tết, họ đi rửa lá dong, lạt, vo gạo… nơi cầu ao hay bờ giếng, gặp gỡ, hỏi han nhau bao giờ gói bánh, năm nay gói bao nhiêu cái… Nồi lớn không sẵn nên mấy nhà cùng nhau luộc chung nồi bánh, cùng trông bánh chưng, góp củi và trò chuyện, nhìn lại năm qua, hy vọng vào năm tới. Cuối năm, nhà nông còn có tục đụng lợn - mổ lợn chia nhau… Tất cả điều đó diễn ra trong không khí Tết, làm tăng sự gắn kết xóm làng.

Còn bây giờ, đầy đủ về đời sống vật chất, hàng hóa đặt mua dễ dàng, bánh chưng cũng bán quanh năm ngoài chợ… Thành ra không khí Tết như xưa không còn nữa hoặc rất mờ nhạt. Thậm chí việc đi chúc Tết cũng có xu hướng ít dần; một bộ phận gia đình chọn Tết là thời điểm đi du lịch, giải trí.

- Thực tế đó có làm mất đi những giá trị của truyền thống không, theo ông?

- Soi chiếu những giá trị hằng số mà tôi đã nói, Tết là sự lại mới, ước vọng mới, là đoàn viên, là đủ đầy… Về cơ bản, những giá trị này vẫn còn, nghi lễ trong ngày Tết chưa có nhiều biến đổi, có điều được thể hiện ngày càng đa dạng với cách thức khác nhau. Bởi lẽ, khi cuộc sống xã hội có những bước chuyển mình mạnh mẽ, những nét văn hóa trong ngày Tết cũng không đứng ngoài guồng quay đó.

Trên nền chung biến chuyển, mỗi địa phương, mỗi giai tầng xã hội, mỗi con người có cách ứng xử với Tết khác nhau, nhưng trên hết đó vẫn là Tết của người Việt, vẫn còn đó những giá trị vĩnh hằng được bồi đắp trong suốt quá trình lịch sử của dân tộc. Người Việt vẫn rất trọng thờ cúng tổ tiên, ông bà, trọng ân nghĩa với những ai đã giúp mình. Điều đó thể hiện rất rõ trong dịp Tết.

Nhiều yếu tố trong phong vị Tết đã biến đổi, song dù sao đi nữa, Tết vẫn có sức mạnh níu con người về với truyền thống dân tộc. Tết vẫn là thời điểm để nhắc nhớ mỗi người hãy trân trọng vốn liếng văn hóa cổ truyền do ông cha tạo dựng. Tết vẫn là nơi lưu giữ những gì đẹp đẽ, như hành trang để đi vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa làm biến đổi văn hóa truyền thống rất nhanh.

- Xin cảm ơn ông

Lê Thư thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/tet-niu-con-nguoi-ve-voi-truyen-thong-i359618/