Tạo sức sống mới cho di sản

Thời gian vừa qua, các bảo tàng, di tích đã có những sự nỗ lực rất lớn trong việc đổi mới hoạt động, tạo ra sự thu hút, hấp dẫn đối với khách tham quan, nhất là thông qua những sáng tạo trong trưng bày, quản lý di sản văn hóa.

Những ví dụ ở di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng Thành - Thăng Long, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam... và rất nhiều nơi khác nữa cho chúng ta niềm tin vào một xu hướng ứng dụng công nghệ, sáng tạo để tạo nên sức sống mới cho di sản.

Du khách tham gia trải nghiệm vẽ thư pháp và soạn câu đối trong chương trình trải nghiệm đêm ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám với chủ đề “Tinh hoa đạo học”.

Du khách tham gia trải nghiệm vẽ thư pháp và soạn câu đối trong chương trình trải nghiệm đêm ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám với chủ đề “Tinh hoa đạo học”.

Đa dạng sự sáng tạo

Nếu như di tích Nhà tù Hỏa Lò có “Đêm thiêng liêng” làm cho ký ức trở nên sống động và xúc động hơn bằng cách kết nối những câu chuyện lịch sử, qua hiện vật tại chỗ, trình diễn âm thanh, ánh sáng qua cách kể chuyện và biểu diễn; hay Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã mạnh dạn đầu tư vào công nghệ mới 3D mapping, thực tế ảo qua “Tinh hoa đạo học”, thì Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và một số bảo tàng, di tích khác sử dụng công nghệ để cho các hiện vật tự kể chuyện, lôi cuốn khách tham quan vào những câu chuyện lịch sử hấp dẫn. Rõ ràng, việc ứng dụng công nghệ, sáng tạo hơn trong quản lý di sản để tạo ra những trải nghiệm trọn vẹn hơn cho khách tham quan, là những nét mới rất đáng khuyến khích.

Mới đây, nghê ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã được định danh bằng công nghệ vật lý số, tạo ra cuốn sách vật lý số đầu tiên tại Việt Nam có ý nghĩa không chỉ là một bước quan trọng trong bảo tồn di sản mà còn mở ra nhiều cơ hội trong việc truyền thông, giáo dục di sản và phát triển công nghệ. Đó là ví dụ hết sức có ý nghĩa, truyền cảm hứng cho các di tích khác có thể học hỏi, giúp các di tích, bảo tàng ở Việt Nam trở nên hấp dẫn và thu hút khách tham quan nhiều hơn, từ đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trước đó, cũng ứng dụng công nghệ vật lý số, các nghệ nhân tài hoa của Làng đá Non Nước (thành phố Đà Nẵng) đã giới thiệu sản phẩm được định danh số thông qua gắn chip để người dùng click vào sẽ hiểu câu chuyện đằng sau mỗi tác phẩm.

Một trong những đơn vị ứng dụng vật lý số là Trung tâm thông tin UNESCO Việt Nam (thuộc Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam) khi cùng đối tác Phygital Labs xây dựng dự án “Ứng dụng công nghệ để bảo tồn và phát triển di sản, văn hóa Việt”. Theo Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Tổng Giám đốc Trung tâm thông tin UNESCO Việt Nam Nguyễn Hùng Sơn, với công nghệ này, một trong những sản phẩm của trung tâm là hình tượng con Nghê được gắn một chip tích hợp, bất kỳ ai dùng điện thoại thông minh quét lên sản phẩm sẽ có đầy đủ thông tin (nguồn gốc, kích thước, hình ảnh 3D, những câu chuyện đi kèm…). Qua đó, giúp khách thuận lợi trong việc tìm hiểu thông tin của sản phẩm.

Mang lại nhiều giá trị thiết thực

Là một trong những đơn vị trong thời gian qua tích cực ứng dụng công nghệ và có những sáng tạo trong bảo quản, trưng bày các hiện vật, TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khẳng định, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực, ngành nghề để bắt kịp với sự phát triển của thế giới, việc ứng dụng công nghệ vào công tác bảo tồn, phát triển và quảng bá những di sản văn hóa quý giá là thức thời và thực sự cần thiết.

“Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, văn hóa càng cần được chú trọng phát triển nhiều hơn để không bị “đi sau” những lĩnh vực hiện đại khác. Đáng mừng là nhờ ứng dụng công nghệ và có những sáng tạo trong quản lý, trưng bày hiện vật, thời gian qua rất nhiều du khách đã đến với Văn Miếu - Quốc Tử Giám với tò mò, hào hứng. Giờ đây đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, du khách không chỉ được tham quan trường đại học đầu tiên của nước ta mà còn được “đắm mình” trong không gian sáng tạo. Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã không “đứng im” chờ du khách mà vận động, đổi mới để mỗi du khách khi bước chân vào chốn linh thiêng này là một lần thu gặt được những cảm xúc mới. Vì lẽ đó, tôi tin rằng việc ứng dụng công nghệ mới là bước chuyển để nâng tầm giá trị nền văn hóa nước nhà”, TS Lê Xuân Kiêu khẳng định.

Trao đổi với PV Báo CAND, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho biết, sự sáng tạo trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Ngoài việc tạo ra các trải nghiệm mới, hấp dẫn giúp người tham quan hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa ở di tích thì việc áp dụng các kỹ thuật sáng tạo trong việc bảo quản hiện vật giúp giảm thiểu tác động của thời gian và môi trường, bảo vệ và duy trì di sản văn hóa.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng nhấn mạnh, việc tạo ra các chương trình và sản phẩm du lịch sáng tạo giúp tăng cường kinh tế của bảo tàng, khu di tích hay nói rộng ra là cho kinh tế của cả địa phương, đồng thời khuyến khích sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và bảo tàng để phát triển sản phẩm và dịch vụ mới. Đặc biệt, việc sáng tạo trong quản lý di sản sẽ khuyến khích nghiên cứu khoa học, nhất là thông qua việc hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các phương pháp mới trong bảo quản di tích và hiện vật, cũng như khuyến khích sự đổi mới trong việc giới thiệu thông tin và giáo dục di sản.

Ngô Khiêm

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/tao-suc-song-moi-cho-di-san-i721521/