Tạo thuận lợi để người nộp thuế tuân thủ tự nguyện

Trao đổi với phóng viên TBTCVN bên lề hội thảo 'Quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số', do Tổng cục Thuế tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, cho rằng việc xây dựng và kiện toàn bộ phận quản lý rủi ro tuân thủ về thuế thuộc Tổng cục Thuế đang là yêu cầu bức thiết trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Văn Chung

Bà Nguyễn Thị Cúc

Bà Nguyễn Thị Cúc

PV: Bà đánh giá như thế nào về công tác quản lý rủi ro (QLRR) tuân thủ thuế tại Việt Nam thời gian qua?

Bà Nguyễn Thị Cúc: Thực tiễn sau hơn 10 năm áp dụng phương pháp QLRR cho thấy, ngành Thuế đã kiến nghị xây dựng và cơ bản hoàn thiện được hành lang pháp lý khá toàn diện trong quản lý thuế; xây dựng và hình thành kho cơ sở dữ liệu thông tin về người nộp thuế (NNT).

Những văn bản pháp luật đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc áp dụng QLRR trong quản lý thuế một cách đầy đủ, toàn diện, góp phần cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế trong tình hình mới và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo báo cáo từ Tổng cục Thuế, với việc áp dụng QLRR, trong giai đoạn 2016-2020, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện 472.868 cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý truy thu, truy hoàn và phạt trên 89.896 tỷ đồng. Trong đó, các cơ quan thuế đã thực hiện thanh tra 35.757 cuộc, truy thu, truy hoàn và phạt 48.423 tỷ đồng, số thuế truy thu, truy hoàn và phạt bình quân một cuộc thanh tra tăng từ 1.134 triệu đồng (năm 2016) lên 1.969 triệu đồng (năm 2020), tương ứng mức tăng 173,7%.

Phân tích rủi ro ngày càng quan trọng trước yêu cầu chuyển đổi số

“Với yêu cầu chuyển đổi số hiện nay, số lượng người nộp thuế ngày càng tăng, hoạt động ngày càng phức tạp, vai trò của phân tích rủi ro quản lý tuân thủ người nộp thuế càng quan trọng. Vì vậy, công tác quản lý rủi ro, tăng cường tính tuân thủ cần được tăng cường, cần được thực hiện quyết liệt” - Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam.

Ngoài ra, việc áp dụng QLRR tuân thủ cũng góp phần nâng cao hiệu quả trong quá trình lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra tại trụ sở NNT, tiết kiệm đáng kể chi phí, nguồn lực con người; xác định đúng đối tượng cần kiểm tra, thanh tra thuế; ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực trong việc lựa chọn đối tượng, đảm bảo tính khách quan; sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra tại trụ sở NNT.

Dựa trên kết quả áp dụng các bộ tiêu chí đánh giá rủi ro, kết quả thanh tra, kiểm tra NNT tại cơ quan thuế các cấp đều tăng qua các năm (tăng bình quân từ 1,3 tỷ đồng lên gần 2 tỷ đồng/cuộc thanh tra/năm).

PV: Việc áp dụng QLRR đã đạt được kết quả tích cực. Song trong bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu cho ngành Thuế cần sớm kiện toàn bộ phận QLRR phục vụ cho công tác quản lý thuế được hiệu quả nhất. Bà có quan điểm thế nào về vấn đề này?

Bà Nguyễn Thị Cúc: Tôi cho rằng, việc xây dựng và kiện toàn bộ phận QLRR tuân thủ về thuế thuộc Tổng cục Thuế đang là yêu cầu bức thiết trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

Không chỉ phục vụ công tác quản lý thuế, mà việc kiện toàn bộ phận QLRR còn đáp ứng nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã giao, tại Quyết định số 508/QĐ-TTg về phê duyệt “Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030”.

Thể chế quản lý thuế tiếp tục hoàn thiện để đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giảm chi phí tuân thủ pháp luật thuế của người dân và doanh nghiệp (DN); đồng thời tạo cơ sở pháp lý để xây dựng cơ quan thuế Việt Nam hiện đại, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, đủ năng lực để thực hiện và quản lý tốt các mục tiêu và nội dung cải cách hệ thống thuế đã đề ra.

Việc hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý thuế phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định pháp luật Việt Nam, trọng tâm là thể chế quản lý thuế, nguồn nhân lực và công nghệ thông tin.

Cụ thể: Áp dụng QLRR trong quản lý thuế; tạo điều kiện thuận lợi để NNT tuân thủ tự nguyện, cơ quan thuế có đủ năng lực quản lý thuế hiệu quả, hiệu lực; bên cạnh đó, áp dụng cơ chế NNT tự khai, tự tính tự nộp và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu nộp thuế, miễn giảm, hoàn thuế…

Cơ quan thuế thực hiện các chức năng tuyên truyền hỗ trợ, thanh tra, kiểm tra; cưỡng chế nợ thuế thì tính tuân thủ của NNT có ý nghĩa quan trọng và có yếu tố quyết định hiệu quả của công tác quản lý.

PV: Bà có thể cho biết, cơ quan thuế các nước trên thế giới đang áp dụng công tác QLRR tuân thủ thuế ra sao?

Bà Nguyễn Thị Cúc: Như chúng ta đã biết, để đẩy mạnh công tác QLRR trong quản lý thuế, về mặt tổ chức bộ máy, vào năm 2015, Tổng cục Thuế đã thành lập Ban QLRR có chức năng tham mưu giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế xây dựng hệ thống cơ sở pháp lý, tiêu chí, quy trình, quy định về QLRR trong quản lý thuế.

