Tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương luôn chú trọng triển khai nhiều giải pháp trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động là đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và thay đổi nhận thức cho nhiều lao động nơi đây.

Nâng cao thu nhập nhờ có việc làm ổn định

Trước đây, anh Mang Thái (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) không có việc làm ổn định nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Được địa phương vận động, anh tham gia học nghề và được tuyển dụng làm việc tại Công ty TNHH Long Sinh (Khu Công nghiệp Suối Dầu, Cam Lâm). Qua thời gian vừa học vừa làm, đến nay, anh đã thành thạo công việc và được công ty trả mức lương hơn 9 triệu đồng/tháng. Anh Mang Thái chia sẻ: “Tôi rất mừng khi được doanh nghiệp (DN) quan tâm tạo việc làm ổn định. Ngoài nhận lương, tôi còn được đơn vị đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp; hỗ trợ tiền xăng xe, ăn ca. Hàng tháng, quý, năm, tôi còn được DN thưởng, tặng quà ngày lễ, Tết, sinh nhật. Nhờ có việc làm ổn định, thu nhập cao nên giờ đây, cuộc sống gia đình khấm khá hơn, đã thoát hộ nghèo. Tôi cũng vận động nhiều người trong làng vào khu công nghiệp làm việc, cuộc sống của họ cũng đỡ vất vả hơn trước”.

Anh Mang Thái (bên phải) có việc làm ổn định tại Công ty TNHH Long Sinh.

Anh Mang Thái (bên phải) có việc làm ổn định tại Công ty TNHH Long Sinh.

Nhiều năm qua, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) huyện Khánh Sơn đã phối hợp với Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú huyện Khánh Sơn tiến hành khảo sát, vận động và tổ chức đào tạo nghề may mặc cho hàng trăm lao động ĐBDTTS. Qua đó, liên kết đưa người lao động địa phương vào làm việc tại Công ty TNHH May OASIS (TP. Hồ Chí Minh). Đến nay, huyện Khánh Sơn đã đưa gần 50 lao động là ĐBDTTS vào làm việc tại công ty này. Ngoài hưởng mức lương hơn 8 triệu đồng/tháng, người lao động còn được hỗ trợ nơi ăn, ở, tham gia đóng đầy đủ các loại bảo hiểm theo quy định. Vào dịp lễ, Tết, công ty đều có thưởng cho người lao động, hỗ trợ xe đưa đón về quê ăn Tết; đa số người lao động đều an tâm làm việc, gắn bó với DN.

Huyện Khánh Vĩnh cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong độ tuổi lao động, nhất là ĐBDTTS tham gia học nghề và đi làm việc tại những DN trong Khu Công nghiệp Suối Dầu, như: Công ty TNHH Tín Thịnh; Công ty Cổ phần Gallant Ocean Việt Nam; Công ty TNHH Thủy sản Hải Long Nha Trang… với mức thu nhập từ 7 đến 11 triệu đồng/tháng. Qua khảo sát, hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 300 lao động là ĐBDTTS đang làm việc tại các DN ở Khu Công nghiệp Suối Dầu.

Kết nối người lao động với các nhà tuyển dụng

Theo ông Cao Minh Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, nhằm góp phần giảm nghèo bền vững, huyện luôn chú trọng triển khai các giải pháp trong đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người dân. Ngoài liên kết với một số DN ở TP. Hồ Chí Minh để tạo việc làm cho lao động, địa phương còn chủ động phối hợp với những DN cung ứng nhân lực đi làm việc ở nước ngoài được Bộ LĐ-TB-XH cấp phép, có liên kết với Sở LĐ-TB-XH tổ chức tư vấn, tuyển chọn và đào tạo nguồn lao động đưa đi làm việc ở 2 thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện có 5 lao động là ĐBDTTS xuất cảnh sang làm việc có thời hạn tại Nhật Bản, với mức thu nhập từ 25 triệu đồng/tháng trở lên. Ngoài ra, hàng năm, huyện còn triển khai tích cực việc phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS, THPT không học lên trung cấp, cao đẳng, đại học tham gia học nghề tại Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú huyện. Qua đó, mỗi năm có từ 180 đến 200 học sinh tham gia học nghề; 90% học sinh tốt nghiệp trường nghề có việc làm tại các DN trong và ngoài huyện.

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nắm bắt tình hình việc làm, đời sống của lao động huyện Khánh Sơn đang làm việc tại Công ty TNHH May OASIS (TP. Hồ Chí Minh).

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nắm bắt tình hình việc làm, đời sống của lao động huyện Khánh Sơn đang làm việc tại Công ty TNHH May OASIS (TP. Hồ Chí Minh).

Huyện Khánh Vĩnh cũng tích cực vận động, tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài cho người dân; phối hợp mở các phiên giao dịch việc làm kết nối trực tiếp người lao động với các nhà tuyển dụng; chủ động khảo sát nhu cầu nhân lực để tuyển sinh đào tạo cung ứng cho các DN đầu tư vào Cụm Công nghiệp Sông Cầu. Mới đây, Công ty Cổ phần Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa đã tổ chức tuyển dụng đợt 1 với 50 lao động ở Khánh Vĩnh để đưa vào vận hành Nhà máy Chế biến nguyên liệu yến sào Sanvinest Khánh Hòa tại Cụm Công nghiệp Sông Cầu.

Ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, hiện nay, phần lớn hộ nghèo, cận nghèo đều tập trung chủ yếu ở vùng ĐBDTTS và miền núi. Do vậy, để đạt được mục tiêu về giảm nghèo bền vững chỉ có con đường đào tạo nghề gắn với việc làm, tạo việc làm mới cho người dân. Thời gian qua, sở đã tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp trong tuyển sinh đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của người dân; liên kết với các DN để tuyển dụng lao động là ĐBDTTS vào làm việc; đưa ra các chính sách hỗ trợ về học nghề, chế độ đãi ngộ cho lao động đi làm việc trong DN, hỗ trợ chi phí cho lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn. Tính đến cuối tháng 10, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho hơn 10.500 lao động, trong đó có hàng nghìn lao động là ĐBDTTS. Những kết quả tích cực nêu trên đã góp phần từng bước chuyển đổi nghề nghiệp, nhận thức chủ động vươn lên của người dân nói chung, ĐBDTTS nói riêng. Thời gian tới, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp để tạo việc làm cho người dân, nhất là người nghèo, hộ ĐBDTTS và miền núi…

VĂN GIANG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202311/tao-viec-lam-chodong-bao-dan-toc-thieu-so-b537395/