Tăng kiểm soát, giảm ngộ độc thực phẩm

Vụ ngộ độc thực phẩm làm hàng trăm người phải nhập viện cấp cứu và điều trị do ăn bánh mì tại tiệm bánh mì Băng (phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh) xảy ra ngày 1-5, ngay trong Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2024. Qua đó cho thấy vấn đề đảm bảo ATTP vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại, cần được đặc biệt quan tâm trong thời gian tới tại Đồng Nai.

Theo các cơ quan chức năng của tỉnh, trong thời gian qua, các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh còn có những hạn chế như: không thực hiện đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn; cống rãnh thoát nước thải khu vực nhà bếp bị ứ đọng, không được che kín; không lưu trữ thông tin hoặc lưu trữ không đầy đủ thông tin để truy xuất nguồn gốc thực phẩm; thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ; không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe đối với chủ cơ sở và nhân viên trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm hoặc giấy chứng nhận hết hạn… Bên cạnh đó, năng lực hậu kiểm còn hạn chế, thiếu hụt nhân lực để triển khai, nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Chưa ứng dụng được công nghệ thông tin trong quản lý ATTP. Kiểm soát ATTP đối với thức ăn đường phố còn hạn chế…

Trước tình hình đó, thời gian tới, công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn cần phải tăng cường, đổi mới, thực hiện căn cơ, đồng bộ hơn.

Theo đó, cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất, vận chuyển, bảo quản, sơ chế đến chế biến thực phẩm. Nâng cao trách nhiệm, chất lượng hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền. Các lực lượng công an, quản lý thị trường tăng cường nắm bắt, phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý và hỗ trợ các cơ quan quản lý xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về ATTP.

Ngoài ra, ngành chức năng cần quan tâm sớm cập nhật, bổ sung các quy định về kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm đối với thức ăn đường phố; hoạt động kinh doanh thực phẩm trên mạng xã hội…

Cùng với đó, công tác thông tin, truyền thông về đảm bảo ATTP cần được đẩy mạnh hơn nữa. Đổi mới hình thức, nội dung truyền thông trong công tác đảm bảo ATTP phù hợp với từng vùng, từng đối tượng; chú trọng truyền thông về trách nhiệm quản lý, đảm bảo ATTP, thay đổi hành vi trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, sử dụng thực phẩm và sử dụng dịch vụ thực phẩm. Thường xuyên tổ chức tập huấn các quy định pháp luật về đảm bảo ATTP cho các chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm, nhất là các chợ đầu mối, bếp ăn tập thể…

Việc triển khai đồng bộ, tổng thể các giải pháp đảm bảo ATTP sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP, tăng cường kiểm soát thực phẩm từ nguồn gốc đến chế biến sẽ góp phần ngăn chặn, kéo giảm các vụ ngộ độc thực phẩm hiệu quả, bền vững hơn.

Đặng Ngọc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202405/tang-kiem-soat-giam-ngo-doc-thuc-pham-66b675a/