Từ đó đến nay, Ban QLRR đã chủ trì nghiên cứu và xây dựng các bộ tiêu chí, quy trình nghiệp vụ áp dụng QLRR trong quản lý thuế; xây dựng thông tư hướng dẫn về QLRR; phối hợp với các vụ, đơn vị trong Tổng cục Thuế để xây dựng, nâng cấp ứng dụng QLRR với các phân hệ khác nhau như lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra, quản lý và sử dụng hóa đơn, hoàn thuế…

Tuy nhiên, tại các cơ quan thuế địa phương không có đơn vị chuyên trách thực hiện công tác QLRR trong quản lý thuế. Vì vậy, các công việc về QLRR chưa được thực hiện thống nhất.

Nhìn từ góc độ kinh nghiệm quốc tế, cũng còn nhiều điểm ngành Thuế cần tiếp tục được nghiên cứu và hoàn thiện để phù hợp với thực tế phát triển của Việt Nam cũng như thông lệ tốt trên thế giới về QLRR tuân thủ.

Trên thế giới, theo khuyến nghị của Liên minh Châu Âu (Ủy ban Thuế và Hải quan EU), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đề xuất, nhiều cơ quan thuế các nước đã và đang đưa QLRR tuân thủ trở thành một đơn vị thường trực trong cơ cấu tổ chức để thực hiện các biện pháp phát hiện rủi ro và sử dụng QLRR tuân thủ như một công cụ tích hợp cho tất cả các quy trình lập kế hoạch và đưa ra quyết định của ngành Thuế.

Tại Trung Quốc, năm 2019 cơ quan thuế (STA) đã thành lập Vụ QLRR thuế và dữ liệu lớn có trách nhiệm lập Chiến lược QLRR tuân thủ cho toàn ngành thuế đồng thời tổ chức, sử dụng dữ liệu lớn và triển khai các hoạt động QLRR trên cả nước...

PV: Xin cảm ơn bà!

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Phương pháp này giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật thuế hiệu quả hơn

Dựa trên khảo sát của một số tổ chức uy tín, nhiều DN Việt Nam đánh giá cao việc áp dụng phương pháp QLRR trong quản lý thuế. Bởi phương pháp này sẽ giúp DN tuân thủ luật thuế hiệu quả hơn và góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của DN, tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm của DN, góp phần thúc đẩy công bằng thuế…

Để cải thiện việc quản lý thuế theo phương pháp QLRR tại Việt Nam, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chí, chỉ số đánh giá rủi ro theo hướng cập nhật, bổ sung các tiêu chí, chỉ số đánh giá rủi ro mới phù hợp với thực tiễn kinh tế - xã hội, diễn biến vi phạm luật thuế. Cùng với đó, áp dụng các phương pháp đánh giá rủi ro tiên tiến, khoa học hơn như: phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo...

Việc tăng cường thu thập và phân tích dữ liệu, ngành Thuế có thể tận dụng dữ liệu từ các nguồn khác nhau như: cơ quan nhà nước, ngân hàng, DN, mạng xã hội... để đánh giá rủi ro thuế và xác định các đối tượng có khả năng vi phạm luật thuế./.

Ông Noguchi Daisuke - Chuyên gia JICA tại Việt Nam

Ông Noguchi Daisuke - Chuyên gia JICA tại Việt Nam

Cần xây dựng hệ thống quản trị thuế trong doanh nghiệp

Tại Nhật Bản, một trong những biện pháp nhằm duy trì và nâng cao tính tuân thủ thuế của DN là xây dựng hệ thống quản trị thuế trong DN. Đó là việc cơ quan thuế hỗ trợ lãnh đạo DN chủ động, tích cực tham gia trực tiếp vào việc kê khai nộp thuế đúng, đủ, xây dựng hệ thống quản trị nội bộ cần thiết liên quan đến thuế.

Sự tham gia trực tiếp, chỉ đạo của lãnh đạo DN là nội dung quan trọng nhất để duy trì và nâng cao tính tuân thủ thuế của DN, có tác động lớn đến xây dựng và hoàn thiện các nội dung khác.

Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản trị thuế trong DN sẽ đem lại lợi ích cho cả DN và cơ quan thuế. Cụ thể, DN giảm thiểu rủi ro về thuế (rủi ro do xử lý kế toán không phù hợp trong DN); nếu hệ thống quản trị thuế trong DN tốt thì có thể giảm thiểu gánh nặng ứng phó với thanh tra thuế. Về phía mình, cơ quan thuế có thể tập trung nguồn lực thanh tra cho các DN có mức độ cần thanh tra cao.

Ông Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính)

Ông Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính)

Phát triển dữ liệu số và quản lý rủi ro nâng cao chất lượng quản lý thuế

Kinh tế số Việt Nam phát triển nhanh chóng cả về nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, thương mại điện tử (TMĐT) tăng trưởng khoảng 35%. Năm 2023 cả nước có khoảng 60 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, ước tính đến năm 2025 cả nước có hơn 70 triệu người tham gia.

Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép 51 đơn vị ứng dụng dịch vụ trung gian thanh toán; thanh toán trực tuyến phổ biến rộng rãi 11 tỷ giao dịch không dùng tiền mặt, tăng 50% so với năm 2022. Sự phát triển nhanh chóng về kinh tế số Việt Nam phát triển nhanh chóng cả về nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, TMĐT là một thách thức trong quản lý thuế.

Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế trong nền kinh tế số, chúng ta cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số. Cùng với đó, cần phát triển dữ liệu số và quản lý rủi ro; phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và hoàn thiện thể chế về lĩnh vực này.

Văn Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tao-thuan-loi-de-nguoi-nop-thue-tuan-thu-tu-nguyen-150753.html