Tây Nguyên: Khai phá tiềm năng ngành rau quả, phát triển hiệu quả kinh tế vùng

Dù hội tụ đủ những điều kiện phát triển ngành rau quả nhưng các 'điểm nghẽn' về cơ chế, chính sách khiến quy mô xuất khẩu của vùng còn rất khiêm tốn.

Quy mô xuất nhập khẩu vùng Tây Nguyên còn khiêm tốn

Tây Nguyên là vùng có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Vùng Tây Nguyên thuộc khu vực tam giác phát triển Lào - Việt Nam - Campuchia, có hệ thống giao thông kết nối với các cảng biển quan trọng của vùng Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ.

Tây Nguyên cũng là vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỉ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả.

Thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên đã và đang tập trung phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa với nhiều sản phẩm nông sản chủ lực truyền thống như cà phê, cao su, hồ tiêu, hạt điều… và xuất khẩu sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, EU... Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp nên xét về quy mô xuất nhập khẩu vẫn còn khiêm tốn.

Bàn luận về vấn đề trên, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – Vinafruit cho biết: “Các địa phương trong vùng chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của vùng. Bên cạnh đó, phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; năng lực sản xuất, trình độ công nghệ, năng lực cạnh tranh, công tác phối hợp xúc tiến thương mại còn hạn chế. Ngoài ra, các địa phương chưa tận dụng hết thế mạnh từ các hiệp định thương mại tự do FTA mang lại, mặt hàng xuất khẩu chưa phong phú và cạnh tranh chưa cao, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô, gia công và ít sản phẩm xây dựng được thương hiệu riêng vững chắc”.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam

Những giải pháp phát triển kinh tế ngành rau quả

Trước những “điểm nghẽn” trên, để thúc đẩy phát triển hiệu quả kinh tế từ ngành rau quả, Tây Nguyên cần có những giải pháp. Ông Đặng Phúc Nguyên thẳng thắn đề xuất các giải pháp ngắn hạn cũng như lâu dài để Tây Nguyên bứt phá, phát triển bền vững.

Đầu tiên, với giải pháp ngắn hạn, Bộ Công Thương phối hợp với các chính quyền các tỉnh Tây Nguyên thường xuyên, định kỳ hàng năm tổ chức và hỗ trợ cho các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) chiến lược, có tính liên kết vùng. Chẳng hạn, tổ chức hội chợ, hội nghị lớn ngang tầm lễ hội cà phê. Từ đó, các nhà sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn có dịp trưng bày, quảng bá ra thế giới các mặt hàng tươi, chế biến sâu, có thế mạnh như sầu riêng, chanh leo, xoài, bơ, vải… Không những vậy, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong và ngoài nước, các nhà sản xuất địa phương gặp gỡ, trao đổi thông tin, kết nối sản xuất, hợp tác xuất khẩu với ý nghĩa mang thị trường tới tận tay doanh nghiệp và nhà sản xuất trên địa bàn.

Thông qua các hoạt động đó, các cơ quan chính phủ, địa phương cũng như trung ương nắm được các ưu khuyết điểm, các điểm nghẽn trong sản xuất, tiêu thụ rau quả của các vùng Tây Nguyên để có biện pháp chấn chỉnh, hỗ trợ kịp thời, đồng thời kích cầu du lịch của vùng một cách mạnh mẽ, hiệu quả.

"Ngoài ra, tổ chức cho các doanh nghiệp sản xuất nông sản, rau củ trong vùng Tây Nguyên lên sàn thương mại điện tử, kỹ thuật số để kết nối dễ dàng các trung tâm các chợ, siêu thị và các doanh nghiệp trong, ngoài nước tiêu thụ hàng hóa trong nội địa", ông Đặng Phúc Nguyên nhấn mạnh.

