Tạo cơ chế đột phá trong thu hút, trọng dụng nhân tài cho Thủ đô

Theo TS Trần Anh Tuấn, nếu không có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài tốt thì chính sách đặc thù trong dự thảo Luật Thủ đô sẽ khó thực hiện được như mong muốn.

Chính sách hiện hành chưa đủ hấp dẫn

Chiều 11/12, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức tọa đàm ''Sửa Luật Thủ đô: Tạo cơ chế đột phá trong thu hút, trọng dụng nhân tài''.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa trình và thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV được đánh giá có tính kế thừa cao, bám sát các chủ trương, chính sách của Trung ương đối với sự phát triển của đất nước nói chung và Thủ đô trong thời gian tới nói riêng.

Theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật Thủ đô lần này đã cụ thể hóa khá đầy đủ tinh thần của Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều điểm mới thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ gắn với thực tiễn sản xuất, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Toàn cảnh tọa đàm

Trong đó quy định về thu hút trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được quy định tại Điều 17 Chương II của Dự thảo Luật được nhận định là một nội dung rất quan trọng, đây cũng là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu và người dân.

Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Xuân Khánh cho biết, chính sách về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là chính sách được kế thừa và phát triển từ quy định của Luật Thủ đô 2012.

Trên cơ sở quy định đó cũng như việc áp dụng một số quy định khác của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, ngày 17/7/2013, Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND quy định về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, các quy định này đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Xuân Khánh phát biểu tại Tọa đàm.

Chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài của Thành phố chưa đủ sức hấp dẫn, về cơ bản chưa đáp ứng được mục tiêu như mong muốn. Vì vậy, để đáp ứng được yêu cầu phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra nhiệm vụ cần ''có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế''.

Để cụ thể hóa yêu cầu tại Nghị quyết 15, Điều 17 dự thảo Luật đã thiết kế 02 khoản, khoản 1 là về thu hút, trọng dụng nhân tài và khoản 2 là về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô. Trong đó có đưa ra các quy định về đối tượng, quy định các chính sách kèm theo...

Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, để quy định có tính khả thi hơn, cũng cần trao quyền cho HĐND Thành phố ban hành văn bản quy định cụ thể hơn các đối tượng cần thu hút, có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ.

Để thu hút và giữ chân được người tài, cũng cần lưu ý đến một số điều kiện đảm bảo khác như xây dựng môi trường làm việc khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới, tạo điều kiện cho người tài thăng tiến và cống hiến… đây là yếu tố quyết định để giữ chân và phát huy tiềm năng của nhân tài.

Các khách mời trao đổi tại Tọa đàm

Cần quy định rõ điều kiện, tiêu chuẩn

TS Đoàn Thị Tố Uyên - Trưởng khoa Pháp luật Hành chính - nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, Điều 17 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thiết kế 1 điều riêng ''Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao'' - thể hiện được tinh thần vượt trội, không những tuyển dụng các sinh viên xuất sắc, mà mở rộng thêm cả người nước ngoài; đồng thời bao quát ở nhiều lĩnh vực.

Điểm mới trong dự thảo Luật là thay đổi, mở rộng thêm các đối tượng, thể hiện tinh thần phân quyền của Trung ương cho HĐND thành phố Hà Nội. Nếu HĐND Thành phố ban hành nghị quyết sẽ cụ thể hóa được cơ chế, chính sách. Tuy nhiên, cần quy định rõ điều kiện, tiêu chuẩn, điều kiện thế nào để trở thành nhân tài, phải chia ra các nhóm khác nhau.

Khi chính sách này được áp dụng, phải quy định rõ công việc, vị trí việc làm thế nào để thể hiện được chính sách vượt trội. Cùng đó, có cơ chế, thủ tục tuyển dụng đơn giản; khi tuyển dụng vào rồi phải có quá trình đào tạo, bồi dưỡng, sát hạch, điều chỉnh chính sách.

TS Đoàn Thị Tố Uyên - Trưởng khoa Pháp luật Hành chính - nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội

Quan trọng nhất, đó là phải có môi trường cho họ phát huy được năng lực, đảm bảo điều kiện về lương, chính sách vượt trội mới có thể giữ chân được người tài. Do đó, Hà Nội phải cụ thể hóa trong nghị quyết của HĐND Thành phố.

Chia sẻ quan điểm của mình, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nhìn nhận, không thu hút, không trọng dụng được nhân tài là thất bại, nên chuyện quy định này là điều đáng hoan nghênh vì Hà Nội, làm cho Thủ đô Hà Nội có vị trí rất đặc biệt, rất hay, rất cao nhưng đòi hỏi phải có tài mới làm được.

TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội

“Theo tôi Luật phải có cơ chế rõ ràng, gắn rõ quyền lợi và trách nhiệm. Phải nêu rõ thẩm quyền ai là lựa chọn người tài cũng, phải nêu trách nhiệm của người tuyển dụng để chọn đúng người; người tuyển dụng phải có tầm nhìn, tuyển đúng người, đúng việc thì mới ra người tài. Quan trọng là phải có cơ chế đặc biệt, có sự phân cấp phân quyền rõ ràng. Tôi cho rằng quy định càng kỹ bao nhiêu, càng cụ thể bao nhiêu trong Luật thì thực hiện sẽ càng đúng”, ông Chức nói.

3 tiêu chí xác định nhân tài

Còn theo TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, muốn có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phải xác định tiêu chí thế nào là nhân tài. Ví dụ, chúng ta đang thực hiện chính sách trọng dụng những thủ khoa. Theo ông Tuấn, đây mới chỉ là nguồn. Thủ khoa là những người có kết quả học tập tốt, có tiềm năng để về đơn vị rồi đào tạo, bồi dưỡng, nhưng chưa chắc đã là người có tài năng ngay từ đầu.

TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ

“Theo tôi, có 3 tiêu chí xác định nhân tài. Thứ nhất, có tư cách, phẩm chất đạo đức, tinh thần cống hiến. Thứ hai, có trình độ, năng lực vượt trội hơn so với người khác. Thứ ba, phải có sản phẩm.

Hiện nay, chúng ta vẫn đang có tình trạng sử dụng người thông qua bằng cấp. Tuy nhiên, có nhiều người chỉ tốt nghiệp cử nhân nhưng họ có thể làm được rất nhiều việc để giải quyết điểm nghẽn, khó khăn trong công việc mà không ai làm được. Đây mới là người giỏi, chứ không phải ai học cao hơn là người giỏi”, ông Tuấn nói.

Khi xác định được tiêu chí thế nào là nhân tài, chúng ta sẽ xây dựng được các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp. Sau khi đã tìm được nguồn thì phải có chính sách bồi dưỡng đào tạo và giao việc để họ được khẳng định và trưởng thành trong công việc. Nếu không làm được sẽ không có khả năng giữ chân được người tài.

Cũng theo ông Tuấn, nếu không có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài tốt thì chính sách đặc thù trong dự thảo Luật sẽ khó thực hiện được như mong muốn, như: Phát triển đô thị, xây dựng giao thông, phát triển khoa học công nghệ, môi trường, an sinh xã hội… Kể cả xây dựng chính quyền hiệu lực, hiệu quả, cải cách hành chính thì yếu tố con người cũng là yếu tố quyết định. Yếu tố con người được thể hiện rõ nét, đột phá qua chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tao-co-che-dot-pha-trong-thu-hut-trong-dung-nhan-tai-cho-thu-do-163807.html