Tất bật khâu còn, dệt thổ cẩm chuẩn bị hội Lồng Tông

Dưới mái nhà sàn lợp lá cọ, các nghệ nhân của bản Tày bận rộn không ngơi tay để dệt nên những tấm thổ cẩm tinh xảo, khâu những quả còn đầy màu sắc, chuẩn bị cho ngày đầu Xuân năm mới vui trảy hội Lồng Tông.

Những ngày sát Tết, chị Ngô Thị Chín (xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) luôn tất bật bên khung cửi. Xuống đồng đi cấy về, chị và các chị em cùng tổ hợp tác lại tranh thủ gọi nhau cùng dệt, cùng may các sản phẩm thổ cẩm độc đáo.

Dệt thổ cẩm là nghề thủ công truyền thống chứa đựng những giá trị vật chất, tinh thần truyền đời của người Tày. Lâm Bình với vùng đất bên hồ Na Hang, dưới 99 ngọn núi vờn mây vốn là vùng trồng bông, dệt vải có tiếng. Do vậy thổ cẩm nơi này càng có nét độc đáo riêng, sắc màu tinh tế với những hoa văn hoa cà, hoa phay, các con vật gần gũi, sinh động.

Phụ nữ Tày ở Lâm Bình biết dệt thổ cẩm từ khi chưa bước vào tuổi thiếu nữ. Bà Hỏa Thị Thái tự hào khoe khung cửi đã truyền từ 3-4 đời, riêng bà đã học dệt từ khi 15 tuổi. Theo truyền thống, trước khi đi lấy chồng, cô dâu phải tự tay thêu, dệt được những tấm thổ cẩm để làm quà cưới biếu cha mẹ, người thân bên nhà chồng, thể hiện lòng kính hiếu và sự đảm đang, khéo léo.

Chân đưa, tay cài thoăn thoắt,... nghề dệt thổ cẩm đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo và cả tính sáng tạo, thẩm mỹ. Những phụ nữ Tày có thể làm tất cả các khâu từ trồng bông, hái bông, bật bông, quay sợi, mắc khung, tạo hoa văn, dệt vải, đến lên rừng tìm các lá cây về nhuộm màu cho vải, nhuộm chỉ và hoàn thành sản phẩm…

Trải qua nhiều năm nghề dệt không còn được chuộng vì các sản phẩm may mặc sẵn thuận tiện hơn, nhưng nhiều người phụ nữ Tày vẫn không bỏ khung cửi. Những năm gần đây, du lịch Lâm Bình phát triển, nhiều người trăn trở phải làm sống lại văn hóa truyền thống của quê hương, trong đó có chị Ma Thị Hồng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình.

Chị Ma Thị Hồng thành lập HTX Thổ cẩm Lâm Bình từ đầu năm 2021, đến nay có trên 30 thành viên. HTX chia thành nhiều tổ, nhóm tại địa bàn các xã, như nhóm cùng sở thích dệt khăn thổ cẩm, nhóm dệt chăn, nhóm thêu, nhóm may và thiết kế sản phẩm từ thổ cẩm, nhóm quảng bá, giới thiệu sản phẩm truyền thống Lâm Bình…

Các sản phẩm HTX ngày càng phong phú và đa dạng, từ đồ sử dụng hàng ngày (quần, áo, chăn, màn) đến các mặt hàng lưu niệm như mũ, khăn quàng, túi xách, ví thổ cẩm…. Các sản phẩm được chế tác tỉ mỉ, khéo léo có giá từ 100 nghìn đồng đến gần 2 triệu đồng, tạo thêm thu nhập cho người dân và rất được du khách ưa chuộng.

Dịp này, HTX càng bận rộn chuẩn bị cho Tết Nguyên đán và đặc biệt là lễ hội Lồng Tông vào những ngày 12-15 tháng Giêng. Lồng Tông trong tiếng Tày có nghĩa là “xuống đồng”. Đây là lễ hội cầu mùa lâu đời và đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, thể hiện tín ngưỡng tâm linh, khát vọng vươn tới một cuộc sống bình yên, đủ đầy, hạnh phúc... Những tấm thổ cẩm đẹp nhất sẽ được bày tại lễ hội, cùng khoe sắc với thổ cẩm của người Dao, Pà Thẻn, Mông tại Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình.

Cùng với thổ cẩm thì quả còn cũng là sản phẩm “đắt hàng” bậc nhất. Tung còn là trò chơi dân gian không thể thiếu tại lễ hội Lồng Tông. Quả còn mang theo ước vọng, người tung còn thủng vòng Nhật - Nguyệt trên cây còn được coi là người mang lại may mắn cho cả vùng trong năm. Đó chính là yếu tố đầu tiên quyết định sự sinh sôi, nảy nở, báo hiệu một năm mới may mắn, thuận lợi.

Quả còn làm bằng vải đỏ, đen hoặc xanh, ghép nối với các tua ngũ sắc để trang trí và định hướng khi bay. Bên trong quả còn nhồi các loại ngũ cốc hoặc cát, thể hiện khát vọng sinh sôi nảy nở.

Các chị em tại HTX Thổ cẩm Lâm Bình ở Thượng Lâm phải tranh thủ ngoài giờ làm đồng, sớm khuya để khâu còn, kịp hoàn thành hơn 150 quả còn được đặt hàng trước cho lễ hội.

Ngoài quả còn truyền thống, HTX cũng làm thêm những quả còn nhiều kích cỡ khác nhau. Các quả còn này dùng để trang trí nhà sàn, trưng bày tại các homestay và là sản phẩm lưu niệm độc đáo cho du khách khi đến với Lâm Bình.

Mỗi quả còn thành hình, mỗi vuông thổ cẩm “lách cách” bên khung dệt hoàn thiện là mỗi lúc mùa xuân đang tới gần. Khi hoa đào, hoa mận nở, các chàng trai cô gái ở Lâm Bình lại trảy hội trong màu áo chàm, cùng tung còn, đánh yến, đánh pam, hát sli, hát lượn ngọt ngào, say sưa.

Trường Giang/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/tat-bat-khau-con-det-tho-cam-chuan-bi-hoi-long-tong-post1073662.vov