Tạo lợi thế cạnh tranh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp

Cùng với việc quy hoạch, phát triển các khu - cụm công nghiệp mới, Lào Cai đang thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp để thu hút thêm nhiều dự án đầu tư phát triển công nghiệp.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 3 khu công nghiệp với kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ (Đông Phố Mới, Bắc Duyên Hải và Tằng Loỏng) với tổng diện tích theo quy hoạch 1.285 ha, trong đó đất công nghiệp 868,68 ha.

Các khu công nghiệp của tỉnh đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đến đầu tư, đến nay đã cho thuê 661,94 ha, tỷ lệ lấp đầy là 76,2% đất công nghiệp; thu hút 161 dự án đầu tư, sản xuất - kinh doanh (138 dự án đưa vào hoạt động, 23 dự án đang đầu tư xây dựng) với tổng vốn đăng ký 25.637 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp trong các khu công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn (trên 60% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh), thu nộp ngân sách gần 1.000 tỷ đồng/năm.

Theo Sở Công Thương, đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản được lấp đầy, trong khi có một số dự án lớn như tổ hợp hóa chất để sản xuất các sản phẩm phân bón MPA, SA, lân nung chảy, NPK chất lượng cao, sản xuất phốt pho đỏ, sản xuất vật liệu xây dựng từ chất thải rắn trong khu công nghiệp, chế biến đất hiếm, tuyển quặng sắt, cán kéo thép, dây cáp đồng, chế biến nông sản, dệt may, sản xuất hàng tiêu dùng... đang nghiên cứu lập dự án đầu tư, không thể bố trí được trong các khu công nghiệp hiện có.

Đối với các cụm công nghiệp, theo quy hoạch đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh quy hoạch 18 cụm công nghiệp, tổng diện tích 231,81 ha, nhưng đến nay mới có 3/18 cụm công nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đưa vào hoạt động, gồm cụm công nghiệp: Đông Phố Mới, Bắc Duyên Hải, Sơn Mãn. 3 cụm công nghiệp này sắp xếp cho 146 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh (cụm công nghiệp Bắc Duyên Hải 103 cơ sở, cụm công nghiệp Đông Phố Mới 16 cơ sở, cụm công nghiệp Sơn Mãn 27 cơ sở); tỷ lệ lấp đầy 100%.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, trong 3 khu công nghiệp của tỉnh thì Khu Công nghiệp Bắc Duyên Hải đã lấp đầy 100%, Khu Công nghiệp Đông Phố Mới chỉ còn 7 ha đất chưa giao nhưng đang chờ quy hoạch ga Lào Cai nên chưa có phương án sử dụng cụ thể; Khu Công nghiệp Tằng Loỏng hiện còn 1 lô khoảng 19 ha đang được giới thiệu cho 1 doanh nghiệp Nhật Bản nghiên cứu đầu tư dự án điện sinh khối.

Ông Vương Trinh Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh thông tin: Từng có 1 doanh nghiệp FDI Trung Quốc đến Lào Cai khảo sát đầu tư 1 nhà máy sản xuất dù bạt. Doanh nghiệp này đưa điều kiện đầu tư 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 thuê khoảng 5.000 m2 nhà xưởng lắp ráp lều bạt du lịch; giai đoạn 2 khi xuất khẩu được sản phẩm sẽ đầu tư nhà máy, đưa dây chuyền công nghệ sang, tiếp đến khi vào thị trường sẽ mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, Lào Cai chưa có khu công nghiệp đáp ứng điều kiện của họ nên doanh nghiệp này tính toán chuyển sang địa phương khác.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển khu - cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tỉnh sẽ hình thành 3 khu công nghiệp mới: Cốc Mỳ - Trịnh Tường (Bát Xát), Võ Lao (Văn Bàn) và Cam Cọn (Bảo Yên).

Khu Công nghiệp Cốc Mỳ - Trịnh Tường với quy mô 1.100 ha sẽ tạo điều kiện để Lào Cai thu hút đầu tư, tạo đột phá trong phát triển công nghiệp giai đoạn tới. Tỉnh đang thực hiện các quy trình thủ tục để xin ý kiến các bộ, ngành điều chỉnh, bổ sung khu công nghiệp này vào quy hoạch chung Khu Kinh tế cửa khẩu, làm cơ sở triển khai thu hút đầu tư.

Các lợi thế cạnh tranh của Lào Cai trong giai đoạn trước đã không còn thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư, vì vậy cần có cách làm mới và quan trọng nhất là chính quyền, các ngành chức năng phải thực sự đồng hành với doanh nghiệp.

Ông Vương Trinh Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh

Đối với Khu Công nghiệp Võ Lao (Văn Bàn), mới đây địa phương này đã công bố quy hoạch chung xây dựng đô thị Võ Lao. Ban Quản lý Khu kinh tế cùng các ngành giao danh mục quy hoạch chung và đề xuất danh mục kêu gọi đầu tư.

Khu Công nghiệp Cam Cọn (Bảo Yên) cũng đang trong giai đoạn thực hiện các bước xác định ranh giới phạm vi trong quy hoạch phân khu dọc sông Hồng.

Ông Vương Trinh Quốc cho biết, trong khi chờ các khu công nghiệp tập trung hình thành, cần có chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp đến đầu tư. Ban đã tham mưu cho tỉnh nghiên cứu các chính sách mà một số tỉnh, thành áp dụng hiệu quả, như nhà nước giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng khung như trục giao thông chính, hạ tầng điện, nước sạch, hệ thống xử lý nước thải; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian từ khi được cấp chủ trương đầu tư đến khởi công dự án. Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá tiềm năng, lợi thế của Lào Cai để mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư.

Cũng theo ông Vương Trinh Quốc, các lợi thế cạnh tranh của Lào Cai trong giai đoạn trước đã không còn thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư, vì vậy cần có cách làm mới và quan trọng nhất là chính quyền, các ngành chức năng phải thực sự đồng hành với doanh nghiệp.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/tao-loi-the-canh-tranh-thu-hut-dau-tu-phat-trien-cong-nghiep-post376683.html