Tập trung thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp

Chiều 14/5, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị chuyên đề toàn quốc về thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến đến 63 điểm cầu các tỉnh, TP trong cả nước.

Các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS); Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS; Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Trưởng Ban Chỉ đạo CĐS ngành Nông nghiệp đồng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bộ Nông nghiệp và PTNT.

 Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Sở: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ; Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh và đại một số doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và PTNT, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó có nông nghiệp và nông dân. Thực tế cho thấy, tiếp cận và làm chủ công nghệ số sẽ là “chìa khóa” quan trọng để người nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật vào toàn bộ quy trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...

Hàng chục vạn nông dân trên cả nước đã và đang ứng dụng hiệu quả công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp. Với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và sự mạnh dạn, quyết đoán của những “nông dân 4.0”, việc thực hiện CĐS bước đầu đã được áp dụng trong ngành Nông nghiệp ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, mang lại những kết quả hết sức khả quan.

Nhiều chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.

Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá, ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động phát triển kinh kế số, xã hội số của ngành theo hướng nông nghiệp, nông thôn, nông dân số sẽ góp phần giúp thúc đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đồng thời thúc đẩy xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp, văn minh.

Qua đó góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, tập trung vào cải thiện năng suất, hiệu quả sản xuất, tối ưu hóa quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, giảm phát thải…

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện ngành Nông nghiệp gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: Dữ liệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT còn rời rạc, cục bộ, khép kín; dữ liệu mở cơ bản tăng về số lượng nhưng chưa khai thác, sử dụng được; các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ chưa chủ động, tự nguyện mở dữ liệu để khai thác, sử dụng.

Nhân lực làm công tác CĐS còn hạn chế, thiếu các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, tuyển dụng, đãi ngộ nhân lực có trình độ về CĐS, an toàn, an ninh thông tin. Cùng đó, các hướng dẫn, định mức, quy định về chi cho hoạt động CĐS chưa có, hoặc chưa được giới thiệu, tập huấn…

Tại hội nghị, các đại biểu đề xuất, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu sớm sửa đổi Luật Công nghệ thông tin, ban hành Luật Dữ liệu, Luật CĐS để bảo đảm hành lang pháp lý đồng bộ phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số. Nghiên cứu ban hành nghị quyết riêng tạo khung pháp lý giúp đẩy nhanh thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án ứng dụng công nghệ số mới phục vụ CĐS cho các bộ, ngành, địa phương.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trần Lưu Quang biểu dương ngành Nông nghiệp thời gian qua đã nỗ lực và đạt được nhiều thành tựu, kết quả bước đầu trong CĐS.

Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị, thời gian tới, ngành Nông nghiệp phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tham mưu, đề xuất hoàn thiện khung pháp lý về ưu đãi đầu tư thúc đẩy CĐS. Rà soát, ban hành, cập nhật, sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với định hướng của quốc gia.

Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), quy trình nghiệp vụ trong quản lý nông nghiệp. Bảo đảm hạ tầng phục vụ phát triển Internet kết nối vạn vật (IoT) trong triển khai Chính phủ số và phát triển kinh tế số nông nghiệp gắn với phát triển nông thôn, nông dân số. Xây dựng các bộ dữ liệu, chuẩn dữ liệu ngành Nông nghiệp, bao gồm cơ sở dữ liệu lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi…

Ưu tiên triển khai trước đối với các loại dữ liệu về các vùng sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, đất đai, thổ nhưỡng, chỉ dẫn địa lý, thời tiết, quy trình, công nghệ sản xuất, phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Quan tâm tổ chức, triển khai nền tảng dữ liệu số nông nghiệp như thu thập, chuẩn hóa, mở và cung cấp dữ liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản.

Tổ chức triển khai mô hình làng, xã CĐS, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là gắn kết phát triển thương mại điện tử với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) phù hợp với Chương trình CĐS trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh. Bên cạnh đó, chú trọng bảo đảm an toàn, an ninh mạng...

Xây dựng lộ trình và triển khai số hóa trong quản lý, sản xuất, kinh doanh nông nghiệp như: Hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và ứng phó với biến đổi khí hậu; hạ tầng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hạ tầng logistics và các hạ tầng dịch vụ liên quan. Cung cấp dữ liệu cơ bản và cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu phục vụ CĐS nông nghiệp tại địa phương, thu hút nhân lực chất lượng cao về làm việc trên địa bàn.

Đối với các hiệp hội, ngành hàng cần tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các thành viên, doanh nghiệp, người nông dân về chủ trương CĐS trong nông nghiệp, lợi ích và tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ số để nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất. Tăng cường kết nối, hợp tác với các tổ chức, hiệp hội quốc tế để tiếp thu kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp số, nông nghiệp thông minh.

Tin, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/tap-trung-thuc-day-so-hoa-nganh-nong-nghiep-171433.bbg