Tạo môi trường thuận lợi để phát triển xe đạp công cộng

Dịch vụ xe đạp công cộng đã được triển khai tại Hà Nội và một số thành phố lớn trên cả nước. Qua đó góp phần bảo vệ môi trường và hỗ trợ kết nối giữa các loại hình vận tải công cộng khác như xe buýt, tàu điện. Để thúc đẩy dịch vụ này phát triển hơn nữa cũng như thu hút đông đảo người dân sử dụng, việc hoàn thiện hạ tầng và các chính sách khuyến khích người đi xe đạp có vai trò quan trọng hàng đầu.

Hà Nội là một trong những địa phương có số người sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng nhiều nhất cả nước. Sau hai tháng triển khai xe đạp công cộng ở Hà Nội, đã có hơn 100.000 lượt người đăng ký tham gia, gần 1 triệu ki-lô-mét di chuyển và trung bình có 2.000 lượt di chuyển/ngày. Anh Lê Khánh Toàn (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) cho biết, hiện nay, xe đạp công cộng được bố trí tại khá nhiều nơi ở Hà Nội, nhất là khu vực gần điểm dừng xe buýt, ga tàu điện nên thu hút được nhiều người dùng. Việc lấy mã để sử dụng xe, trả tiền thuê xe được thực hiện qua ứng dụng điện tử nên với thanh niên không gặp trở ngại gì, nhưng với người lớn tuổi còn khó khăn do chưa quen thao tác.

Theo ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính, Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội, trên thế giới, mô hình xe đạp công cộng đã đạt được thành công ở nhiều nước, mang lại những hiệu quả như: hỗ trợ vận tải công cộng, bảo vệ môi trường, hạn chế tiếng ồn, giảm ùn tắc giao thông đô thị. Tại Hà Nội, đặc thù là ngõ nhỏ, phố nhỏ nên khoảng cách từ nơi ở đến nhà ga, bến tàu, điểm dừng xe buýt có khi lên tới hàng cây số. Do đó, phương án xe đạp công cộng là bước đi đúng và hợp lý, cần tạo điều kiện để phát triển.

 Người dân tại Hà Nội sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng của Tập đoàn Trí Nam. Ảnh: PHẠM HƯNG

Người dân tại Hà Nội sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng của Tập đoàn Trí Nam. Ảnh: PHẠM HƯNG

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho rằng, muốn có môi trường thuận lợi cho xe đạp công cộng cần cơ quan quản lý nhà nước tạo dựng khung pháp lý, cơ chế vận hành cho phương tiện bao gồm xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn, yêu cầu để xe đạp bảo đảm an toàn, có bộ máy tương tác thường xuyên với người dân, kịp thời điều tiết phương tiện, đáp ứng nhu cầu những lúc cao điểm. Bên cạnh đó, nên coi đây là loại hình vận tải hành khách công cộng như xe buýt, đường sắt đô thị và Nhà nước tham gia quản lý, xây dựng khung giá sao cho hấp dẫn người dân sử dụng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần tạo được sự tin cậy với người dân, cung cấp phương tiện bảo đảm chất lượng, có hệ thống duy tu, bảo dưỡng và kiểm soát chất lượng, hỗ trợ người sử dụng dịch vụ an toàn, thoải mái.

Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội hiện đang nghiên cứu hai tuyến đường dành riêng cho xe đạp và dự kiến triển khai vào năm 2024. Trong đó, đường chạy dọc sông Tô Lịch đã có đường dành cho người đi bộ và có thể tận dụng để triển khai đường cho xe đạp. Cùng với đó là hệ thống đường quanh công viên Hòa Bình, tiếp cận các khu vực dịch vụ, vui chơi, du lịch, văn hóa... Tại khu vực nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị, bến xe cũng sẽ dành một phần diện tích có mái che cho xe đạp công cộng. Về lâu dài, sẽ tiếp tục khuyến khích người dân chuyển từ xe máy sang xe đạp như ưu tiên về chỗ đỗ xe và xây dựng chính sách, cơ chế đặc thù cho các phương tiện vận tải hành khách công cộng nói chung, xe đạp công cộng nói riêng.

KHĂM SAY

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tao-moi-truong-thuan-loi-de-phat-trien-xe-dap-cong-cong-756044