Tập trung hoàn thiện Đề tài cấp Bộ đặc biệt 'Quốc hội Việt Nam - 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển'

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu, việc tổng hợp, bảo vệ đề tài phải gắn liền, triển khai đồng thời với việc biên tập, dự thảo thành sách.

Ngày 10/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của TS. Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm đề tài, Ban Chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam - 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” tiến hành Phiên họp Quý I/2024 đánh giá tiến độ thực hiện và dự kiến công việc tiếp tục triển khai trong năm 2024.

Kết luận nội dung Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua thảo luận, các các thành viên Chủ nhiệm đề tài, đại diện lãnh đạo các cơ quan dự họp đều thống nhất với báo cáo của Viện Nghiên cứu lập pháp và khẳng định nhiệm vụ trong thời gian tới còn rất nặng nề, rất nhiều việc quan trọng cần tập trung trí lực, nhân lực; cần huy động lực lượng trong và ngoài cơ quan để thực hiện. Đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ theo hướng đẩy nhanh hơn về tiến độ tùy từng công việc từ 1 - 2 tháng để đáp ứng yêu cầu đề ra.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Lưu ý trong năm 2025 khối lượng công việc rất lớn, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu việc tổng hợp, bảo vệ đề tài phải gắn liền, triển khai đồng thời với việc biên tập, dự thảo thành sách. Theo đó, mục tiêu phấn đấu là đến tháng 11/2024 có báo cáo tổng hợp lần đầu kết quả nghiên cứu đề tài, và có dự thảo lần đầu sách “Quốc hội Việt Nam - 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” vào tháng 12/2024; các hội thảo phấn đấu hoàn thành xong trong năm 2024. Mục tiêu đề ra là sang năm 2025 chỉ tập trung vào nhiệm vụ tinh chỉnh, nầng tầm, hoàn thiện.

Liên quan đến các công việc thực hiện trong Quý II và công việc của 6 tháng cuối năm 2024, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ thực hiện hiệu quả theo Danh mục Viện Nghiên cứu lập pháp đã đề ra. Đồng thời, đề nghị các cơ quan đề cao trách nhiệm phối hợp với cơ quan chủ trì, để cung cấp thông tin tài liệu, báo cáo từng phần theo yêu cầu cơ quan chủ trì phục vụ việc biên tập từng chương và khẳng định đây là trách nhiệm của từng cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ đã được Chủ tịch Quốc hội kết luận, cần nghiêm túc chấp hành.

Toàn cảnh Phiên họp.

Đối với Viện Nghiên cứu lập pháp, cần tiếp tục thực hiện tốt vai trò là Cơ quan Thường trực của Ban Chủ nhiệm đề tài; thực hiện đúng quy định với vai trò là Cơ quan chủ quản và Tổ chức chủ trì. Phân công cán bộ theo dõi, đôn đốc công việc; có thể cử thêm cán bộ có năng lực vào các nhóm biên tập, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng đề ra. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện tốt công tác hàng tháng báo cáo Chủ nhiệm Đề tài, 3 tháng báo cáo Chủ tịch Quốc hội một lần…

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu các cơ quan tiếp tục quyết tâm cao, đẩy nhanh tiến độ, đồng thời lưu ý một số nội dung cụ thể cần báo cáo xin ý kiến Chủ tịch Quốc hội liên quan đến: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề tài; thực hiện đề tài song song với biên tập sách; giao Văn phòng Quốc hội lập dự toán biên tập sách; cùng với biên tập và xuất bản sách truyền thống kiến nghị xuất bản sách số, sách đọc để đưa lên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, Thư viện Quốc hội phục vụ tra cứu…

Khẳng định đây là nhiệm vụ chính trị chuyên môn đặc biệt quan trọng, Phó Chủ Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh việc triển khai và thực hiện Đề tài vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm. Do đó, kết quả của đề tài không chỉ là thông tin khoa học mà phải nâng tầm nhận định thành lý luận, bài học, tư liệu có tính khoa học lịch sử truyền lại thế hệ mai sau; bảo đảm tính logic, khoa học, hệ thống; tính lịch sử chân thực, chính xác; tính chính trị; tính xã hội…

N.Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tap-trung-hoan-thien-de-tai-cap-bo-dac-biet-quoc-hoi-viet-nam--80-nam-xay-dung-doi-moi-va-phat-trien-post291207.html