Sầu riêng là một trong những thế mạnh của vùng Tây Nguyên. Ảnh: VGP

Về lâu dài, bằng nhiều hình thức công tư phối hợp cần triển khai đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ, liên thôn liên vùng nhằm kết nối liên kết quốc gia, kết nối hệ thống các cửa khẩu, cảng biển là ưu tiên hàng đầu.

Song song với đó, cần tuyên truyền, tập hợp đẩy mạnh triển khai thành lập hợp tác xã, trang trại lớn hoặc hội sản xuất rau quả liên vùng để hình thành vùng chuyên canh rau quả rộng lớn, phục vụ xuất khẩu tươi và cung ứng nguyên liệu dồi dào, bền vững cho các nhà máy chế biến sâu. Từ đó, dễ dàng nắm bắt thông tin thị trường, áp dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả, nhất là công tác xin cấp mã số vùng trồng thuận lợi. Từ đó, kiểm soát được chất lượng rau quả trước khi đưa ra thị trường, đáp ứng và vượt rào cản kỹ thuật mà các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã quy định.

Đồng thời, cần phổ biến các ưu đãi về thuế phí, luật đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp liên kết thành các tập đoàn sản xuất lớn chế biến rau quả trên địa bàn.

Về phía Cục Xuất nhập khẩu, đơn vị sẽ hỗ trợ, định hướng doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng Việt Nam có lợi thế và được hưởng nhiều ưu đãi trong các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu nhằm tăng khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam; chú trọng đầu tư cho chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu; chủ động kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm trước khi xuất khẩu.

Chú trọng truy xuất nguồn gốc, chinh phục thị trường quốc tế

Để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong mọi tình huống, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã tham gia hệ thống điện tử ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc, nhằm minh bạch thông tin đối với nhà phân phối, người tiêu dùng.

Thực tế cho thấy, việc các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia ứng dụng sử dụng mã QR đã giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng ngăn chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán trên thị trường. Qua đánh giá từ các cơ sở, sản phẩm nông nghiệp sản xuất an toàn theo chuỗi có tem nhãn đều bán được giá cao hơn sản phẩm sản xuất không có truy xuất nguồn gốc.

Mặt khác, hệ thống điện tử ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi từng bước nâng cao năng lực cho hợp tác xã, doanh nghiệp trong sản xuất, cung ứng sản phẩm. Đặc biệt, người tiêu dùng ngày nay có thể dùng điện thoại thông minh truy xuất được ngày, tháng sản xuất, hạn sử dụng và nguồn gốc mặt hàng nên yên tâm hơn về chất lượng.

Truy xuất nguồn gốc xuất xứ đã và đang là yêu cầu bắt buộc khi chúng ta cung cấp hàng hóa ra những thị trường thế giới. Ảnh minh họa

Để đón đầu xu hướng này, ngày 19/01/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100) và giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì triển khai. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia. Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia sẽ đóng vai trò trung tâm của hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc, với sự tham gia của các bên tham gia trong chuỗi cung ứng như nhà sản xuất, đơn vị đóng gói, đơn vị vận chuyển, đơn vị phân phối, đơn vị bán lẻ.

Nhằm thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam, phù hợp và hội nhập với xu thế toàn cầu hóa, Chính phủ đã xây dựng và ban hành hệ thống khung pháp lý trong đó có quy định các yêu cầu liên quan đến truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, Chính phủ đã phê duyệt nhiều chương trình, đề án giao Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tại các địa phương trên cả nước xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ hiện đại hỗ trợ hoạt động truy xuất nguồn gốc.

Truy xuất nguồn gốc xuất xứ đã và đang là yêu cầu bắt buộc khi chúng ta cung cấp hàng hóa ra những thị trường thế giới, đòi hỏi những tiêu chuẩn khắt khe phù hợp với từng quốc gia nhập khẩu. Đối với xuất khẩu, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản giúp các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại.

Thanh Thúy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tay-nguyen-khai-pha-tiem-nang-nganh-rau-qua-phat-trien-hieu-qua-kinh-te-vung-317233.html